Đưa con nhỏ mới vài tháng tuổi cùng đi nhận Giải thưởng Quả cầu vàng 2023 dành cho những nhà khoa học trẻ xuất sắc, TS-BS Trịnh Hoàng Kim Tú hạnh phúc khi vừa thực hiện thiên chức của một người phụ nữ, vừa được vinh danh với thành quả trong nghiên cứu của mình.

Để giúp được nhiều bệnh nhân hơn

Nuôi ước mơ làm bác sĩ từ nhỏ để có thể chữa bệnh cho bố mẹ, TS-BS Trịnh Hoàng Kim Tú (hiện 35 tuổi) đã nỗ lực hết mình trong học tập. Đến khi trở thành sinh viên ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM, trong những lần đi phụ đề tài nghiên cứu khoa học của thầy cô, chị Tú nhận thấy có những bệnh nhân được chữa trị thành công, nhưng cũng không ít trường hợp thất bại. Vậy lý do tại sao? Chị Tú bắt đầu nhen nhóm ý tưởng đi tìm câu trả lời và cô sinh viên năm đó nhận ra rằng tùy thuộc vào từng bệnh nhân mà có những đặc điểm khác nhau, tạm gọi là các yếu tố nguy cơ khiến người bệnh dễ nặng hơn mà chúng ta chưa tìm ra được.

leftcenterrightdel
TS-BS Trịnh Hoàng Kim Tú (ngồi) tâm huyết với các đề tài nghiên cứu về dị ứng thức ăn.. 

"Để biết rõ người nào có yếu tố nguy cơ, phải hiểu rõ cơ chế bệnh tác động thế nào lên từng cá thể, thì chỉ có con đường là làm nghiên cứu chuyên sâu hơn", nữ tiến sĩ bày tỏ.

Thế là sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm được một thời gian, chị Tú sang Hàn Quốc theo học chương trình kết hợp thạc sĩ - nghiên cứu sinh tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện ĐH Ajou (Hàn Quốc).

Nhắc về cơ duyên đến với lĩnh vực dị ứng - miễn dịch, nữ tiến sĩ kể: "Thời còn sinh viên, mình theo một PGS-TS của trường để học cách làm nghiên cứu về bệnh hô hấp, trong loại bệnh này có nhóm dị ứng và miễn dịch. Lúc đó, đây là ngành còn rất mới, phương tiện nghiên cứu chưa có, kiến thức bản thân cũng nhiều hạn chế nên mình quyết tâm theo học và bắt đầu thích mảng nghiên cứu hơn vì có thể giúp được cho nhiều bệnh nhân, thay vì chỉ chữa từng người một".

Công trình mà tiến sĩ Tú tâm đắc và tự hào nhất lúc còn làm nghiên cứu sinh bên Hàn Quốc là đề tài về hen suyễn khởi phát muộn ở người lớn tuổi. Với đề tài nghiên cứu của mình, chị Tú đã tìm ra được chất OPN (Osteopontin). Nếu chất này tăng cao sẽ là dấu hiệu nhận biết người có nguy cơ hen suyễn khi lớn tuổi nhiều hơn. Chính vì thế, đây là chất có tiềm năng dùng để dự báo hen suyễn khởi phát ở người lớn tuổi.

Đến năm 2020, trở về nước, chị Tú nhận công tác tại Trung tâm y sinh học phân tử, Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Tại đây, trường giao nhiệm vụ thành lập nhóm nghiên cứu dị ứng miễn dịch lâm sàng và chị Tú làm trưởng nhóm.

Nữ tiến sĩ trẻ cho biết, ở Hàn Quốc, hen suyễn là vấn đề được quan tâm, nhưng với người Việt thì dị ứng (thức ăn, thuốc), viêm da cơ địa quan trọng hơn; nên khi về nước chị đã đổi hướng nghiên cứu. Và đây cũng là đề tài giúp chị Tú đạt được Quả cầu vàng 2023.

Chị Tú kể: "Đầu tiên mình đọc tài liệu thì thấy được rằng người Việt ăn hải sản nhiều, do đó tỷ lệ báo cáo dị ứng cũng rất cao. Một số bệnh nhân dị ứng thì có triệu chứng nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp bị nặng như phản vệ. Câu hỏi của mình là làm sao để chẩn đoán, quản lý những người bị dị ứng thức ăn tốt hơn. Và nghiên cứu của mình sẽ tìm ra phương thức hữu hiệu cho bài toán này".

leftcenterrightdel
 ...và mong muốn giúp bệnh nhân dị ứng ở VN được điều trị như trên thế giới

Để chẩn đoán dị ứng hải sản tốt và đúng, nữ tiến sĩ trẻ cho biết nên làm 3 kỹ thuật: test lẩy da, đánh giá hoạt hóa tế bào và dị nguyên phân tử. Cặn kẽ hơn, chị Tú chia sẻ: "Trước nay, chẩn đoán bệnh nhân dị ứng thì trong kỹ thuật test lẩy da thường cho dị nguyên lên tay để thử. Tuy nhiên, ở VN hiện nay nguồn dị nguyên không thể nhập được, chính vì thế mình mang kỹ thuật tạo dị nguyên từ Hàn Quốc về. Có nghĩa là tự lấy hải sản của người Việt tách phần dị nguyên bên trong ra, sau đó dùng để thử cho bệnh nhân".

Với kỹ thuật này, sẽ không phải phụ thuộc vào nguồn dị nguyên của nước ngoài, mà giá thành cũng rẻ và còn phù hợp với người Việt hơn.

"Đề tài của mình nhằm phân lập và sản xuất được các dị ứng nguyên phù hợp, đặc trưng cho người VN và phát triển những kỹ thuật xét nghiệm in vitro giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán, tiên lượng dị ứng, nguy cơ phản ứng của bệnh nhân với từng loại thức ăn tiêu thụ. Nhờ đó, có thể hỗ trợ giảm phản ứng nặng cho bệnh nhân", nữ tiến sĩ chia sẻ đầy tâm huyết.

Vượt qua ám ảnh sợ chuột để làm nghiên cứu

Để có được những thành công trong các nghiên cứu về dị ứng là cả một quá trình chị Tú nỗ lực và chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng khi còn ở Hàn Quốc. Chị Tú kể: "Lúc ở Hàn Quốc, mình cũng làm đề tài về dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc nhưng chỉ là phụ thôi. Nên mỗi khi làm đề tài xong, mình xin giáo sư cho đi lâm sàng thêm để quan sát bệnh nhân dị ứng thức ăn, thuốc. Thường ở phòng thí nghiệm sẽ làm từ 8 giờ thì 6 giờ mình đã lên khoa để đi theo giáo sư xuống phòng cấp cứu, xem cách mà bác sĩ bên này chẩn đoán bệnh nhân và ghi chép lại những kỹ thuật đó".

Trò chuyện với chị Tú, dù là kể về các công trình nghiên cứu của mình, nhưng chị cũng rất dí dỏm. Đó dường như cũng là cách để chị giúp bản thân được giải trí, thoải mái tinh thần hơn sau những giờ vùi đầu vào nghiên cứu.

Nhắc đến những khó khăn, chị Tú không quên kể lại câu chuyện bi hài về những lần làm thí nghiệm mà chị quăng luôn con chuột đang cầm trên tay vì nỗi ám ảnh sợ loài động vật này.

leftcenterrightdel
 Chị Tú cùng với nhóm nghiên cứu dị ứng miễn dịch lâm sàng tại Trung tâm y sinh học phân tử, Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Chị Tú nói: "Nghĩ lại mà thấy hài hước thật. Vì trước đây mình sợ chuột lắm, thế nhưng thực hiện nghiên cứu thì phải cầm, chơi và làm những thí nghiệm trên loài động vật này. Có những lần đang cầm trên tay, con chuột dẫy một cái là mình quăng nó luôn (cười)".

Vốn là một bác sĩ, chưa bao giờ làm nghiên cứu, cũng không biết gì về phòng thí nghiệm nên khi sang Hàn Quốc, chị Tú phải đối diện với nhiều thử thách. "Những ngày đầu rất khó khăn, nhiều khi muốn bỏ về nước luôn. Khó khăn thời điểm đó của mình là làm sao phải tiếp thu lại những kỹ thuật thí nghiệm trong thời gian khá ngắn. Người ta phải học mấy năm về kỹ thuật đó, nhưng mình chỉ có một thời gian ngắn để học và sau đó phải thực hành liền. Mới bắt đầu làm thí nghiệm, thất bại liên tục, mình phải tự học cách tìm hiểu tại sao sai và trình bày lý do với giáo sư để xin được làm lại", nữ tiến sĩ trẻ nhớ lại.

Sau bao năm miệt mài nghiên cứu, chị Tú hạnh phúc vì đi đúng con đường mà mình mong muốn: "Mình đang nỗ lực để giúp cho quyền lợi bệnh nhân VN tương đương với trên thế giới. Vì một bệnh nhân dị ứng ở nước ngoài sẽ được làm khoảng 5 test để chẩn đoán xác định, sau đó được điều trị bằng thuốc. Còn ở VN thì ngược lại, thiếu nguồn dị nguyên, hoặc nếu bệnh nhân không đến đúng chuyên khoa, đôi khi chỉ nghe bệnh sử rồi đoán, thuốc cũng không được điều trị tốt. Mình rất hy vọng những việc mình làm dù nhỏ nhưng sẽ cho bệnh nhân có được phương pháp chẩn đoán hợp lý, kiểm soát được bệnh chặt chẽ hơn".

Hiện tại, chị Tú vừa làm công tác giảng dạy, vừa nghiên cứu và khám, điều trị về dị ứng - miễn dịch. Chị Tú hạnh phúc khi đã xây dựng được một nhóm nghiên cứu chuyên sâu về dị ứng - miễn dịch và đây cũng là một trong những nhóm theo mô hình liên kết lâm sàng - phòng thí nghiệm đầu tiên tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM.

Theo Thanh niên