Bà Võ Thị Hoàng Yến trong lễ tốt nghiệp tiến sĩ tại Úc, 2018
Ở tuổi 52, bà vừa nhận bằng tiến sĩ ở Úc. Bà từng được giải thưởng của chính phủ Mỹ, giải Kazuo Itoga của Nhật tôn vinh những cá nhân có đóng góp nổi bật cho cộng đồng người khuyết tật... Bà chính là Võ Thị Hoàng Yến, sáng lập và là Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển VN (DRD).
“Con trâu trắng” khác biệt
| | | Việc tôi đi học cũng góp phần tạo hình mẫu cho những bạn khuyết tật khác nhận ra rằng: Nếu muốn, mình cũng có thể trở thành tiến sĩ! | | |
|
Bà Võ Thị Hoàng Yến mở đầu cuộc trò chuyện bằng hình ảnh... con trâu trắng: “Bạn có biết chuyện con trâu trắng dưới quê không? Người ta cho rằng khi có con trâu trắng ra đời, làng đó sẽ bị mất mùa ba năm. Nó như là cái gì đó không được may mắn, bất thường, khác biệt trong cộng đồng. Hồi tôi còn nhỏ, mọi người trong nhà hay gọi đùa tôi là con trâu trắng, vì tôi làm cái gì cũng trật vuột, thất bại, thường làm đến lần thứ ba mới xong. Chuyện tập đi của tôi cũng vậy”.
Chuyện tập đi cụ thể như thế nào, thưa bà?
Má tôi kể lúc mới chào đời, tôi được nhiều người khen bụ bẫm. Mọi người hay tới thăm rồi xin bế em bé. Đến lúc biết đi lẫm chẫm thì cơn sốt bại liệt ập đến, người tôi oặt ẹo như cọng bún. Sau trận đó, đôi chân yếu hẳn, tôi tập đi lần thứ hai. Đến năm 1995, chân phải của tôi phải phẫu thuật. Thời gian đó, tôi lại tập đi lần thứ ba. Về sau, tôi phải dùng nạng hoặc xe lăn để di chuyển.
Bà cảm nhận hai chữ “khuyết tật” từ khi nào?
Hồi nhỏ tôi không ý thức chuyện đó. Sống trong làng, học trường làng, chơi với đám trẻ hàng xóm, tôi thấy mọi thứ rất bình thường. Lên cấp hai, tôi phải học nơi khác, cách trường làng chừng hai cây số. Những học sinh lớp 6 thường nhái tướng đi tập tễnh của tôi. Lúc đó, tôi mới cảm nhận là mình khác người ta, song vẫn nghĩ trong bụng: Ừ, tụi mày cứ chọc, tao học giỏi cho tụi mày xem.
Có cái hay là sau này gặp lại, những bạn đó rất ngại ngùng và xin lỗi ngày xưa đã chọc ghẹo tôi.
Việc học, việc làm ngày trước của bà có trật vuột như “con trâu trắng” không?
Học lực 12 năm phổ thông của tôi rất tốt. Kỳ thi tốt nghiệp, tôi là một trong ba người có điểm cao nhất của Trường THPT Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Vậy mà đến kỳ thi đại học, tôi bị thi rớt hai lần, đến lần thứ ba mới vô được giảng đường. Cũng bởi điều này mà gia đình tôi càng bảo tôi giống con trâu trắng hậu đậu (cười). Hồi đó, do khiếm khuyết về cơ thể, tôi đành “ngó lơ” những ngành mình yêu thích hoặc có năng khiếu (như nghề y, nghề báo) để thi vào khối kinh tế theo sự tư vấn của người thân. Nhưng rốt cuộc, tôi vẫn không thể nào kiếm được việc làm vì người ta không muốn nhận người khuyết tật. Nản quá, tôi tự học ngoại ngữ với mục đích có thể dạy kèm hoặc dịch sách kiếm sống. Sau khi ra trường, tôi đến với tiếng Anh từ con số 0 tròn trĩnh.
Đời rất đẹp !
Được biết, bà sáng lập và điều hành Trung tâm khuyết tật và phát triển VN suốt 13 năm nay. Vì sao trung tâm này gắn với cái tên Đời Rất Đẹp?
Tiến sĩ Hoàng Yến trong một chương trình cho trẻ em khuyết tật
Sự ra đời cái tên Đời Rất Đẹp cũng rất... ngộ. Trung tâm khuyết tật và phát triển có tên tiếng Anh viết tắt là DRD (Disability research and capacity development). Vào năm 2010, tụi tôi mở hội quán sinh hoạt cho người khuyết tật. Tôi muốn giữ tên viết tắt DRD vì nó đã trở thành thương hiệu, nên mới nghĩ ra cái tên hội quán Đời Rất Đẹp. Từ đó, người ta hay gọi dân dã đây là “Trung tâm Đời Rất Đẹp”.
Đời Rất Đẹp gửi gắm thông điệp gì, thưa bà?
“Đời rất đẹp khi trái tim đến với trái tim” chính là triết lý hoạt động của DRD. Trái tim đủ mở rộng, đủ thông hiểu thì mới có thể gắn kết các trái tim với nhau. Khi hỗ trợ cho người khuyết tật, một số bạn làm cho DRD từng có những lúc bực mình la lên: “Em chán người khuyết tật vì họ chỉ đòi hỏi, chứ không biết tự phấn đấu vươn lên!”. Tôi có nói với các bạn rằng mình phải hiểu rõ tại sao người ta đòi như vậy, rồi mình phải đủ thông cảm, đủ chịu đựng để giúp đỡ họ. Tôi rất vui khi có những bạn trẻ về sau tâm sự: “Làm ở đây, phục vụ cho những đối tượng thiệt thòi, cái tôi của em nhỏ lại để con người em lớn lên”.
Theo bà, những rào cản nào hạn chế cơ hội phát triển của người khuyết tật?
Tôi thấy có nhiều người không hiểu đúng về người khuyết tật. Người ta xem người khuyết tật như gánh nặng cho gia đình và xã hội. Suy nghĩ này đã làm cho người khuyết tật bị mất cơ hội phát triển.
Ở thái cực khác, người ta xem người khuyết tật rất giỏi, luôn nỗ lực hết sức mình để vượt qua khó khăn. Thực ra, cộng đồng nào cũng có người này người nọ. Vì vậy, cần phải hiểu đúng để có sự giúp đúng.
Một rào cản lớn khác chính là môi trường tiếp cận chưa thân thiện với người khuyết tật. Những sinh viên khuyết tật cho biết các em đã trải qua bao khó khăn trên quãng đường đến trường. Có những em bảo rằng gần như 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học chưa bao giờ đi vệ sinh ở trường. Có những bạn đi làm phải mang bỉm tã suốt ngày bởi xe lăn không thể vào được nhà vệ sinh. Cạnh đó, họ cũng bị hạn chế tiếp cận các công trình công cộng, phương tiện giao thông... Mặc dù đã có nhiều chính sách và văn bản luật tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển, nhưng việc thực thi ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự được quan tâm.
Tự học ngoại ngữ, mở rộng cánh cửa vào đời
Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm tự học ngoại ngữ từ con số 0 để rồi sau đó tìm được những học bổng du học ở Mỹ, Úc?
Cả thời phổ thông ở dưới quê, tôi không được học ngoại ngữ. Còn lúc vào đại học, tôi học tiếng Nga. Cho nên tiếng Anh hoàn toàn mới mẻ với tôi. Được cái, tôi vốn có thói quen tự học từ nhỏ nên cũng thuận lợi. Tôi hay nói với sinh viên rằng ngoại ngữ đâu có khó, chỉ cần siêng là học được thôi. Nó giống như đi xây một căn nhà, mình cần gạch (từ vựng), xi măng (ngữ pháp) và thợ xây (người học). Quan trọng là thợ xây tìm được nhiều gạch hay ít, biết cách lấy xi măng để gắn vào viên gạch thì sẽ xây được căn nhà đẹp hay xấu.
Tự học phải được khích lệ từ lúc còn nhỏ. Tôi thấy nhiều bạn trẻ VN mình thiếu tính tự học, vô lớp rất thụ động.
Bà không quản ngại bệnh tật, tuổi tác để hoàn tất chương trình tiến sĩ ở Úc. Đó có phải là một trong những kết quả đến từ... sức mạnh tích cực của sự tự ái?
Có hai cách để tự ái: tích cực và tiêu cực. Đáng tiếc, đa số tự ái theo kiểu làm cho đã nư và cuối cùng lại khiến mình giống hình ảnh mà người khác đã “tiên đoán”, định kiến. Còn tự ái của tôi theo hướng tích cực. Khi người ta nói người khuyết tật không làm được gì thì mình phải chứng minh cho họ thấy nếu được tạo cơ hội, chúng tôi cũng làm được và làm tốt như bao nhiêu người khác. Việc tôi đi học cũng góp phần tạo hình mẫu cho những bạn khuyết tật khác nhận ra rằng: Nếu muốn, mình cũng có thể trở thành tiến sĩ!
Hai lần du học, có khi nào bà bị giằng co giữa chuyện về và ở lại?
Rõ rệt nhất và đau đầu nhất là hồi tôi học thạc sĩ phát triển con người, Đại học Kansas, Mỹ. Khi trình bày luận văn tốt nghiệp tại Ngân hàng Thế giới, tôi được mời ở lại làm việc tại Washington D.C. Đặc biệt, giáo sư hướng dẫn của tôi cũng đề nghị cấp phí trợ giảng cho tôi để tôi học tiếp tiến sĩ. Trước lời mời hấp dẫn đó, tôi phân vân dữ lắm. Tôi viết thư xin ý kiến của cô Nguyễn Thị Oanh (cố thạc sĩ phát triển cộng đồng đầu tiên ở VN - PV). Cô Oanh phản hồi: “Chúc mừng em. Không phải ai cũng có một cơ hội như vậy. Nhưng VN cũng rất cần tới em. Chuyện này rất quan trọng nên tự em suy nghĩ và quyết định”. Sau mấy đêm trăn trở mất ngủ, tôi chọn trở về, bắt đầu mày mò viết dự án xin tài trợ cho các hoạt động của người khuyết tật.
Dường như rất hiếm khi bà bật mí về chuyện tình cảm...
(Bật cười). Thực ra, trong tình cảm tôi rất cởi mở, cái gì đến thì nó sẽ đến thôi. Nhưng có lẽ do tôi quá bận rộn với công việc nên đã để rơi những cơ hội khác, trong đó có chuyện... hẹn hò chẳng hạn. À, có một anh bảo mình hơi bị cứng (cười), không có vẻ của một phụ nữ cần sự chở che.
Bù lại, tôi có niềm hạnh phúc khác. Sự bình yên và hạnh phúc đến từ những nguồn nào đâu có quan trọng, đúng không! Quan trọng là mình cảm thấy bình yên và hạnh phúc, vậy là đủ rồi.
Những lúc mệt mỏi, căng thẳng quá thì tôi dạo đàn và hát hoặc mở nhạc nghe, tự nhiên giúp mình dịu lại, thăng bằng lại. Tôi rất thích hát bài Khát vọng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, với những câu day dứt thôi thúc mình phải làm cái gì đó để có những thay đổi tốt đẹp hơn: “…Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông. Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung. Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc. Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư...”. |
Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến sinh năm 1966, tại H.Nhơn Trạch, Đồng Nai 1985 - 1990: Cử nhân kinh tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 1996 - 1999: Cử nhân giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM 2001 - 2004: Thạc sĩ phát triển con người, ĐH Kansas, Mỹ (International Fellowship Program) 2014 - 2018: Tiến sĩ công tác xã hội, ĐH La Trobe, Úc (Australia Leadership Award) Phó chủ tịch Liên hiệp Hội về người khuyết tật VN (VFD), nhiệm kỳ 2017 - 2022. Một số giải thưởng tiêu biểu: - Kazuo Itoga Memorial Prize (Nhật) lần thứ 13, năm 2009, tôn vinh cá nhân có thành tích xuất sắc đối với vấn đề phúc lợi cho người khuyết tật tại châu Á - Thái Bình Dương - The US President’s Call to Service Award (chính phủ Mỹ), 2010 - Australia Leadership Award (Úc), 2014. Tiến sĩ Hoàng Yến là sáng lập viên kiêm Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD). DRD đã trực tiếp hỗ trợ khoảng 15.000 lượt người khuyết tật. Sáng kiến của DRD được thể hiện trong dịch vụ motorbike taxi, với một đường dây nóng để hỗ trợ vận chuyển miễn phí cho người khuyết tật trên những chiếc xe máy được thiết kế đặc biệt. DRD cũng làm việc với chính phủ và các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến người khuyết tật và thúc đẩy việc xây dựng một môi trường thân thiện với người khuyết tật… |
Người tuyệt vời và thú vị ! Tôi biết chị Hoàng Yến hơn chục năm nay. Ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ về nghị lực và sự điềm đạm của chị. Qua mấy hoạt động phối hợp với nhau, tôi thấy chị Yến rất đáng tin cậy, giải quyết công việc rất có trách nhiệm và hiệu quả. Nói chung, chị Yến là người tuyệt vời và thú vị, theo nghĩa rất lãng mạn, hài hước…
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Tiếp thêm động lực và truyền cảm hứng
Tôi rất ấn tượng chị Hoàng Yến về lĩnh vực tăng cường năng lực và quyền của người khuyết tật hơn là việc tiếp cận theo kiểu từ thiện. Chính cách tiếp cận như vậy sẽ giúp cho con người mạnh lên. Bên cạnh đó, chị là người đã tiếp thêm động lực, năng lượng và truyền cảm hứng đặc biệt to lớn cho tôi và những bạn trẻ đang làm việc trong lĩnh vực phi lợi nhuận, bằng những câu chuyện về cuộc đời và hoạt động thiết thực của chị.
AnhPhạm Trường Sơn- Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN Lan tỏa yêu thương, đáp đền tiếp nối Tôi học hỏi rất nhiều điều từ chị Yến. Chị luôn tận tâm với công việc và luôn tạo điều kiện cho nhân viên phát huy mọi năng lực của mình. Bởi vì chị tin tưởng rằng chỉ cần trao một điều kiện, một cơ hội cho người ta thì dù họ bị khuyết tật nặng đến đâu cũng vẫn có khả năng đóng góp. Điều mong muốn của chị Yến khi hỗ trợ ai đó chính là sự lan tỏa yêu thương, đáp đền tiếp nối.
AnhNguyễn Thanh Tùng- Điều phối dự án của DRD |
Theo Thanh niên