Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Phương Anh (19 tuổi, Hà Nội) sẽ lên đường sang Australia, bắt đầu bảy năm học chương trình Y khoa - Bachelor of Science and Doctor of Medicine (lộ trình đảm bảo) của Đại học Sydney - ngôi trường top 1 Clinical Medicine tại Australia và top 19 thế giới, theo xếp hạng QS 2021. Ngành Y ở Australia vốn chỉ đào tạo ở bậc sau đại học. Thế nhưng, với chương trình này, sau ba năm học khoa học, Phương Anh sẽ có bốn năm học Y mà không cần phải trải qua kỳ thi hay cuộc phỏng vấn nào nữa.

Để trúng tuyển chương trình Y khoa lộ trình đảm bảo, thí sinh phải đạt điểm tối đa ở bậc THPT (SAT 1600/1600, A Level A* hay IB 45/45), sau đó trải qua hai vòng phỏng vấn. Chỉ 30 học sinh trong nước và 10 học sinh quốc tế trong số hàng nghìn học sinh được nhận vào chương trình này mỗi năm.

"Em đã không tin mình trúng tuyển bởi ở đợt phỏng vấn đầu tiên cho năm học này, có một chị ở Việt Nam đã được nhận. Em nghĩ chỉ 10 học sinh quốc tế được chọn và họ sẽ ưu tiên sự đa dạng. Dụi mắt mấy lần xem lại, em vẫn không dám tin, phải gọi cho bố mẹ xem lại", Phương Anh kể. Cả nhà nữ sinh như vỡ oà trước kết quả này. Bởi từ tháng 6 đến nay, khi bạn bè nhập học trường top đầu trong nước hoặc đi du học, em vẫn chỉ ở nhà và gặp nhiều áp lực do quá nhiều người hỏi han chuyện học hành.

leftcenterrightdel
 Nguyễn Lê Phương Anh trở thành tân sinh viên Đại học Sydney. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có bố mẹ đều là bác sĩ, từ nhỏ đã thích nhớ tên thuốc, thuộc lòng tác dụng của nhiều loại thuốc nhưng Phương Anh vẫn chưa thể chọn ngành nghề tương lai bởi em cũng giỏi các môn xã hội, thích vẽ, viết lách và tranh biện. Em từng thi đấu nhiều giải tranh biện trong và ngoài nước.

Sự nổi bật của Phương Anh ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội khiến cô Phan Mỹ Linh, giáo viên bộ môn Humanities trường Phổ thông liên cấp Olympia, người đồng hành cùng Phương Anh từ lớp 8, khẳng định giáo viên nào cũng thích làm việc với em. "Chỉ cần muốn và tập trung, Phương Anh có thể làm được mọi thứ", cô Linh nói.

Hỗ trợ Phương Anh ở nhiều cuộc thi, từ viết luận đến tranh biện, cô Linh hiểu "Tranh biện hay lĩnh vực nào đó với Phương Anh chỉ như cơn say nắng, ngành Y mới là tình yêu cả đời". Tình yêu đó khiến cô trò nhỏ lập hẳn một album trên điện thoại lưu giữ hình ảnh những khối u hay những vết mổ. Em còn có nhiều bản ghi chú ghi lại những câu chuyện làm nghề của bố và mẹ. Tất cả khiến cô Linh luôn chắc chắn học trò mình sẽ theo truyền thống gia đình.

Đến lớp 10, Phương Anh quyết định du học ngành Y. Làm tình nguyện viên cho chương trình phẫu thuật từ thiện tổ chức bởi Operation Smile, được tiếp xúc với những em nhỏ bị sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh, Phương Anh nhận ra ngành này nặng về khoa học tự nhiên nhưng cũng có nhiều mặt cần đến kiến thức, kỹ năng xã hội. Nó đặc biệt phù hợp với em.

Kết thúc kỳ I lớp 11 tại trường Olympia, Phương Anh sang Anh học để lấy bằng A Level. Đăng ký 4 môn gồm Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, em đạt điểm số tối đa A* khi tốt nghiệp, đủ điều kiện nộp học bổng chương trình Y khoa của Đại học Sydney.

Vào vòng phỏng vấn, em trải qua hai phần. Phần một yêu cầu trả lời ba câu hỏi bằng cách viết trên Word và gửi lại trong 30 phút để nhà tuyển sinh tìm hiểu tư duy, lối diễn đạt của thí sinh qua văn viết. Với phần hai, em cùng hai thí sinh khác trả lời câu hỏi từ hai thầy cô của trường. Câu hỏi liên quan đến điểm mạnh của thí sinh và cách thể hiện. Phương Anh đã chia sẻ nhiều về các hoạt động ngoại khoá, nghiên cứu khoa học của mình.

leftcenterrightdel
 Phương Anh (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn ở trường Phổ thông liên cấp Olympia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nữ sinh Việt bắt đầu bằng việc chia sẻ chứng sợ nói trước đám đông. Đến lớp 8, em học và tham gia câu lạc bộ tranh biện của trường để thay đổi. Năm 2018, sau các vòng thi trong nước, em trở thành một trong 5 thành viên đội tuyển Việt Nam dự giải tranh biện thế giới dành cho học sinh THPT.

"Em nói các hoạt động này khiến em phải tìm hiểu về các vấn đề một cách sâu rộng. Em cũng phải học cách chuyển tải suy nghĩ thành lời nói, tổng hợp, tư duy phản biện, đánh giá, trình bày rất nhiều. Đó là những kỹ năng hữu ích để em có thể theo ngành Y", Phương Anh nói.

Em cũng kể việc học A Level rất vất vả. Dù chỉ phải học 4 môn, chương trình từng môn lại rất nặng với mỗi tiết học kéo dài hai tiếng và mỗi môn học sáu tiếng một tuần. Em còn nghiên cứu khoa học với đề tài liên quan đến kháng thuốc kháng sinh, tham gia hoạt động trải nghiệm online do Đại học Y Brighton & Sussex (Anh) tổ chức, để học thêm về công việc của bác sĩ và những vấn đề y khoa khác. Trước đó, khi học tại trường Olympia, em từng tham gia nghiên cứu về công nghệ gen và mô hình hệ thống thuỷ canh.

Dẫn chứng những gì đã làm được, Phương Anh cho rằng nhà tuyển sinh đã nhìn thấy em có khả năng tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu, sắp xếp thời gian và khả năng chịu áp lực cao.

Chỉ một ngày sau buổi phỏng vấn, Phương Anh nhận được thư mời học. Em cũng nhận thông báo viết luận để tranh suất học bổng Sydney International Student Award trị giá 20% học phí, tức gần hai tỷ đồng. Em phải trả lời ba câu luận, chủ yếu chia sẻ về bản thân, lý do muốn học ngành Y và Đại học Sydney. Từng lọt vào top đầu ở một cuộc thi viết luận quốc tế năm 2019, Phương Anh không gặp nhiều khó khăn để giành học bổng này.

Nữ sinh Hà Nội trở thành học sinh Việt Nam thứ ba được học chương trình Y khoa đặc biệt của Đại học Sydney. Ông Alex Vũ, Giám đốc Tuyển sinh và Hợp tác quốc tế của Đại học Sydney tại Việt Nam, cho biết mỗi năm trường chỉ có khoảng 10 suất cho sinh viên quốc tế và ở những năm trước, các em thường đến từ châu Âu, Ấn Độ hay Trung Quốc.

Đại diện trường thông tin thêm Đại học Sydney tạo ra lộ trình bảy năm tích hợp đại học và y khoa cho những học sinh ưu tú nhất. Khi đã nộp đơn vào chương trình, các em sẽ chắc chắn theo ngành y. Phương Anh cũng rất chắc chắn với quyết định của mình. Em hy vọng trở thành bác sĩ giỏi, là điểm tựa vững vàng cho nhiều bệnh nhân, giống như cách bố mẹ em đang làm.