Ngày 26/7, Thùy Dang mất ngủ suốt đêm khi biết số điểm thi tốt nghiệp THPT từng môn lần lượt là Ngữ văn 9, Lịch sử 9,5, Địa 9,5. Mắt vẫn còn đỏ hoe, nhưng cô gái luôn nở nụ cười khi bạn bè, thầy cô gọi điện chúc mừng.
Tăng Thị Thùy Dang, tân thủ khoa khối C của Đà Nẵng với tổng điểm ba môn 28. Ảnh: Thành Linh.
Thùy Dang là con thứ ba trong gia đình có bốn chị em. Mẹ em làm công nhân vệ sinh cho một công ty trong khu công nghiệp Hòa Khánh, bố làm công nhân dọn dẹp, cắt tỉa cây xanh cho một khu đô thị gần nhà. Chị gái thứ hai làm du lịch đang thất nghiệp vì Covid-19.
Góc học tập nơi gian nhà mái tôn chỉ có chiếc bàn cũ kỹ, chất đầy sách vì không có giá. Suốt những năm học phổ thông, cô học trò trường làng hàng ngày vượt hơn 4 km với lởm chởm ổ gà, khói bụi để đến trường học ở xã Hòa Sơn.
Có tên trong đội tuyển học sinh giỏi Văn từ lớp 6, Thùy Dang đã quyết định chọn học khối C ngay từ những năm cấp hai. Năm học vừa qua, Dang giành được giải khuyến khích học sinh giỏi Văn cấp thành phố. Dù vậy, cận kề kỳ thi tốt nghiệp THPT, em vẫn lo lắng, mỗi ngày chỉ ngủ được từ hai đến ba tiếng, còn lại tập trung ôn luyện.
Dang mượn máy tính của chị để kiểm tra lại điểm thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Thành Linh.
"Khi phát đề Văn, cái tên Xuân Quỳnh xuất hiện làm em phấn khích vì đây là tác giả em yêu thích nhất. Cảm xúc vỡ òa nhưng làm bài xong rồi vẫn lo vì phần kết bài không được trọn vẹn do thiếu thời gian", Dang kể.
Thủ khoa này cũng tiết lộ thói quen đọc sách đã giúp em có kiến thức, vốn từ, lối hành văn để bài viết hấp dẫn hơn. "Đối với văn nghị luận, tất cả kiến thức đều phải nắm rõ để áp dụng vào bài viết, cách diễn đạt cũng phải thật sự mạch lạc, hài hòa. Cảm xúc là phần không thể thiếu, bởi lẽ cảm xúc giúp truyền đạt các yếu tố đến người đọc", em chia sẻ.
Đối với môn Lịch sử và Địa lý, Dang nói quá trình học và ôn luyện đã vạch sẵn một lộ trình rõ ràng. Ngoài nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa khi học ở trên lớp, về nhà em tự tìm các dạng đề, tập giải để nâng cao khả năng tư duy.
Dang cùng cha, ông Tăng Tấn Lữ. Ảnh: Thành Linh.
Ngoài học trên lớp, Dang còn đăng ký học online. Gia đình không khá giả nên học online là cách để Dang tiết kiệm tiền học thêm. "Khóa học online của em chỉ tốn khoảng vài trăm nghìn và kéo dài 5-6 tháng", Dang nói.
Hôm biết mình đậu thủ khoa của Đà Nẵng, Dang gọi điện báo tin cho mẹ đang phải cách ly tại công ty để đảm bảo dây chuyền sản xuất giữa mùa dịch. Chị cả đang là nhân viên y tế trực chống dịch ở Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang nên cũng chỉ có thể chia vui với em qua điện thoại.
Còn ông Tăng Tấn Lữ biết tin đã chạy ngay từ công ty về để chia vui với con gái. Người cha với nước da ngăm đen quàng tay qua vai con siết chặt, nở nụ cười mãn nguyện. Ông đã rất lo lắng khi thấy con liên tục học bài đến tận 2-3h sáng. "Gia đình không ngờ những nỗ lực đó đã giúp cháu đỗ thủ khoa", ông nói.
Về dự định sắp đến, Dang cho biết đang đứng trước hai lựa chọn là đăng ký vào Học viện Tòa án, hoặc ngành Sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội.
"Hiện tại em vẫn chưa quyết định sẽ chọn học trường nào, nhưng sẽ đăng ký vào cả hai trường. Thời gian còn lại em sẽ suy nghĩ kỹ để có thể chọn một ngành học phù hợp với sở thích và điều kiện của gia đình mình", Dang nói.
Theo vnexpress