Kết thúc 4 năm đại học ở Việt Nam và một năm học trao đổi tại Nhật Bản, Phạm Khánh Linh (sinh năm 1997) có điểm trung bình tích luỹ đạt 3.83/4. Cô nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc ngành Nhật Bản học và trở thành thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2020.

Không chỉ sở hữu thành tích học tập đáng ngưỡng mộ, Linh còn khiến nhiều người ấn tượng khi thành thạo 4 ngoại ngữ gồm Anh, Trung, Nhật, Pháp.

Trò chuyện với Zing, nữ thủ khoa đã có những chia sẻ về bí quyết học ngoại ngữ cùng nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian qua.

Phạm Khánh Linh là thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2020.

Đạt điểm A tất cả môn học ở Nhật


Phạm Khánh Linh cho biết cuối cấp 2 cô mới dành nhiều thời gian học tiếng Anh. Khi đó, Linh dự định thi vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Mặc dù đủ điểm đỗ theo nguyện vọng, cô đã nộp hồ sơ chuyển sang lớp chuyên tiếng Trung vì muốn thử sức với một ngôn ngữ mới.

Năm lớp 12, sau khi giành giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Trung, Linh được tuyển thẳng vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

"Giây phút bước chân vào cổng trường Nhân văn, mình không hề biết rằng tất cả những gì đang chờ đợi phía trước là một thời sinh viên không thể viên mãn hơn", Linh tâm sự.

Theo kế hoạch ban đầu, Linh đăng ký chuyên ngành Trung Quốc học. Tuy nhiên, sau kỳ đầu tiên, cô cảm thấy nền tảng tiếng Trung của mình có thể giúp cho việc học Kanji (Hán tự) trong tiếng Nhật dễ dàng hơn. Không chần chừ, Linh chuyển sang ngành Nhật Bản học.

Nhờ thành tích học tập tốt cùng năng lực ngoại ngữ, cô được tiến cử tham gia chương trình trao đổi sinh viên năm học 2017-2018 giữa ĐH Tokyo và ĐH Quốc gia Hà Nội do quỹ Sato Yo (Nhật Bản) tài trợ toàn phần.

"Mình vốn luôn mơ ước được trải nghiệm môi trường nước ngoài và áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế nên đã nắm ngay lấy cơ hội này", cô nói.

Phạm Khánh Linh làm phiên dịch viên trong một cuộc họp của Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Linh cho hay chương trình tại Nhật được giảng dạy bằng cả tiếng Anh và Nhật. Thời gian đầu, cô gặp khó khăn ở những môn dạy bằng tiếng Nhật và không thể theo kịp bài giảng trên lớp.

Không bỏ cuộc, Linh học từ vựng mỗi ngày, tranh thủ ôn tập kiến thức mọi lúc mọi nơi, đến thư viện tìm kiếm tài liệu và đọc trước nội dung của bài mới.

"Sau khoảng 3-4 tháng học ngày học đêm thì mình cũng bắt kịp được các bạn cùng lớp và đạt điểm A ở tất cả môn mà mình đăng ký tại ĐH Tokyo", cô nhớ lại.

Cuối tháng 2/2018, Linh giành giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Nhật dành cho du học sinh do quỹ SISF tổ chức tại Nhật Bản. Từ câu chuyện của bản thân khi là con gái nên phải chịu áp lực từ những tiêu chuẩn truyền thống, phần thi của nữ sinh đã chinh phục ban giám khảo.

Học ngoại ngữ không cần năng khiếu


Dù thành thạo 4 thứ tiếng nước ngoài, Linh bất ngờ tự nhận bản thân là người không có năng khiếu học ngoại ngữ. Giai đoạn đầu tiếp cận với tiếng Anh, Trung, Nhật hay Pháp, nữ sinh nói cô đều gặp khó khăn và không ít lần muốn bỏ cuộc.

Linh cho rằng việc bắt đầu với một ngôn ngữ mới cần kiên trì, bền bỉ và quan trọng là bản thân phải yêu thích thứ tiếng, nền văn hóa của quốc gia mình đang tìm hiểu.

Linh cho rằng việc học ngoại ngữ phải kiên trì chứ không phụ thuộc vào việc có năng khiếu.

Khi được hỏi về phương pháp học ngoại ngữ, Khánh Linh chia sẻ: "Mình không phù hợp với cách học ngữ pháp, từ vựng truyền thống. Thay vào đó, mình tiến bộ nhiều nhất thông qua việc dành khoảng 2 tiếng mỗi ngày để đọc và nghe các tài liệu dành cho người bản xứ. Nếu mới học cơ bản thì mình sẽ tìm đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình có phụ đề dành cho các em mẫu giáo và từ đó nâng dần độ khó".

Nhờ chăm chỉ và có kế hoạch học tập cụ thể, Linh hiện có trong tay chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT 111/120, tiếng Nhật JLPT N1 và tiếng Pháp DELF B2.

Dù đã đạt đến trình độ nhất định, Linh thừa nhận đôi lúc bản thân vẫn bị "đơ" khi phải chuyển đột ngột giữa các ngôn ngữ với nhau.

"Tiếng Trung và tiếng Nhật đều dùng chữ Hán nên thỉnh thoảng mình đang đọc tiếng Nhật nhưng lại chỉ nhớ cách phát âm chữ đó bằng tiếng Trung và ngược lại", nữ thủ khoa nói.

Linh cho biết trong những ngoại ngữ đã học, cô ấn tượng nhất với tiếng Nhật. Đây là ngôn ngữ từng khiến Linh căng thẳng đến mức muốn bỏ cuộc, nhưng đồng thời cũng là thứ tiếng gắn bó với cô trong suốt quãng đời sinh viên.

Hiện Phạm Khánh Linh làm biên dịch tư liệu lịch sử cho thư viện Nguyễn Văn Hưởng - Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. Thời gian sắp tới, cô dự định nộp hồ sơ xin học bổng du học thạc sĩ tại Nhật Bản hoặc châu Âu.

Theo  Zing