leftcenterrightdel
 Những "bóng hồng" quyền lực nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Theo thống kê, tính đến hết phiên giao dịch 11/8/2023, tổng tài sản của 10 người phụ nữ giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam là 94.144 tỷ đồng, tăng mạnh gần 15.000 tỷ đồng so với năm ngoái 79.374 tỷ đồng. 

Danh sách top 10 gần như không có quá nhiều biến động, cụ thể, top 6 giữ nguyên vị trí so với năm 2022, 4 vị trí chốt danh sách top 10 có sự xáo trộn.

Giữ vị trí quán quân vẫn là CEO VietJet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà sở hữu tài sản cán mốc 22.039 tỷ đồng đến từ mã cổ phiếu HDB (Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh) và VJC (CTCP Hàng không VietJet). Con số này giảm nhẹ 5,7% so với năm 2022.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo 

Bà là nữ tỷ phú Việt Nam duy nhất trong danh sách tỷ phủ thế giới năm 2023 được Forbes công bố. Ngoài điều hành VietJet Air, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến là Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Sovico, Chủ tịch HĐTV CT TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Đứng vị trí á quân là phu nhân tỷ phủ Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vingroup), bà Phạm Thu Hương, hiện bà đang đảm nhiệm chiếc "ghế nóng" Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Tính đến hết phiên 11/8, tài sản tại sản của bà đạt mốc 12.337 tỷ đồng với mã cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup.

4 vị trí tiếp theo trong top 6 thuộc về những nhân vật khá "kín tiếng", ít hoặc chưa từng xuất hiện trước công chúng.

Xếp thứ 3 là bà Vũ Thị Hiền, phu nhân tỷ phú thép Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát). Bà sở hữu mã cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát), tổng giá trị là 11.815 tỷ đồng.

Kế tiếp là bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Phạm Thu Hương. Giống với người chị của mình, bà sở hữu mã cổ phiếu VIC, tổng tài sản đạt 8.239 tỷ đồng. Ngoài ra, bà cũng được biết tới là Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup

2 vị trí còn lại trong top 6 là cặp "mẹ chồng - nàng dâu" Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - nơi ông Ngô Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT. Lần lượt là bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Ngô Chí Dũng) sở hữu 7.188 tỷ đồng với cổ phiếu VPB và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Ngô Chí Dũng) sở hữu 7.169 tỷ đồng cũng từ mã cổ phiếu VPB.

leftcenterrightdel
Top 10 có xu hướng tăng tài sản chứng khoán (nguồn: Tổng hợp) 

Đứng vị trí thứ 7 là bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, phu nhân Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), vươn lên 2 bậc so với năm ngoái. Tổng tài sản trên sàn của bà cán mốc 6.423 tỷ đồng ở 2 mã cổ phiếu MSN (Tập đoàn Masan), TCB (Ngân hàng Tecombank).

Vị trí thứ 8 là bà Nguyễn Thị Nga khi sở hữu 6.414 tỷ đồng trên sàn ở mã cổ phiếu SSB (Ngân hàng Đông Nam Á), vị trí này lùi lại 1 bước so với năm 2022 (ở vị trí thứ 7). 

Bà Nga được biết đến là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn BRG, Chủ tịch HĐQT CTCP Intimex Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Dịch vụ Hà Nội và giữ chức điều hành ở một số công ty khác.

2 vị trí cuối cùng trong danh sách 10 người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán tiếp tục đến từ 2 cổ đông lớn của ngân hàng VPBank. 

Vị trí thứ 9 là bà Kim Ngọc Cẩm Ly, phu nhân Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân. Bà đang sở hữu mã cổ phiếu VPB, tài sản đạt mốc 6.305 tỷ đồng.

Cuối cùng là bà Lý Thị Thu Hà, mẹ ông Lô Bằng Giang (Phó Chủ tịch HĐQT VPBank). Bà đang nắm giữ 6.206 tỷ đồng của cổ phiếu VPB.

Như vậy, sau 1 năm, top 6 vẫn giữ nguyên vị trí so với năm 2022. Dù tài sản có giảm nhẹ so với năm trước, song bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu, tạo ra khoảng cách khá lớn với các "bóng hồng" trong nhóm.

4 vị trí còn lại có sự xáo trộn nhẹ. Bà Trương Thị Lệ Khanh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vĩnh Hoàn) không còn nằm trong top 10, điều này giúp 2 cổ đông lớn "nhà VPBank" đều cùng đứng trong top 10 ở vị trí thứ 9 và 10. Ngoài ra, "họ nhà VPBank" sở hữu nhiều thành viên xuất hiện trong danh sách nhất khi có tới 4/10 vị trí đều đến từ mã cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP VPBank (tại vị trí 5,6,9,10).

Minh Anh