Chúng tôi vào hội trường của xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) để bắt đầu hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về người có công. Tại đó, đã có đầy đủ đại diện các ban ngành, đoàn thể và cơ quan báo chí. Về nhân chứng thì có khá nhiều du kích đã hoạt động trong thời kỳ đó; đặc biệt là bà Nguyễn Thị Hà - người được chứng kiến những phút cuối địch bắn chị Tư; và ông Đặng Hoàng Nhi - là người thủ trưởng cao nhất lúc đó với chức vụ Thường vụ Huyện ủy kiêm Xã đội trưởng.
Riêng chị Lê Mỹ Linh - người con gái được bú giọt sữa cuối cùng của mẹ - không đến dự mặc dù chúng tôi đã cho xe đến tận nhà để đón. Anh Huy Thái nói “chị ấy hiền lành và cũng dễ gần, nhưng không đến có lẽ vì áp lực về mặt tâm lý!”.
Quê hương và thân nhân chị Nguyễn Thị Tư
Tình hình huyện Vĩnh Lợi thời kỳ 1969 - 1972 hết sức khó khăn và ác liệt. Địch gồm bọn lính bảo an, thám báo, lính nghĩa quân hội đồng xã… lùng sục, bắt bớ. Cả huyện có 89 đảng viên, rất quyết tâm đánh giặc. Nhưng rất thiếu thốn lương thực, nhu yếu phẩm, đặc biệt là đạn dược (có khi chỉ có 4 khẩu súng). Địch càn quét gắt gao, “cứ mỗi sáng ra là có thể đã hy sinh 1 - 2 người” - ông Nhi kể, đến mức nhiều người đã được lệnh tạm lánh khỏi địa phương để tránh bị bắt bớ, khi có thể thì quay lại đánh địch.
Bọn ác ôn bị giết càng nhiều thì địch càng lồng lộn, tìm bắt du kích, thậm chí cả người nhà của du kích. Địch đã bắt và giết vợ của đồng chí Hai Hoàng - một cấp trên và là bạn chiến đấu thân thiết của anh Năm Dõng.
Năm Dõng - lúc đó với cương vị xã đội viên, là người đã giết hàng chục tên ác ôn, nên là đối tượng số 1 bị địch tìm giết. Vợ Năm Dõng - chị Nguyễn Thị Tư - cũng là đầu bảng “danh sách đen” mà địch tìm bắt.
Thắp hương cho liệt sĩ Nguyễn Thị Tư và đồng đội của liệt sĩ
Chị Nguyễn Thị Tư sinh năm 1936 trong một gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng. Vườn nhà ba má chị Tư (ông Nguyễn Văn Tá và bà Lê Thị Bảy) có hầm bí mật rộng đủ chứa hơn 10 người thường xuyên nương náu và hội họp. Ba má chị có 11 người con. Hầu hết đều tham gia cách mạng. Đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975) gia đình có tất cả 4 liệt sĩ, 2 thương binh; má chị đã được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.
“Chị tôi làm việc quần quật, đến khi lên giường ngủ mà quần còn xắn cao, bị má tôi la hoài à!”, anh Nguyễn Hữu Xệ (em thứ 10 của chị Tư) mắt rơm rớm kể với chúng tôi như vậy. “Lấy chồng, một tay nuôi 4 con thơ dại, không có nhà ở, vẫn đảm đang mọi việc để chồng yên tâm đánh giặc. Đây là điểm nổi bật nhất của chị Tư”, ông Đặng Hoàng Nhi nhấn mạnh.
h UBND huyện ký. Qua lời kể của đồng đội chị Tư thì được biết thêm rằng: Chị Tư tham gia cách mạng từ năm 1969, trước đó đã tham gia đội quân tóc dài như là một quần chúng tích cực. Hoạt động cách mạng của chị Tư rất sôi nổi từ năm 1970 đến lúc bị giặc bắt. Đóng góp của chị Tư rất lớn, từ việc tiếp tế nhu yếu phẩm cho dân quân, du kích; đặc biệt là dò la, tìm kiếm tin tức để cung cấp thông tin cho cách mạng…
Thủ trưởng cao nhất của xã lúc đó là ông Đặng Hoàng Nhi khẳng định: “Chị Tư gan dạ, dũng cảm lắm! Chốt Mỹ Thanh địch gác gắt gao vô cùng, không ai dám qua, thế mà chị Tư tình nguyện ở lại làng và hằng ngày qua lại chốt đi vào cứ để tiếp tế và để cung cấp thông tin cho du kích chúng tôi”.
Bị bắt, tra tấn và những giọt sữa cuối cùng
Biết được sự lùng sục gắt gao của địch nên cấp trên đề nghị chị Tư lánh tạm đi nơi khác một thời gian. Nhận được lệnh, chập tối ngày 7/4/1972, chị bế đứa con nhỏ mới hơn 10 tháng tuổi định đi đến nhà ông Tư Giàu (là một đảng viên cơ sở mà cấp trên đã báo chuẩn bị giúp chị Tư) để đón đò đi xuống nhà một bà dì ruột của chồng ở Láng Tròn (Giá Rai) lánh tạm.
Khi đi ngang qua nhà bà Đẩu (chúng tôi sẽ nói rõ hơn cái kết của một kẻ phản bội ở các bài sau), bà hỏi: “Chị Tư đi đâu đó?”. - “Tôi đi đến đầu bến Tư Giàu để đón đò đưa con nhỏ khám bịnh”. - “Cần gì đi xa, vào đây ngồi cho đỡ mệt, khi nào đò đi ngang đây tui gọi cho”, bà Tư Đẩu vồn vã. Chị Tư theo chân bà Đẩu vào nhà.
Một lúc sau, bỗng có một toán lính nghĩa quân hội đồng xã đi vào nhà. Bọn lính còn kéo theo một người thanh niên bị trói tên là Bé vào cùng (anh Bé đi soi ếch và bị bọn lính bắt dọc đường để buộc phải đi quân dịch). Vào đến nơi, anh Bé bị địch trói nghiến vào một gốc cây ngoài sân nhà bà Đẩu. Ngọn đèn le lói từ trong nhà chiếu hắt ra, không đủ cho người từ trong nhìn ra, nhưng đủ rõ cho anh Bé từ ngoài nhìn vào nhà.
Sau khi hỏi và biết đây là một người phụ nữ đang chờ đò để đưa con đi khám bịnh, bọn lính đã đi ra. Bà Đẩu bước vội theo và làm ám hiệu báo cho bọn lính biết: Đó chính là Nguyễn Thị Tư, vợ Năm Dõng! Bọn lính quay ngoắt lại và một trận tra khảo bắt đầu.
Qua lời kể của các nhân chứng thì đó là một trận tra khảo cực kỳ dã man. Đứa con nhỏ bị bọn lính tóm và liệng sang một bên. Dù chịu nhiều đòn tra tấn, chị Tư vẫn không khai nửa lời. Một cú đập chí tử bằng báng súng, làm cánh tay chị gãy. Chị ngã xuống ngất lịm! Chỉ lát sau, một thằng lính túm tóc chị kéo giật lên. Chị mở mắt, biết mình khó được sống nên lấy hết sức nói đứt đoạn với bọn lính: “Hãy để tôi… cho con bú… lần cuối… rồi các ông…!”.
Cháu bé đang khóc ngằn ngặt, bị một thằng lính túm cổ vứt vào với mẹ. Chị gắng hết sức dùng một tay chưa bị gãy kéo đứa con vào lòng. Cháu bé vùi ngay đầu vào ngực mẹ để trốn những họng súng. Chị bình thản cho con bú, mở mắt âu yếm nhìn con. Có lẽ, lúc đó chị đã nhắn gửi lại cho đứa con những lời yêu thương nhất trên cõi đời. Có lẽ, với đứa bé, đó là lần rúc đầu vào bầu vú mẹ ấm áp nhất, an toàn nhất, bú được những giọt sữa cuối cùng ngọt ngào, thơm tho nhất trong cuộc đời!
“Thôi! Đủ rồi, dẫn nó đi!”. Sau cái lệnh ngắn gọn đó của thằng Minh “hô”, đứa bé bị giật mạnh khỏi vú mẹ, chị Tư bị lôi đứng thốc dậy. Cả bọn kéo và dẫn chị Nguyễn Thị Tư ra khỏi sân nhà bà Đẩu.
Tất cả diễn biến đó đều đã được anh Bé chứng kiến!
(Còn nữa)
GS.TS, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Đa khoa Medlactec. |