Mang chuông đi đánh xứ người
World Scholar’s Cup (WSC) là cuộc thi Học thuật đồng đội quốc tế dành cho học sinh từ 8 - 18 tuổi. Sau 12 năm tổ chức, WSC được coi là một trong những cuộc thi học thuật lớn nhất với sự tham gia của hàng chục nghìn học sinh đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
|
Ba nữ sinh Trường Olympia (từ trái qua) gồm: Đặng Khánh Linh, Cao Ngọc Bảo Anh và Chu Vân Yến đạt thành tích “khủng” tại WSC
|
Điểm nổi bật của nội dung WSC là các chủ đề được lựa chọn luôn rất thú vị, không giới hạn và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, khơi gợi sự tò mò và khả năng sáng tạo của các em học sinh, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tính học thuật của một chương trình hàng đầu.
Cuộc thi năm nay có chủ đề là “A World Re – Renewed” được chia làm 6 lĩnh vực đa dạng, thông qua các các hình thức thi hùng biện, phản biện, viết luận bằng tiếng Anh. Là đại diện xuất sắc của Việt Nam tham dự Vòng chung kế (VCK) Thế giới dành cho các Nhà vô địch (Tournament of Champion), 3 nữ sinh Trường Olympia phải trải qua phần thi tranh biện với các chủ đề hóc búa và có tính triết học cao. Các em đã xuất sắc giành 9 huy chương, 2 vàng, 7 bạc cho cá nhân và đồng đội.
Riêng Đặng Khánh Linh đã xuất sắc bứt phá giành Huy chương vàng (HCV) hạng mục viết luận - hạng mục thi khó nhất tại WSC, đặc biệt đối với các thí sinh khi tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ. Tại phần thi, giữa 6 chủ đề với 6 lĩnh vực, Khánh Linh chọn chủ đề về “Văn học và Truyền thông”, phân tích các tác phẩm văn học kinh điển đã được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật, có giá trị nhân văn và lưu truyền hàng thế kỷ.
|
Đặng Khánh Linh, nữ sinh lớp 10 Trường THPT liên cấp Olympia giành HCV hạng mục viết luận tại VCK thế giới
|
“Văn học và truyền thông là chủ đề em yêu thích nhất và có nhiều hiểu biết. Đề văn học năm nay là một chủ đề thú vị, đó là truyện “Romeo và Juliet” được chuyển thể giữa rất nhiều các loại hình khác nhau như phim, kịch, bài hát,… Với kiến thức về một số tác phẩm văn học kinh điển khác cũng được chuyển thể, em đưa ra ý kiến của bản thân về các giá trị của các loại văn học này”, Linh cho hay.
Khánh Linh cũng thừa nhận rằng, đây là một đề tài rất hay và khó, không chỉ đòi hỏi người viết có kiến thức mà còn có sự cảm thụ sâu sắc và năng lực biểu đạt về văn chương tinh tế.
Xuất sắc vượt qua 1.600 thí sinh đến từ 46 quốc gia, chinh phục HCV vàng ở hạng mục viết luận ở vòng thi giành cho những nhà vô địch là một thử thách vô cùng lớn đối với Khánh Linh khi viết bài luận bằng tiếng Anh và tranh tài với các đại diện mạnh nhất đến từ Anh, Mỹ, Úc, Canada....
|
“Viết luận là thế mạnh của em. Dù đặt mục tiêu cao nhưng em cũng vô cùng bất ngờ và hạnh phúc khi giành HCV hạng mục này, vì sự cạnh tranh ở vòng này rất lớn và toàn cao thủ cả”, Khánh Linh chia sẻ
|
“Từ 3 giờ sáng là tôi đã không ngủ được vì háo hức khi cùng thời gian này bên Mỹ đang diễn ra các hoạt động của VCK. Đến khi ba Khánh Linh gọi về thông báo con đã giành HCV tại hạng mục viết luận, tôi quên mất đang là 5 giờ sáng tại Việt Nam mà nhảy lên hò hét ầm ĩ, cảm thấy vui sướng đến run người. Tôi cũng nghĩ là con sẽ được huy chương ở hạng viết vì Khánh Linh viết khá tốt nhưng cũng không nghĩ là con sẽ được HCV bởi các bạn đối thủ của con cũng rất giỏi”, chị Bình - mẹ của Khánh Linh chia sẻ trong niềm hạnh phúc.
Cơ hội cọ xát và khẳng định mình
Chia sẻ về mục đích tham dự cuộc thi, Khánh Linh cho biết WSC có quy mô toàn cầu, mang lại những cơ hội để rèn luyện, trau dồi các kỹ năng như viết luận, tranh biện để bảo vệ quan điểm cá nhân cũng như là các kiến thức xã hội. “Chúng em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được vào VCK thế giới. Vòng thi khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Bangkok (Thái Lan) đã rất khó và quyết liệt. Được dự thi vòng chung kết tại Đại học Yale là cơ hội rất lớn để được so tài với các đội tài năng từ các khu vực trên thế giới”, Linh nói.
|
Team Khánh Linh tại Vòng thi khu vực châu ÁThái BìnhDương ở Bangkok, Thái Lan
|
Điều khiến Linh thích thú nhất ở cuộc thi không phải là một cuộc cạnh tranh “khốc liệt” mà là một sân chơi với rất nhiều bạn bè quốc tế, hình thức thi mới mẻ và kiến thức rộng mở để ở đó em được tự do đưa ra những ý kiến, quan điểm cá nhân về các lĩnh vực vĩ mô. Bên cạnh đó, Khánh Linh muốn mang đến một góc nhìn mới mẻ về học sinh Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đó là tự tin, giỏi giang và toàn diện.
Linh chia sẻ thêm, để tham dự cuộc thi, em đã phải trang bị thêm các kiến thức bằng việc đọc rất nhiều tư liệu, sách, báo chí về nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, tại các hạng mục thi đồng đội, em cùng các bạn còn phải luyện tập cùng nhau để phối hợp ăn ý trong các phần thi, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình, phản biện và phong thái.
Được biết, tham dự WSC là một quyết định quan trọng thay đổi hướng đi của Khánh Linh trong hành trình khám phá bản thân. Trong thời gian tới, Linh sẽ tìm hiểu và tham gia thêm các cuộc thi tranh biện chuyên nghiệp khác để nâng tầm hiểu biết, có cơ hội cọ xát, từ đó giúp ích cho tương lai.
|
Khánh Linh rất tự tin và năng động
|
Cô Hoàng Kim Hạnh, Trưởng khối, giảng viên cố vấn tại Trường THPT liên cấp Olympic chia sẻ: “Tôi rất xúc động và tự hào với hình ảnh Khánh Linh khi tham gia cuộc thi với lá cờ Việt Nam, mặc bộ đồng phục của Trường Olympia trên đấu trường quốc tế. Tôi nghĩ rằng kết quả con đạt được không phải là sự may mắn. Con có sự đầu tư nghiêm túc cho cuộc thi cả về học tập và rèn luyện. Bằng những tố chất và phẩm chất đã có như năng lực tự học, tư duy phản biện tích cực,… thì thành tích con đạt được là hoàn toàn xứng đáng, đó là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ”.
“Bảng vàng” thành tích
Trước khi xuất sắc dành HCV ở hạng mục viết luận – hạng mục khó nhất trong các hạng mục thi tại WSC, Đặng Khánh Linh từ nhỏ đã có thành tích học tập nổi bật khi là thủ khoa đầu vào tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm với điểm tuyệt đối. Đặc biệt, Khánh Linh có năng khiếu nổi trội ở bộ môn tiếng Anh, lọp Top 5 thí sinh xuất sắc nhất của Chương trình IELTS FACE - OFF (một chương trình giáo dục phát sóng trên sóng truyền hình quốc gia VTV7 từ cuối năm 2015) mùa thi năm 2021.
|
Theo Thanh niên