T.Ư Đoàn đã tổ chức 200 tình nguyện viên, liên lạc viên tham gia phục vụ hội nghị, trong đó có 14 bạn cùng sinh năm 2005, là ít tuổi nhất.
Vượt qua hơn 1.800 hồ sơ ứng cử
18 tuổi, nữ sinh Nguyễn Thị Anh Thơ (tân sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương) đã xuất sắc vượt qua hơn 1.800 hồ sơ để được lựa chọn làm tình nguyện viên phục vụ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Anh Thơ cho biết rất vui và xúc động khi được tham gia một sự kiện quốc tế có quy mô lớn như vậy. Dù ít tuổi, nhưng Anh Thơ rất tự tin và hiểu rất sâu sắc về chương trình, cũng như những nền tảng kiến thức để phục vụ hội nghị.
Anh Thơ sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. "Em luôn suy nghĩ khi trở thành một sinh viên thì phải năng động và tràn đầy nhiệt huyết. Biết Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu được tổ chức ở Việt Nam, em đã dự tuyển tình nguyện viên và rất may mắn khi trúng tuyển", nữ sinh chia sẻ.
Sau khi trải qua kỳ tập huấn với công việc đón các đoàn đại biểu đến tòa nhà Quốc hội, Anh Thơ cho biết, chương trình này rất ý nghĩa. "Em sẽ được làm việc với rất nhiều đại biểu đến từ những nước khác nhau và có thể gặp gỡ nhiều đại biểu cấp cao trong nước và quốc tế. Trong đợt tập huấn, lần đầu tiên một người ở tỉnh lẻ như em đã được đi thăm nhiều nơi ở Hà Nội, như Trung tâm Hội nghị quốc gia hay các khách sạn 5 sao, nơi các đoàn khách sẽ làm việc và lưu trú…", Anh Thơ phấn khởi nói.
Lan tỏa về lợi ích của công nghệ
Đánh giá về chủ đề của hội nghị là "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo", Anh Thơ cho biết đó là chủ đề hay và gần với giới trẻ hiện nay.
"Chủ đề của hội nghị không chỉ gần gũi với giới trẻ, mà còn hướng tới những đối tượng khác trong xã hội như tầng lớp trung niên hoặc người già. Thông qua chủ đề, sẽ nhiều người quan tâm đến chuyển đổi số hơn và thúc đẩy quá trình này ở Việt Nam", Anh Thơ nhìn nhận.
"Công nghệ đôi lúc đã gắn kết gia đình lại với nhau. Chẳng hạn, đối với sinh viên xa nhà giống như em, việc gặp bố mẹ thường xuyên rất khó khăn, khi cảm thấy nhớ bố mẹ thì không biết làm sao. Nhờ có công nghệ số, em đã có thể gặp gia đình thường xuyên hơn", Anh Thơ chia sẻ, và cho rằng, cái gì cũng có mặt trái, nhưng giới trẻ cần sử dụng và áp dụng nó vào mục đích tốt đẹp hơn.
"Qua hội nghị lần này, chúng em muốn truyền tải tới các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên những lợi ích mà công nghệ đem lại, để phát triển đất nước và trở thành công dân toàn cầu", Anh Thơ bày tỏ.
Giúp đại biểu quốc tế biết nhiều hơn về Việt Nam
Anh Thơ chia sẻ, khi tham gia phục vụ hội nghị sẽ giới thiệu về Việt Nam tới các đại biểu quốc tế, để họ thấy Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, không chỉ phát triển về kinh tế - xã hội mà còn có bề dày về văn hóa, lịch sử.
"Em mong rằng khi các đại biểu biết nhiều hơn về Việt Nam thì họ có sự nhìn nhận sâu sắc hơn và sẽ đầu tư nhiều hơn vào đất nước chúng ta. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, có thể tạo thêm cơ hội cho những bạn trẻ Việt Nam sang học hỏi về công nghệ số, giúp họ có thêm kiến thức, phát triển đất nước và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững", Anh Thơ nói.
Nữ sinh cũng mong muốn các đại biểu quốc tế khi tới Việt Nam sẽ cảm nhận được sự khác biệt của Việt Nam so với các nước khác, đó là những nét văn hóa truyền thống độc đáo và sự thân thiện, hòa đồng, nhân văn của người Việt.
"Em thấy người Việt Nam luôn nhân văn. Em tin rằng những đại biểu khi tiếp xúc sẽ cảm nhận được lòng nhân ái của người Việt. Đó có thể là điều mà họ không gặp được ở những quốc gia khác", nữ sinh tự hào nói.
Theo Thanh niên