Tiến sĩ Hiệp tại phòng nghiên cứu của trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bạn có một vết thương ở tay, thay vì khâu và băng lại, chỉ cần dán loại keo sinh học để chữa lành nhanh và thay thế mô đã mất. Loại keo chữa trị vết thương đặc biệt này được tiến sĩ Hiệp nghiên cứu từ năm 2013 đến nay, đang ở giai đoạn thử nghiệm. Keo được ví như bộ dụng cụ cứu thương gia đình, có tác dụng dùng ngoài da như cầm máu, diệt khuẩn, chữa lành vết thương. Nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển keo để tiêm khớp gối, tải tế bào gốc, tái tạo mô cho bệnh nhân ung thư.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, 38 tuổi, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật y sinh, trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) sau 6 năm nghiên cứu, đến nay đã tạo được loại keo tốt nhất tại phòng thí nghiệm để áp dụng thử nghiệm trên người.
Keo được hình thành từ axit hyaluronic (một protein tự nhiên) và chitosan (có tác dụng tái tạo mô). Hai loại bột này khi tiếp xúc với nước sẽ tạo thành một loại keo dán vào vết thương. Tính chất của keo có thể thay đổi theo tỷ lệ thành phần vật liệu chitosan và axit hyaluronic, thêm các thành phần khác như bạc và hạt nano curcumin (bột nghệ) giúp chế tạo vật liệu tế bào gốc hoặc thuốc đặc trị.
Tiến sĩ Hiệp cho biết keo dán thực nghiệm trên da heo với kết quả rất khả quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy keo có khả năng diệt khuẩn, tránh nhiễm trùng, làm lành các loại vết thương nhanh chóng mà không cần các kỹ thuật khâu vá.
Trong khi các sản phẩm điều trị vết thương trên thị trường chỉ mang tác dụng tạm thời và thường sẽ phải gỡ bỏ, loại keo sinh học này không cần phải lấy ra và có tác dụng thay thế mô đã mất.
Theo tiến sĩ Hiệp, người dân không biết cách sơ cứu vết thương có thể mua keo để ở nhà và dùng khi cần thiết, sau đó đến trạm y tế hoặc bệnh viện để chữa trị. Sản phẩm sẽ được sử dụng như bộ dụng cụ y tế cho các gia đình, hữu ích những người sống xa bệnh viện như nông dân, ngư dân, người công tác ở vùng núi, hải đảo... khó tiếp cận với phòng khám, bác sĩ.
Tiến sĩ Hiệp cho biết lợi thế trong việc chế tạo loại keo này là nguồn cung nguyên liệu. Chất chitosan có nhiều trong vỏ tôm, cua. Sản phẩm được sản xuất từ chất liệu có sẵn của nước ta nên rất phù hợp về kinh tế và khả năng chữa trị cho người Việt.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của nữ tiến sĩ là kinh phí nghiên cứu. Để có kết quả nghiên cứu như hiện tại, chị đã được một tổ chức của Mỹ đầu tư hai tỷ đồng. Trong quá trình nghiên cứu, chị nhờ một số sinh viên hỗ trợ và tự trả lương cho họ.
"Keo cần có các dự án để thử nghiệm trên quy mô lớn và sự quan tâm của nhà nước để sản phẩm được cấp giấy phép đưa ra thị trường. Hy vọng cá nhân, đơn vị nào trong nước cảm thấy đề tài này khả thi, tài trợ kinh phí để tôi tiếp tục nghiên cứu trở thành một sản phẩm hoàn toàn của người Việt", tiến sĩ chia sẻ.
Chị đang xin kinh phí của Đại học Quốc gia TP HCM để thực hiện nghiên cứu sâu hơn nhằm kiểm tra khả năng kháng khuẩn và chống sẹo của keo. Thời gian tới tiến sĩ cũng làm việc với các cơ quan để tiếp tục thí nghiệm lâm sàng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp tốt nghiệp cử nhân Hóa học tại trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại trường Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, chị trở về nước làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật y sinh tại trường Đại học Quốc tế. Tiến sĩ Hiệp là một trong hai nhà khoa học Việt Nam vào top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á 2019.
Tiến sĩ có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô. Đến nay, chị có hơn 60 công bố khoa học thuộc ISI, nhiều công bố khoa học thuộc các tạp chí quốc tế, trong nước cũng như bài báo khoa học trong những hội nghị quốc tế. Công trình nghiên cứu "Keo thông minh trong điều trị lành thương" của chị đã đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo TPHCM 2019 thuộc lĩnh vực 7 - khoa học cơ bản.
Theo
vnexpress