Nữ tiến sĩ Huỳnh Nguyễn Phương Uyên là chuyên gia hóa tổng hợp - hóa sinh từ trường Đại học Houston (Mỹ). Dưới sự hướng dẫn của giáo sư, tiến sĩ Don Coltart, Huỳnh Nguyễn Phương Uyên đã phát triển công nghệ Alkyl hoá lập thể thành công bằng cách áp dụng chất N-amino cyclic carbamate, gọi tắt là công nghệ ACC.
Công nghệ ACC giúp sản xuất ra dược phẩm có độ tinh khiết cao, nâng hiệu suất thành phẩm, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, rút ngắn thời gian sản xuất thuốc, giảm giá dược phẩm. Từ đó, giảm chi phí y tế đồng thời nâng cao chất lượng chữa bệnh trong cộng đồng. Công nghệ này đã được đưa lên trang bìa của tạp chí khoa học Journal of Organic Chemistry (JOC) của American Chemical Society (ACS) vào năm 2018.
Đặc biệt, lợi ích lớn nhất mà công nghệ ACC đem lại cho ngành dược là khả năng ứng dụng rộng rãi để có thể sản xuất nhiều chủng loại thuốc đạt tiêu chuẩn “độ tinh khiết đối quang”, giúp các loại thuốc nhanh chóng phổ biến ra cộng đồng.
|
Thời gian sản xuất thuốc được rút ngắn nhờ công nghệ ACC được phát triển bởi tiến sĩ Huỳnh Nguyễn Phương Uyên tại nhóm nghiên cứu của giáo sư, tiến sĩ Don Coltart. |
“Độ tinh khiết đối quang” là tiêu chuẩn tối quan trọng trong ngành dược, được đặt ra để bảo đảm dược phẩm không có những tạp chất gây ra tác dụng phụ độc hại, làm giảm hoạt lực của thuốc, gây khó khăn cho bác sĩ trong việc điều chỉnh liều thuốc cho bệnh nhân.
Từ sau thảm họa của Thalidomide, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có chỉ tiêu về “độ tinh khiết đối quang” dành cho dược phẩm rất cao, nhằm bảo đảm dược phẩm được bán ra trên thị trường không có những tạp chất gây ra tác dụng phụ độc hại.
Thalidomide là loại thuốc giúp giảm triệu chứng ốm nghén cho sản phụ trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, loại thuốc này lại có tác dụng phụ nguy hiểm do tạp chất đối quang mang lại, làm sảy thai hoặc gây ra dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh như cụt tay chân, khiếm thính, khiếm thị, biến dạng cột sống và khớp xương.
Ngoài ra, tác dụng nhẹ của thuốc Thalidomide còn dẫn đến các bệnh như bệnh mạch vành và thoái hóa khớp. Những tác dụng phụ này xảy ra vì thuốc Thalidomide là hỗn hợp của hai “đồng phân lập thể dạng soi gương”, có độ tinh khiết đối quang chỉ 50%, gồm 2 chất rất giống nhau về cấu tạo phân tử, nhưng chỉ khác nhau một chút trong cấu trúc 3D. Chính vì điểm khác biệt nhỏ này, một chất chữa được bệnh, còn chất kia lại là chất độc hại gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Trong ngành dược hiện nay, việc sản xuất ra dược phẩm đạt độ tinh khiết đối quang cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của FDA rất khó vì tốn nhiều thời gian và chi phí. Trên thị trường đầu tư và giao dịch công nghệ hoá học quốc tế, chi phí để sản xuất ra hoá chất - dược phẩm có độ tinh khiết đối quang cao lên đến 6,4 tỷ USD trong năm 2020.
Hoá chất dùng trong công nghệ ACC có giá bán là 25 USD/gram, có thể được tái chế và sử dụng nhiều lần. Công nghệ này cũng giúp đơn giản hoá quy trình sản xuất trong công nghiệp, hiệu suất cao, đạt được tiêu chuẩn về độ tinh khiết đối quang, giảm giá thành các hoạt chất của dược phẩm. Nhờ vậy, các loại thuốc mới an toàn hơn sẽ nhanh chóng được cơ quan quản lý dược phẩm các nước phê duyệt để có mặt trên thị trường sớm hơn.
|
Tiến sĩ Huỳnh Nguyễn Phương Uyên tại phòng nghiên cứu. |
Nhóm nghiên cứu của giáo sư, tiến sĩ Don Coltart, nơi tiến sĩ Huỳnh Nguyễn Phương Uyên phát triển công nghệ ACC, đã ứng dụng công nghệ này thành công để tổng hợp ra hợp chất tự nhiên là (+)-clusinanones (có hoạt tính anti-HIV) và Apratoxin D (có khả năng trị ung thư phổi) đạt được độ tinh khiết đối quang cao. Thành công này chính là minh chứng cho việc công nghệ ACC sẽ nhanh chóng được ứng dụng trong phạm vi toàn cầu, để sản xuất ra dược phẩm có độ tinh khiết đối quang gần như tuyệt đối.
Với những lợi ích mà công nghệ ACC đem lại, tập đoàn nổi tiếng về lĩnh vực hóa chất Sigma-Aldrich đã thương mại hoá công nghệ ACC, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp dược và cộng đồng nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ Huỳnh Nguyễn Phương Uyên đang làm nghiên cứu hậu tiến sĩ tại nhóm nghiên cứu của giáo sư, tiến sĩ Melissa Zastrow tại Đại Học Houston, Mỹ. Tại đây, cô là một trong những người đi đầu nghiên cứu về sự ảnh hưởng của chất khoáng đối với vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây bệnh đường ruột.
Nghiên cứu của tiến sĩ Huỳnh Nguyễn Phương Uyên hứa hẹn giúp khám phá ra cơ chế và các nhân tố ảnh hưởng đến hệ vi sinh trong đường ruột, mở ra các hướng chữa trị bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là kháng trụ sinh - mối đe doạ với sức khoẻ cộng đồng. Thành tựu này đã góp phần giúp nhóm nghiên cứu của giáo sư, tiến sĩ Melissa Zastrow giành được quỹ nghiên cứu 1,9 triệu USD của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).
Theo Zing