"Âm nhạc là một câu chuyện...", Nghệ sĩ Võ Vân Ánh trải lòng. (Nguồn: Asia Society)
Những ngày cuối năm 2018, nghệ sĩ Võ Vân Ánh trở về quê hương để góp mặt trong hai buổi công diễn khá đặc biệt: Lễ hội âm nhạc Bridge Fest 2019 tại Hà Nội và Soul Live Project Complex tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với ban nhạc Blood Moon Orchestra, Vanessa Vo đã mang đến sự giao thoa âm nhạc Đông - Tây, kết hợp giữa âm nhạc dân tộc Việt Nam với rap và breakdance để tạo ra một không gian âm thanh mới lạ.
Hội nhập cho nhạc cụ dân tộc
Võ Vân Ánh từng là một nghệ sĩ đàn tranh tài năng của Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay) và đã đoạt giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc năm 1995. Năm 2001, khi chị theo chồng sang Mỹ định cư, nhiều người hâm mộ đã tiếc nuối cho một tài năng âm nhạc trong nước. Tuy nhiên, chính những năm tháng nơi xứ người đã giúp chị có nhiều cơ hội hơn để quảng bá âm nhạc Việt Nam cũng như đưa tiếng đàn tranh của mình đi xa hơn ra thế giới.
Để tìm hướng phát triển mới cho đàn tranh ở nước ngoài, Võ Vân Ánh đã cộng tác với hàng loạt nghệ sĩ quốc tế như Yo-Yo Ma, Quartet Kronos, Oakland Symphony và trình diễn âm nhạc của mình tại các sân khấu danh giá như Carnegie Hall, Zellerbach Hall, Lincoln Center, Kennedy Center… Năm 2012, khi tham gia biểu diễn tại Thế vận hội Olympic tại Anh, tạp chí London City Night đã dành cho chị những lời khen sau màn trình diễn cùng nhóm Kronos Quartet: “Một nghệ sĩ đàn tranh với tiếng đàn tuyệt vời, đầy mê hoặc cùng lối trình diễn thú vị...”.
Không chỉ chơi đàn tranh, Võ Vân Ánh còn có khả năng chơi đàn tam thập lục, đàn bầu, T’rưng, K’lông pút và trống dân tộc. Bởi vậy, chị đã mạnh dạn kết hợp những âm thanh độc đáo của nhạc cụ dân tộc này với âm nhạc đương đại để khởi tạo tác phẩm mới. Tuy nhiên, những chuyến lưu diễn khắp thế giới cũng giúp chị nhận ra hạn chế trong cây đàn của mình và tìm cách khắc phục nó.
Với Võ Vân Ánh, đàn tranh là một nhạc cụ mạnh, có thể thể hiện đa dạng những sắc thái tình cảm nhưng nó cũng có hạn chế là hay bị lạc dây khi chơi chung với dàn nhạc rock, jazz. Để hạn chế nhược điểm ấy, chị đã về Việt Nam tìm gặp nghệ nhân đóng đàn Phùng Tân Tuyên để nghiên cứu, chỉnh sửa độ cong, chất liệu dây, vị trí con nhạn. Giờ đây, chị đã có được cây đàn ưng ý để yên tâm chơi rock, jazz, breakdance...
Dù bận rộn với những buổi biểu diễn nhưng Vanasse Vo vẫn dành thời gian dạy đàn cho con em các gia đình Việt kiều và người nước ngoài để truyền tình yêu đàn tranh đến với nhiều người hơn.
“Nếu muốn tiến xa, hãy đồng hành”
Có một câu nói mà Võ Vân Ánh cùng ban nhạc Blood Moon Orchestra luôn tâm niệm “If you want to go fast, go alone. If you want to far, go together' (Tạm dịch: Nếu bạn muốn đi nhanh hãy bước một mình. Nếu bạn muốn tiến xa, thì hãy đồng hành). Vì vậy, dù còn nhiều khoảng cách về ngôn ngữ hay phong cách nhạc nhưng chị cùng các thành viên vẫn tìm mọi cách để làm việc cùng nhau.
Mới đây, tại sự kiện âm nhạc Bridge Fest 2019 ở Hà Nội, tiếng đàn của chị cùng ban nhạc đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả khi kết hợp âm nhạc dân gian với âm nhạc hiện đại. Người nghe tại Hà Nội đã rất hào hứng trước những thanh âm kỳ lạ, mới mẻ của đàn tranh, đàn bầu, đàn T'rưng khi được hòa quyện với tiếng trống, ghi-ta điện... Sự hòa quyện tuyệt vời đó đã chứng minh rằng nhạc cụ truyền thống Việt Nam hoàn toàn có thể hòa điệu nhịp nhàng với các bước nhảy hip-hop cùng những bản rap hiện đại, sôi động.
Cũng theo Võ Vân Ánh, mỗi thế hệ có một quan điểm riêng và nhiều hình thức thể hiện nhưng giá trị âm nhạc là không thay đổi. Khi sáng tạo nghệ thuật, chị không áp đặt cách nhìn và cả gu thưởng thức vào tất cả các đối tượng. Chị trân trọng cả giá trị truyền thống lẫn cảm xúc hiện đại và mong muốn kết hợp hài hòa hai yếu tố đó. Đây cũng là lý do khiến âm nhạc của chị nhận được sự ủng hộ của người nghe, đặc biệt là là giới trẻ.
Hiện tại, ba mảng hoạt động lớn mà Võ Vân Ánh tập trung là biểu diễn, sáng tác và giảng dạy để có thể giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới, chuyển tải suy nghĩ, xúc cảm của chính mình, cũng như gìn giữ văn hóa dân tộc cho những thế hệ kế tiếp.
“Âm nhạc là một câu chuyện và để tìm đến những điểm chung, mình phải biết cách đối thoại. Tôi đã từng lưu diễn qua hơn 20 nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ quốc tế và điều quan trọng nhất khi làm việc với những người nổi tiếng, có tên tuổi là tôn trọng mình và tôn trọng người. Phải khẳng định được mình là ai, gốc của mình ở đâu, cũng như phải biết lắng nghe và chia sẻ”, Võ Vân Ánh trải lòng.
Võ Vân Ánh tham gia viết nhạc phim cho bộ phim tài liệu “Daughter From Danang” từng được đề cử giải Oscar năm 2003; đoạt giải Emmy với nhạc phim “Bolinao 52” năm 2009. CD "Three Moutain Pass" của chị đoạt Top 10 những CD hay nhất thể loại world music tại Mỹ và Top 50 những CD hay nhất của tất cả các thể loại âm nhạc tại Mỹ năm 2013. Chị là giám khảo của Giải thưởng âm nhạc Grammy năm 2014, 2016 và 2018. |
Theo baoquocte