Mẹ Hiên nô đùa bên các con

Vừa làm mẹ, vừa làm con

Tôi tìm đến ngôi nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô vào một buổi chiều qua sự giới thiệu của người bạn học cùng trường. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những đứa trẻ đang nói cười, nô đùa vui vẻ trên hiên nhà.

Thấy khách lạ, nữ tu Nguyễn Thị Hiên (SN 1961) mời chúng tôi vào phòng khách uống nước. Dì Hiên bảo, ngôi nhà tình thương này được xây dựng từ năm 2007, do dì sáng lập. Mọi kinh phí để hoàn thiện ngôi nhà này được dì đi xin ở nhiều nơi.

Tôi hỏi: Từ đâu, dì lại có ý tưởng thành lập ngôi nhà tình thương này? Dì Hiên kể: “Tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh neo đơn, các cụ già tàn tật, không người thân chăm sóc nên dì đồng cảm với số phận của họ. Từ đó, trong đầu dì nảy ra ý định mong muốn được thành lập ngôi nhà tình thương, kêu gọi mọi người giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương đó”.

Những ngày đầu ngôi nhà tình thương đi vào hoạt động, dì Hiên đã dang tay đón nhận các cụ già tàn tật, neo đơn và những em nhỏ bị bỏ rơi về ngôi nhà này sinh sống. Điều kiện kinh tế khó khăn, công việc không ổn định nên có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Ai cho bó rau, lạng thịt, củ sắn, củ khoai… dì Hiên đều nhận hết.

Để tiện chăm sóc, cơm nước hàng ngày cho các cụ già và những em nhỏ, dì Hiên chỉ làm những công việc lặt vặt quanh nhà, kiếm đồng ra đồng vào để có tiền mua thức ăn cho mọi người. Nhiều hôm nhà hết gạo, tiền cạn túi, dì phải chạy ra ngoài chợ xin người dân gạo, rau, thức ăn để về lo bữa cơm cho các con và các cụ già.

Dì Hiên nhẩm tính, mỗi ngày dì phải bỏ tiền túi từ 2-3 trăm nghìn đồng để mua thức ăn cho các con và các cụ. Theo dì Hiên, mỗi bữa dì phải nấu ăn theo 2 chế độ ăn khác nhau, các cụ già ăn theo chế độ dành cho các cụ và chế độ ăn dành cho các em nhỏ cũng khác.

nh-6140555430
Ngôi nhà tình thương, nơi các cụ già và những em nhỏ sinh sống

“Nói thật với em, nhiều lúc trong nhà không còn gì, dì phải ra chợ xin người dân mớ rau, ít gạo, thức ăn để về lo bữa ăn cho các cụ già và những đứa trẻ. Dì nhịn đói còn được, chứ trẻ nhỏ, cụ già nhịn đói thì dì lo lắm”, dì Hiên phân trần.

Mỗi ngày, dì chỉ được chợp mắt được khoảng 4-5 tiếng. Chưa một đêm nào, dì được 1 giấc ngủ sâu, trọn vẹn. Dì chấp nhận hi sinh tất cả để các con có cuộc sống vui tươi hơn và các cụ già neo đơn, tàn tật được hưởng trọn niềm vui cuối đời.

“Ngày nào cũng vậy, dì phải thức khua, dậy sớm để chăm lo cho mọi người. Dì đã chấp nhận đón nhận họ về ngôi nhà này thì phải chăm sóc như người thân của chính mình. Dì coi những đứa trẻ như con của mình, các cụ già là cha mẹ mình...”, dì Hiên nói.  

Nếu dì không nhận, đứa trẻ sẽ bị vứt bỏ

Hơn 10 năm nay, ngôi nhà chung này đã đón nhận nhiều trẻ em và cụ già neo đơn, tàn tật. Hiện tại, dì Hiên đang nuôi 7 người mù, 1 người não úng thủy, 3 người thần kinh, 3 người cô đơn, tàn tật, 10 trẻ em và 1 người đang mang bầu. Những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay yêu thương của “mẹ” Hiên. Các cụ già được chăm sóc chu đáo, tận tình dưới bàn tay gày gò của người con bất đắc dĩ.

Mỗi người một số phận nhưng lại được sống chung dưới một mái nhà. Ngôi nhà ấy tuy đã xuống cấp nhưng trong ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười, nô đùa của bọn trẻ. Chúng hồn nhiên, vui tươi, tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng.

Không chỉ được chăm sóc chu đáo, mà em nhỏ cũng được đến trường học như bao đứa trẻ khác. Dì Hiên tâm sự rằng: “Dù khó khăn đến mấy, dì cũng cho bọn trẻ đi học để sau này thành người”.

Như hiểu được nỗi vất vả của “mẹ” Hiên nên bọn trẻ rất ngoan ngoãn, yêu thương nhau, “một điều dạ, hai điều vâng”. Chưa bao giờ bọn trẻ đánh, chửi nhau khiến “mẹ” Hiên phải buồn phiền.

Trong số các em nhỏ, dì Hiên đặc biệt quan tâm đến bé Mai Chi (3 tuổi). Mai Chi đang bị mắc bệnh não úng thủy, một trong những căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Căn bệnh đã hành hạ Mai Chi suốt 3 năm qua.

Bé Mai Chi đến với ngôi nhà tình thương vào một ngày cuối năm 2015. Khi đó, có một nhóm, khoảng 5 người đưa bé đến nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô nhờ dì Hiên nuôi. Thời điểm ấy, bé Mai Chi mới hơn 2 tháng tuổi.

Dì Hiên kể: “Hôm đó, có khoảng 5 người đi ô tô đưa cháu bé đến nhà tình thương nhờ dì nuôi. Dì có yêu cầu họ cung cấp địa chỉ, người nhà của cháu bé nhưng họ không nói và chỉ bảo rằng nhặt được đứa bé ở một phòng trọ trên thành phố Nam Định.

Dì ngần ngại không dám nhận đứa bé vì không rõ thông tin về đứa trẻ này. Thì một người trong nhóm có nói, nếu dì không nhận nuôi thì trên đường về, chúng tôi sẽ vứt bỏ đứa trẻ ở vệ đường. Lo lắng, sợ nhóm người này làm thật nên dì chấp nhận nuôi bé”.

Đến tối cùng ngày, thì Mai Chi có biểu hiện co giật, mơi sữa. Lo lắng đến tính mạng của Mai Chi, dì Hiên nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc đưa Mai Chi lên Bệnh viện Nhi Nam Định khám. Tại đây, bác sĩ thông báo, Mai Chi bị bệnh não úng thủy, chỉ sống được vài ngày nữa, không có hi vong sống.
\

Ngôi nhà tình thương, nơi các cụ già và những em nhỏ sinh sống

Nhận kết quả từ phía bệnh viện mà chân tay dì Hiên như rụng rời. Dì khóc cạn nước mắt, thương bé Mai Chi vô cùng. Đưa Mai Chi về nhà, dì Hiên chăm sóc chu đáo, để bé có ra đi thì cũng ra đi trong thanh thản. Nhưng điều kỳ diệu đã đến với Mai Chi, mấy ngày sau sức khỏe Mai Chi ổn định và ăn tốt hơn. Mai Chi thoát khỏi “cửa tử” và sống cho đến ngày hôm nay.

Dẫn chúng tôi đi thăm Mai Chi, tôi không khỏi xót xa trước hình ảnh một cháu bé với cái đầu to, chân tay gầy gò, teo tóp đang nằm im trên chiếc giường. Vừa xoa tay lên đầu Mai Chi dì Hiên vừa khóc: “Khổ thân con. Con chỉ nằm im một chỗ, không được nô đùa như những đứa trẻ khác…”.

Căn phòng dành cho các cụ già

Dì Hiên dẫn tôi qua phòng bên để thăm các cụ già neo đơn, tàn tật. Trong số các cụ già đang sinh sống tại đây, cụ Nguyễn Thị Nhiệm là cao tuổi nhất, 96 tuổi. Đôi mắt cụ tuy không nhìn thấy gì nhưng cụ rất khỏe và minh mẫn.

Đang trò chuyện với cụ Nhiệm, tôi nghe thấy giọng la hét ở phòng bên. Tôi chưa kịp hỏi, dì Hiên đã thốt lên: “Bé gái bên đó bị bệnh tâm thần, hay la hét, nếu cứ thả ra ngoài là chạy đi lung tung ngoài đường, nên dì phải nhốt vào trong nhà, khóa cửa lại”.Tôi hỏi: Cụ được đưa vào đây lâu chưa? Cụ Nhiệm đáp: Tôi vào đây được mấy năm nay rồi. Cụ còn nhớ quê cụ ở đâu không, tôi hỏi tiếp. Cụ Nhiệm đáp lại: Quê tôi ở dưới xã Trực Cường, huyện Trực Ninh.

Khi được hỏi về ước nguyện, dì Hiên mong muốn: “Ngôi nhà tình thương rất mong muốn được sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà hảo tâm để các em nhỏ, cụ già có cuộc sống vui tươi hơn, bữa ăn đầy đủ hơn...”.

“Từ ngày ngôi nhà tình thương được thành lập, dì đã phải chia tay gần 20 cụ vì bệnh tật, tuổi cao sức yếu. Cụ nào cũng được dì lo hậu sự chu đáo. Chỉ mong rằng các cụ còn đang sinh sống trong ngôi nhà tình thương mạnh khỏe, vui tuổi già”, dì Hiên tâm sự.


Theo Kiến thức gia đình /Nông nghiệp Việt Nam