Phạm Hà My, 29 tuổi, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Cambridge. 10 năm trước, My không nghĩ ngày nào đó sẽ trở thành sinh viên Đại học Cambridge - Top 3 Đại học danh giá nhất thế giới (sau MIT và Oxford, đồng hạng với Stanford) theo xếp hạng của QS năm 2022; và nằm trong Top 5 (sau Harvard, MIT, Stanford, và trước Oxford) theo xếp hạng của THE năm 2020.
My muốn du học từ năm cấp ba, khi thấy bạn bè cùng trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam lần lượt giành học bổng các đại học quốc tế. Hoàn cảnh gia đình không cho phép nên cựu học sinh chuyên Sinh phải tạm gác ý định. Tốt nghiệp ngành Công nghệ Sinh học, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, My từng xin học bổng ở một số nước song chỉ dừng ở vòng phỏng vấn do tiếng Anh và hồ sơ còn hạn chế.
"Tôi quyết định đi làm để biết rõ mình muốn gì. Đó cũng là quá trình chuẩn bị, trau dồi ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn để tìm cơ hội tốt hơn", My cho hay.
My ứng tuyển vào đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam (OUCRU), với mục đích học hỏi cách làm việc trong môi trường quốc tế và cải thiện tiếng Anh. Thời gian này, My tham gia hội nghị, hội thảo ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, chỉ tới khi đoạt giải Quán quân cuộc thi tìm kiếm Đại sứ Truyền thông Khoa học của Hội đồng Anh và đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế ở Anh, My mới quyết định đây sẽ là điểm đến tiếp theo. Lúc này, vốn tiếng Anh và kiến thức đã đủ tốt, My bắt tay làm hồ sơ xin học bổng.
Nộp xong học bổng Chính phủ Anh Chevening tháng 11/2017, My vẫn muốn thử sức với một trường top. Cô hoàn hiện hồ sơ cho chương trình thạc sĩ về Khoa học hệ gen của Đại học Cambridge.
Lúc có ý định nộp vào Cambridge, My liên hệ một số giáo sư trong trường để tìm hiểu đề tài nghiên cứu của họ và hỏi xem liệu cô có thể trở thành sinh viên nghiên cứu cùng đề tài. My được các giáo sư động viên nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, theo quy định của Cambridge, để ứng tuyển chương trình thạc sĩ, ứng viên đến từ Việt Nam và một số nước đang phát triển phải có IELTS ít nhất 7.0 (trong đó không kỹ năng nào dưới 7) và đã có bằng thạc sĩ. Trong thư phản hồi My, ban tuyển sinh cho rằng cô gửi sót giấy tờ do chưa thấy bằng thạc sĩ.
"Giáo sư khuyên tôi gửi email cho trường, nhờ xem xét vì tuy không có bằng thạc sĩ, tôi có kinh nghiệm làm việc và có khả năng hoàn thành chương trình ở Cambridge. Thầy nói không phải sinh viên nào đến từ đất nước phát triển cũng học tốt và ngược lại, không phải mọi sinh viên đến từ quốc gia đang phát triển đều không đáp ứng được", My cho hay.
Trong email, My trình bày đã được học các môn liên quan công nghệ sinh học, từng thực hiện nhiều công trình nghiên cứu. Bài luận của My nêu ra vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam và thể hiện mong muốn nghiên cứu về loại vi khuẩn mang gen kháng thuốc kháng sinh.
Cuối cùng, nữ sinh Hà Nội được chấp nhận vào vòng phỏng vấn. Vài tháng sau, cô nhận tin đỗ cả học bổng Chevening và Đại học Cambridge, gồm toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt và vé máy bay hai chiều.
"Tôi đã rất cân nhắc khi phải lựa chọn nhưng cuối cùng quyết định học Cambridge vì đã được đến thăm và phải lòng ngôi trường này", My nói, cho biết lên đường du học tháng 1/2019.
Giáo sư Nicholas Thomson, trưởng khoa Nghiên cứu Vi sinh - Ký sinh trùng, Viện nghiên cứu Sanger - Đại học Cambridge, đánh giá My là "sinh viên xuất sắc".
"Hà My đã chuyển mình từ một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm sang một nhà tin sinh học trưởng thành để phân tích dữ liệu với chất lượng cao, liên quan tới sức khoẻ cộng đồng", giáo sư Thomson chia sẻ.
Chương trình thạc sĩ chỉ diễn ra một năm, trong khi My thích cuộc sống du học và muốn được học thêm. Cô quyết định tìm hiểu chương trình tiến sĩ khi học thạc sĩ được sáu tháng; sau đó gửi hồ sơ cho Cambridge và hai trường ở Đức, Hà Lan.
"Nộp hồ sơ học bổng tiến sĩ và viết khóa luận thạc sĩ trong cùng một thời gian khiến tôi vô cùng căng thẳng", My nhớ lại.
Sau khi có kết quả trúng tuyển sớm chương trình tiến sĩ hai trường ở Đức và Hà Lan, My vẫn muốn chờ tin từ Cambridge.
Nghiên cứu sinh 29 tuổi cho hay, khác với thạc sĩ học trong thời gian ngắn, bậc tiến sĩ khó và lâu hơn. Nếu vòng phỏng vấn ở bậc thạc sĩ giống như cuộc trò chuyện vui vẻ, giúp hội đồng tuyển sinh hiểu hơn về con người My, phần này ở bậc tiến sĩ thực sự là cuộc kiểm tra kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh.
My phải qua bốn cuộc phỏng vấn trong một ngày, mỗi cuộc kéo dài khoảng một tiếng. Ba cuộc đầu tiên với ba giáo sư tập trung hỏi về kiến thức, trong khi cuộc gặp với hội đồng trường xoay quanh các kỹ năng xử lý tình huống, kết nối, quản lý thời gian và định hướng tương lai.
"Tôi đã tưởng vuột mất cơ hội này vì hôm đó phỏng vấn dồn dập với nhiều từ chuyên ngành. Tôi tiếc phát khóc", My kể.
Nhưng hai tháng sau, My lần nữa được trao học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại Cambridge. Sau khi cân nhắc, cô đổi từ lĩnh vực nghiên cứu vi sinh sang ung thư và đột biến gen. Tiến sĩ Raheleh Rahbari, trưởng nhóm nghiên cứu tại khoa Ung thư - Đột biến, Viện nghiên cứu Sanger, ấn tượng với quá trình học tập xuất sắc của nữ sinh Việt.
"Năm 2022 sẽ là một năm bận rộn với Mimy (tên thân mật của My) vì cần phân tích một khối lượng dữ liệu giải trình tự gene lớn mà cô ấy tạo ra vào năm ngoái, đồng thời thực hiện thêm nhiều thí nghiệm khác", Rahbari cho hay.
Gần bốn năm học tại Cambridge, My luôn băn khoăn vì số sinh viên Việt Nam ở trường luôn khiêm tốn hơn nhiều nước khác. Cô tạo blog My ở Cam để chia sẻ cuộc sống, kinh nghiệm học tập, cơ hội và giúp đỡ các bạn có mong muốn du học.
Theo My, ứng viên nên tìm cách bồi đắp kiến thức, kỹ năng, có sự chuẩn bị đầy đủ thay vì vội vàng ứng tuyển khi bản thân còn thiếu sót, hồ sơ chưa đủ mạnh. Sinh viên cần hiểu rõ lý do và mục đích du học, sau đó lập danh sách các loại học bổng và liệt kê tiêu chí. Cô ví nộp hồ sơ du học giống như "tìm người yêu" và việc phù hợp với tiêu chí học bổng là điều rất quan trọng.
"Bạn sẽ đánh mất 100% cơ hội nếu không một lần dám thử với những điều tưởng chừng như xa vời", My nói.
Theo vnexpress