Năm 2020, khi đang là sinh viên năm cuối, Khương Sao Mai được nhà trường cử đi trao đổi sinh viên tại Hàn Quốc với học bổng 100%. Trở về từ chuyến du học 5 tháng, với vốn tiếng Anh IELTS 7.0, em tiếp tục tham gia chương trình giao lưu với sinh viên quốc tế.

Khương Sao Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khương Sao Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mai từng nghĩ profile của mình trong thị trường lao động không tồi nên muốn đi làm sớm. Trong thời gian chờ bằng, Mai nộp hồ sơ vào vị trí Marketing cho một nhãn hàng cà phê ở Sài Gòn và được nhận. Sau cuộc phỏng vấn ngắn với nhân sự, em lên máy bay Nam tiến vào tháng 10/2020. Một tháng sau, em được phân công: ra chợ bán cà phê.

"Em phát khóc vì không chấp nhận nổi việc mình học giỏi lại đi làm công việc phổ thông", Mai, 22 tuổi, hiện sống ở quận Tân Phú, nhớ lại.

Với Mai, bán hàng dạo là một thử thách. Lúc đầu Mai nghĩ chỉ đi hỗ trợ đội PG (Promotion Girl - nhân viên tiếp thị) nhưng sau đó được giao KPI doanh thu mỗi sáng 2 triệu đồng, làm việc 6h30 đến hơn 12 giờ, chiều về văn phòng làm bàn giấy đến tối. Mai phải cùng đội bán hàng 6-7 người đến tất cả chợ vừa và lớn ở khắp các quận tại TP HCM.

"Em khóc suốt, tính về Bắc với bố mẹ. Nhưng một người anh học Ngoại thương khóa trên cùng công ty đã 'khai sáng' rằng đã chấp nhận vào Sài Gòn bươn chải thì cần thay đổi tư duy. Em bình tĩnh lại và chấp nhận thử thách", Mai nhớ lại.

Hôm đầu đi bán hàng, Mai dậy từ sớm, có mặt tại chợ lúc 6h30. Một tay kéo chiếc xe inox hai bánh chất đầy cà phê và ấm pha sẵn, tay còn lại Mai cầm khay đựng cốc giấy và mẫu thử. Chưa quen chào mời, lại ngại và không đủ sức kéo xe, Mai bối rối làm đổ cà phê pha cho khách. Hôm đó, Mai không đủ KPI.

Những hôm trưa nắng, Mai kéo xe chào hàng cả chục cây số, đắm chìm trong suy nghĩ rốt cuộc mình Nam tiến làm gì trong khi bạn bè thường vào đây để làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia hoặc được nhận vào các chương trình quản trị viên tập sự, sự nghiệp rộng mở. Có hôm mải nghĩ, Mai vô thức kéo xe hàng đi xa.

"Đi càng xa thì càng lắm người tò mò hỏi han rồi mua hàng. Em có lúc đã bán sạch xe hàng, dẫn đầu doanh thu, chỉ vì 'trầm cảm'", Mai tâm sự.

Sau hôm ấy, em nhận ra đi thật xa, gặp nhiều người sẽ có khách thử và mua. Cái tôi trong Mai trỗi dậy, rằng "không có việc gì mình không học được". Mai bắt đầu học cách mời chào để bán được hàng. Cô gái Hòa Bình nhận ra cơ hội để học hỏi, phát triển bản thân vẫn còn đó, cho những ai dám vượt ra khỏi vùng an toàn.

Sau những lần ra chợ bán cà phê, Mai rút ra bài học: mọi việc sẽ dễ dàng nếu được người khác quý mến; công việc dù khó và xa lạ, mình vẫn có thể tìm ra cách nếu thực sự quyết tâm.

Em tốt nghiệp Đại học Ngoại thương tháng 3/2021 với tấm bằng giỏi. Sau 5 tháng làm ở công ty cà phê, với bốn tháng đi bán hàng rong mỗi tuần ba buổi, Mai xin sang một chỗ làm khác với vị trí tốt hơn và đúng chuyên ngành. Sau một năm lăn lộn ở Sài Gòn, em bắt đầu đặt được những viên gạch đầu tiên để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mai (váy xanh) trong chuyến trao đổi sinh viên tại Hàn Quốc năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mai (váy xanh) trong chuyến trao đổi sinh viên tại Hàn Quốc năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghĩ lại những tháng ngày ấy, Mai tự hào khi dám từ bỏ cái tôi để trải nghiệm một công việc trước nay chưa từng làm và nhờ đó không còn sợ bị thử thách trong công việc.

"Cuộc sống không bao giờ như ý ta muốn. Nhưng không sao, bạn luôn có quyền lựa chọn. Nếu bế tắc vì công việc không như ý, hãy biến nghịch cảnh thành cơ hội để học một thứ hoàn toàn mới, tất cả là lựa chọn của bạn", Mai chia sẻ.

Biết chuyện của Mai, Nguyễn Diệu Hoa - một sinh viên cùng trường Ngoại thương - khâm phục nhưng cũng không quá ngạc nhiên. Ngày còn học đại học, Hoa và Mai khác lớp nhưng hoạt động chung trong câu lạc bộ truyền thông. Cựu sinh viên ngành Kinh tế Đối ngoại cho biết Mai là sinh viên giỏi, từng có thời gian du học, năng động, chăm chỉ và suy nghĩ táo bạo.

"Nhiều người có thể coi thường công việc bán hàng rong nhưng Mai chấp nhận nó như một trải nghiệm, giúp bạn có thêm kỹ năng và giúp ích cho công việc sau này", Hoa chia sẻ.

Một khảo sát của Gallup trên mẫu một tỷ lao động trên thế giới năm 2017 cho thấy, 85% số người được hỏi không hài lòng với công việc của mình, thậm chí ghét nó, chỉ có 15% là nhiệt tình với công việc. Chị Nguyễn Thái Hà, Trưởng phòng Thu hút Nhân tài của HBR Holdings, cho hay, điều quan trọng nhất với một lao động là tìm ra nghề mà bạn thấy phù hợp và muốn theo đuổi.

Chị Hà phân tích, thu nhập của công việc đầu tiên có thể thấp nhưng không sao cả, miễn là ở đó, bạn được hỗ trợ để nhìn thấy con đường mình nên đi, hiểu rõ mình phải làm gì, có thế mạnh ở đâu, xây dựng được cho mình bộ quy tắc ứng xử mà bạn cho rằng phù hợp với cá nhân mình, học hỏi được nhiều kiến thức mới... thì đó là "việc tốt".

"Nếu bạn mới ra trường, theo quan điểm của tôi, 'việc tốt' là nơi giúp bạn hoàn thiện được những phẩm chất cốt lõi của một ứng viên cho công việc tương lai", chuyên gia tuyển dụng nói.

Theo vnexpress