Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 2002, sinh viên Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương) hiện là tình nguyện viên tại khu cách ly y tế thuộc Đại học Hải Dương.

Khoảng 3h ngày 18/5, nhóm trực của cô đón cụ bà 83 tuổi (thường trú tại phường Trần Phú, TP Hải Dương).

Kể lại với Zing, Thảo vẫn nhớ đêm hôm đó, từ xa, nhìn thấy bà chân bước không vững, cô đã chạy nhanh lại để cõng cụ.

“Xe cấp cứu mở ra, cụ run rẩy không đi xuống được, cần có người đỡ. Sau đó, dù có người xốc nách, cụ vẫn khá khó khăn để đi xuống. Lúc đó, mình quyết định nhờ mọi người giúp để cõng cụ lên luôn. Cụ nhẹ bẫng, thương lắm, giống ông bà mình ở nhà”, Thảo kể.

                                                                                Hình ảnh của Phương Thảo trong bộ đồ bảo hộ tại khu cách ly.


Khi cụ vào tới khu cách ly, con dâu cũng xin vào cùng để chăm sóc mẹ. Tuy nhiên, đến ngày 19/5, người con dâu có kết quả dương tính SARS-CoV-2, trở thành F0, cụ trở thành F1 và phải ở lại một mình.

“Các anh chị nhân viên y tế và tình nguyện viên đều bảo nhau hỗ trợ và chăm sóc cụ. Do lớn tuổi, cụ hơi lẫn, liên tục hỏi chúng mình vì sao cụ lại ở đây, sao chưa được về. Những hôm nắng nóng, cụ không ăn được cơm, chỉ ăn chút hoa quả. Cụ còn nghĩ bây giờ đang gần Tết", Phương Thảo kể.

                                                                                Chân dung cô tình nguyện viên trẻ.


Hiện tại, khu cách ly Đại học Hải Dương có 181 người tới cách ly, sinh hoạt rải rác trong 3 tòa nhà, mỗi tòa 5 tầng.

Mỗi ngày, nhóm tình nguyện viên làm việc từ 5h đến 19h30. Công việc chính là hỗ trợ đời sống, chia phần ăn, đón người cách ly mới.

“Bọn mình thức dậy từ 5h. 6h đi phát phần ăn sáng. 11h phát phần ăn trưa. Tới buổi chiều, 15h bọn mình trực chốt nhận đồ của người nhà gửi cho người cách ly. Đến khoảng 17h30-18h có cơm tối, nhóm lại đi phát cơm. Nếu xong xuôi, 19h30 sẽ về tắm rửa, nghỉ ngơi. Nhưng nếu xuất hiện ca F1 hoặc F0, bọn mình sẽ phải hỗ trợ liên tục", Thảo chia sẻ.

Đây không phải lần đầu tiên Thảo tham gia công tác chống dịch. Vào đợt dịch trước đó tại Hải Dương, cô cũng xung phong làm tình nguyện viên tại khu cách ly này.

Nhưng theo cảm nhận của cô, đợt dịch này lực lượng y tế và tình nguyện viên vất vả hơn do nắng nóng.

"Giữa thời tiết oi bức, việc mặc bộ đồ bảo hộ thật sự rất mệt, mồ hôi chảy ướt đẫm, găng tay và quần áo dính hẳn vào da. Mỗi lần phát cơm, tụi mình phải leo cầu thang liên tục, cố gắng để anh chị, cô chú, các bạn đang ở đây được ăn uống đúng giờ, đảm bảo sức khỏe".

"Có ca, sau khi làm, mấy anh em chỉ biết ngồi thở, có người còn nằm ngay ra sân bệnh viện nghỉ. Có những hôm, chúng mình mặc bộ bảo hộ xuyên đêm, chờ đến 5h sáng khi F1 được đưa tới. Dù mệt, chỉ cần nghe tiếng còi xe cấp cứu hú là tất cả tỉnh dậy ngay. Sau đó tới 6h, chúng mình lại đi phát đồ ăn sáng luôn", nữ sinh kể lại.

Vất vả là thế, nhưng những tình nguyện viên trong khu cách ly vẫn luôn động viên nhau giữ vững tinh thần lạc quan. Với Thảo, người tiếp lửa cho cô nhiều nhất là anh đội trưởng.

“Anh rất tâm lý, không ngại mệt mỏi, luôn tích cực 'tiếp lửa' cho đồng đội, lúc nào cũng ưu tiên sức khỏe chúng mình lên đầu. Có hôm anh ấy mặc bảo hộ vào chỉ để động viên, chọc cười, giúp chúng mình tích cực làm việc. Sau mỗi giờ làm, chúng mình lại quây quần nói chuyện để bớt mệt nhọc. Anh em bảo nhau cố gắng đoàn kết để chăm sóc người dân cách ly được tốt nhất", Thảo tâm sự.

Ít tuổi, còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã 2 lần tham gia tuyến đầu chống dịch, cô gái sinh năm 2002 chỉ có mong muốn duy nhất là số lượng ca bệnh nhanh chóng giảm, đời sống mọi người được trở lại như bình thường.

"Dù đây là những trải nghiệm quý giá cho công việc, nghề nghiệp sau này. Nhưng mình mong các y, bác sĩ không phải vất vả nữa. Bệnh nhân được trở về đoàn tụ với gia đình".

Theo Zing