Phạm Khánh Linh (sinh năm 2000) vừa hoàn thành chương trình cử nhân chuyên ngành Hàn Quốc học (thuộc khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đến thời điểm hiện tại, Linh vẫn nhớ như in cảm xúc vỡ òa trong sung sướng khi nhận thông báo giành được hai học bổng thạc sĩ toàn phần từ Hàn Quốc. Cụ thể, đó là học bổng Chính phủ Hàn Quốc và học bổng Ewha Global Partnership Program (học bổng cao nhất dành cho sinh viên nước ngoài của Đại học Nữ Ewha).

Phạm Khánh Linh (sinh năm 2000) xuất sắc giành 2 học bổng thạc sĩ toàn phần của Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Nữ sinh cho biết, bản thân rất bất ngờ khi mở thư chúc mừng của Đại học Nữ Ewha và không dám tin vào sự cố gắng trong suốt khoảng thời gian qua cuối cùng cũng đã có kết quả vượt kỳ vọng. Vậy là từ tháng 9 năm nay, Linh sẽ là một trong số những sinh viên Việt Nam bắt đầu theo học tại ngôi trường này - trường đại học tư thục dành riêng cho nữ giới lớn nhất Hàn Quốc.

Theo đuổi ước mơ muốn học thạc sĩ ở Hàn từ năm 3 đại học, Linh chia sẻ: “Với niềm mơ ước sau này sẽ có cơ hội được làm phiên dịch trong các sự kiện Kpop, được giao lưu với các nghệ sĩ yêu thích nên tôi đã chọn ngành Hàn Quốc học khi lên đại học.

Trong suốt khoảng thời gian ở trường, tôi nhận ra rằng chỉ có thể theo đuổi con đường nghiên cứu mới thỏa mãn được bản tính tò mò của bản thân. Và phải đến năm 3, sau khi tôi thực hiện nghiên cứu khoa học và tìm thấy nhiều niềm vui trong đấy mới xác định được mục tiêu của bản thân là phải học lên thạc sĩ và đi du học”.

Kể về quá trình giành học bổng thạc sĩ của mình, Linh cho hay, học bổng Chính phủ Hàn Quốc và kỳ tuyển sinh thạc sĩ của Đại học Nữ Ewha đều mở đăng kí vào tháng 2/2022 tuy nhiên việc chuẩn bị hồ sơ của Linh đã bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái.

Linh xin thư giới thiệu từ giáo sư ở Đại học Quốc Gia Seoul SNU (trường top 1 của Hàn Quốc). Giáo sư là người đã giảng dạy Linh môn Văn hóa Hàn Quốc, lá thư giới thiệu dài 3 trang của cô với rất nhiều lời khen ngợi, lời khẳng định về khả năng nghiên cứu học thuật và cũng là điểm cộng rất lớn trong hồ sơ.

Linh cho biết, thư giới thiệu và kế hoạch học tập chỉ dài khoảng 5 trang nhưng thời gian nữ sinh sắp xếp thông tin, lựa chọn từ ngữ mất đến 2 tháng.

Mặc dù, nhiều người cho rằng, học lý luận khoa học giới thì nên đi du học châu Âu nhưng Linh chọn châu Á vì muốn tiếp cận những lý thuyết nữ quyền Á Đông, phù hợp hơn với bản sắc văn hóa phương Đông.

Sau khi xác định được điều này, không chỉ dừng lại ở lý thuyết suông, nữ sinh sinh năm 2000 đã thể hiện ra bằng hành động như trở thành chủ nhiệm Câu lạc bộ Bình đẳng giới ở trường đại học; tham gia xây dựng nhiều chương trình về xóa bỏ định kiến, đẩy lùi bạo lực giới; tuyên truyền kiến thức về đa dạng tính dục,...

"Tôi đã từng tham gia rất nhiều hoạt động xã hội liên quan đến lĩnh vực giới. Thêm nữa, trong khoảng thời gian đi học, giới luôn là chủ đề tôi chọn nghiên cứu trong các bài tiểu luận, niên luận,...

Vì vậy, sau khi biết rằng Đại học nữ Ewha ở Hàn có thâm niên đi đầu châu Á trong nghiên cứu về khoa học giới, thúc đẩy bình đẳng giới thì tôi đã tìm hiểu rất nhiều về trường, đọc sách của các giáo sư, những nghiên cứu của các thạc sĩ đã tốt nghiệp chuyên ngành Women studies của Ewha để nắm bắt được xu hướng nghiên cứu”, Linh nói.

Từ khi xác định được mục tiêu mình hướng tới sau khi tốt nghiệp đại học, Linh đã bắt đầu làm “đầy” các tiêu chí để có thể đạt học bổng thành công.

Linh bắt đầu làm “đầy” các tiêu chí để có thể đạt học bổng thành công từ rất sớm. Ảnh: NVCC

Cho đến hết năm 2 đại học thì điểm GPA (điểm trung bình các môn học) của nữ sinh khá thấp, chỉ khoảng 3.1x/4.0. Nhận thấy số điểm đó thì bản thân có ít khả năng cạnh tranh học bổng. Chính vì vậy, sang năm 3 Linh đã chỉnh đốn lại việc học và kết quả là năm học đó nữ sinh đã “ẵm” trọn học bổng học tập cả 2 kỳ với số điểm trung bình là 3.91/4.0.

Thêm vào đó, mùa hè năm 3 lên năm 4 là khoảng thời gian đi thực tập của sinh viên ngành Hàn Quốc học, vừa để xin vào được những doanh nghiệp lớn cũng như để chuẩn bị trước cho việc học sau đại học của mình thì Linh đã ôn luyện thi chứng chỉ năng lực tiếng Hàn và đạt cấp 6 (TOPIK 6 - bậc cao nhất của chứng chỉ).

“Đảm bảo hồ sơ không bỏ qua bất kỳ cơ hội được cộng điểm nào, vì vậy, khi biết rằng thí sinh đạt điểm tiếng Anh cao có khả năng được ưu tiên thì tôi quyết định tự ôn và thi IELTS tức tốc trong 2 tuần. Đây cũng là khoảng thời gian bản thân cảm thấy rất áp lực vì mọi thứ diễn ra quá gấp. Tuy nhiên, khi nhận được kết quả đạt 8.0 IELTS, tôi thở phào vì mọi cố gắng cũng được đền đáp xứng đáng”, Linh chia sẻ.

Khoảng thời gian chuẩn bị hồ sơ xin học bổng là lúc vừa phải viết khóa luận tốt nghiệp vừa phải duy trì việc làm ở công ty nên đôi khi Linh tự cảm thấy kiệt sức và luôn trong tình trạng quá tải.

Tuy nhiên, khi đó Linh luôn cố gắng thúc mình đi thêm một chút và duy trì quan điểm “thành quả sẽ ngọt ngào hơn cả nếu mình nghiêm khắc với chính bản thân cũng như không tạo giới hạn cho bản thân ấy”.

Hiện tại, Linh đã xin nghỉ làm để nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian khá áp lực, Linh dự định đi du lịch nhiều nơi trước khi tiến vào một môi trường mớ.

Theo GDVN