Từ bỏ "giấc mơ Mỹ"
Tốt nghiệp cử nhân ở Anh và trở về Việt Nam cuối năm 2017, Trang ấp ủ dự định sang Mỹ học thạc sĩ. Trong 1 năm nghỉ ngơi, cô đã hoàn thành hồ sơ và chỉ đợi tới ngày phỏng vấn. Tuy nhiên, cô lại quyết định từ bỏ "giấc mơ Mỹ" ngay trước ngày phỏng vấn để quyết định lập nghiệp tại một nơi đảo xa cách nhà cô tới 2.000 cây số.
"Du học thạc sĩ là ước mơ và dự định của Trang, đồng thời là mong muốn của mẹ, thậm chí mẹ còn hy vọng mình có cơ hội định cư sinh sống và làm việc ở nước ngoài; còn bố Trang lại ủng hộ việc mình ở Việt Nam hơn vì sợ phải xa con gái. Tuy nhiên, khi nghe con quyết định ra Phú Quốc mở homestay và bắt đầu từ căn nhà nhỏ, bố mẹ cực kỳ lo ngại, sợ mình không chịu được khổ và sẽ bỏ cuộc giữa chừng", Trang tâm sự.
Sang Mỹ du học vốn là ước mơ của nhiều bạn trẻ, bao gồm cả Trang. Cô cho hay tại thời điểm quyết định từ bỏ "giấc mơ Mỹ", cô có một chút tiếc nuối vì bản thân Trang đã "ôm ấp" dự định học Thạc sĩ từ lâu. Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng có đánh đổi. Thời điểm hiện tại, Trang tự tin "được làm công việc yêu thích, xây dựng hoạt động kinh doanh riêng, độc lập tài chính, với những điều kiện như vậy, mình có thể sắp xếp đi Mỹ bất cứ lúc nào". Thậm chí, suy nghĩ của Trang đã thay đổi nhiều, "đi Mỹ với Trang có lẽ không còn là cơ hội vì không đi lúc này, có thể đi lúc khác, nhưng khởi nghiệp Homestay Xóm Chài thời điểm đó là cơ hội, mình nên bắt đầu càng sớm càng tốt".
"Tận dụng" thời gian bươn chải ở Anh vài năm, Trang tiết lộ ưu điểm của bản thân, không ngại khó khăn thử thách, không ngại sống thử ở một vùng đất mới, và "sành" ngoại ngữ giúp cô không lo ngại khi lần đầu thử sức với ngành du lịch. Hơn nữa, ngành học Quản trị kinh doanh quốc tế ở Anh giúp cô trải nghiệm hầu hết các môn học liên quan tới kinh doanh như tài chính, nhân sự, marketing... tuy không chuyên sâu.
Cô vui vẻ nhận ra bản thân đã có nhiều biến chuyển mới: "Làm thực chiến lúc nào cũng khác hơn rất nhiều so với việc học lý thuyết trên trường. Được va chạm nhiều vùng đất và nền văn hoá khác biệt thực sự đã làm thay đổi mình, đặc biệt là nhận thức và tư duy du lịch. Sống ở nước ngoài không quá lâu nên khi trở về nước, may mắn là mình không bỡ ngỡ với văn hóa Việt Nam".
Con đường lập nghiệp nhiều lý tưởng
Biết bố mẹ xây một căn nhà nghỉ dưỡng gần biển trong một khu dân cư Phú Quốc, Trang liền nảy ra ý tưởng và đề xuất với bố mẹ muốn thuê lại căn nhà của chính gia đình mình để kinh doanh. Nhìn thấy quyết tâm lớn cũng như kế hoạch vạch ra của con gái, bố mẹ Trang sau đó đã ủng hộ hết mình, thậm chí bố cô còn hỗ trợ kỹ thuật xây dựng trong quá trình mở rộng Chill House thời gian đầu.
Trang chia sẻ về khó khăn: "Đất ở đây sát biển nên khi xây dựng căn đầu tiên, bố mình vẫn chưa có kinh nghiệm nhiều. Ban đầu, vì đã sử dụng những vật liệu chưa hợp lý nên mình mất khá nhiều thời gian để chỉnh sửa lại, khâu vận hành vì thế cũng vất vả hơn, đặc biệt khi mùa bão tới, việc kè chắn ở biển phải rất cẩn thận, nếu không cũng rất nguy hiểm."
Thêm nữa, cô kể rủi ro ban đầu khi tới đây quan sát, khu Xóm Chài vẫn chưa phải khu vực dành cho khách du lịch, đường vào còn là đường đất, chưa có đèn đường, chưa nhận được quan tâm nhiều và bất động sản ở đây cũng không thuộc tài sản của gia chủ. Trang cho hay, một số căn cô thuê sẵn nhà nhưng có căn cô phải đi thuê đất, vay vốn để xây dựng nhà trên đất. Bên cạnh đó, khu Xóm Chài có thể nằm trong dự án resort trong tương lai, nên không được đảm bảo về độ ổn định trong tương lai. Vì vậy, Trang chính là người tiên phong "dám làm, dám chịu" của khu Xóm Chài.
"Cách đây 2 năm, Khu Xóm Chài còn chưa phải khu du lịch nên khách cũng chưa quen, đường vô cũng không dễ dàng như bây giờ. Ý thức về bảo vệ môi trường và tư duy du lịch của người dân còn chưa có nên mình cần kiên trì để cải thiện và thay đổi tư duy mọi người dần dần, thậm chí đến tận bây giờ vẫn đang nỗ lực để thay đổi. Hơn nữa, vì mình chưa có kinh nghiệm xây nhà sát biển nên phát sinh khá nhiều vấn đề, đặc biệt mùa mưa bão nếu không được kè chắn cẩn thận sẽ nguy hiểm, nhà gần biển nên tất cả đồ vật cũng khấu hao nhanh hơn", Trang chia sẻ về những khó khăn.
Hơn nữa, với mong muốn đưa bản sắc địa phương vào sản phẩm kinh doanh của mình nên cô đưa ra tiêu chí tuyển dụng tìm những nhân viên địa phương thuộc khu Xóm Chài. Tuy nhiên, đây cũng là thử thách ban đầu vì nhân viên địa phường hầu hết đều là cô chú anh chị hàng xóm, còn Trang là người ở xa mới tới, lại là người miền Bắc, chưa thể hiểu hết văn hóa và lối sống nơi đây. Sau một thời gian cùng làm việc, Trang cho hay các nhân sự đều đã rạch ròi được giữa công việc và cuộc sống thường ngày, có trách nhiệm trong công việc, cũng như chủ động hỗ trợ "cô chủ nhỏ" khá nhiều.
Tháng 11/2019, căn homestay ban đầu của Trang chỉ bao gồm 4 phòng, sau đó được mở rộng thành 4 khu với tổng cộng 18 phòng. Giá phòng dao động 650.000-1.000.000 đồng/đêm. Mỗi căn phòng được thiết kế đơn giản với mong muốn du khách sẽ được trải nghiệm một không gian gần gũi giống như những căn phòng của người dân làng chài, tầm nhìn ra ghe tàu cá Phú Quốc. Điểm thú vị của những căn homestay này là du khách có thể hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương, có thể mua hải sản tươi sống ở chợ dân sinh ngay trước cửa nhà mở từ 5-8h.
Nỗ lực vì giấc mơ lớn hơn
Không chỉ chăm lo cho hoạt động kinh doanh của riêng mình, 9X Hà Nội còn mong muốn cổ vũ người dân địa phương cùng phát triển du lịch ở nơi đây vừa để tăng thêm thu nhập cho người dân vừa để quảng bá vẻ đẹp của Phú Quốc tới nhiều du khách. Đối với Trang, Phú Quốc là một hòn đảo đặc biệt và vô cùng xinh đẹp về cả cảnh quan, thời tiết, địa hình và con người với các loại hình du lịch cực kì đa dạng. Cô nhận thấy nơi đây không chỉ có tiềm năng du lịch mà còn rất đáng sống.
Cô tâm sự: "Quả thật, việc cổ vũ người dân địa phương làm du lịch khó biết bao, mình thành lập Xóm Chài không vì lợi nhuận riêng đâu, quan trọng là mọi người có hiểu để ủng hộ mình không. Cho nên, nếu không được như mình tưởng tượng thì mình vẫn vui vì mình đã cố gắng kết nối cộng đồng. Nhà hàng xóm nếu cần hỗ trợ làm homestay, cần vận hành, mình luôn sẵn sàng hỗ trợ. Du lịch sẽ làm thay đổi tư duy của cả cộng đồng, điều này đã được khẳng định cho sự thay đổi của Xóm Chài trong 2 năm qua.
Cái khó ở đây không phải vấn đề tài chính, mà cần thời gian và sự thay đổi nhận thức tư duy du lịch của người dân địa phương. Mọi người bắt đầu quan tâm khu Xóm Chài mình thấy vui lắm, có anh chị bạn khi tới đây còn muốn đầu tư để mình khai thác dịch vụ ở khu, nhưng mình từ chối liền vì như Trang nói: cái khó ở đây là tư duy của cộng đồng."
Thời gian đầu, nhiều người "hiểu lầm" Trang khi cô từ bỏ quyết định đi du học, bản thân cô cũng tủi thân khi lần đầu lập nghiệp xa nhà. Còn ở thời điểm hiện tại, cô thấy mình trưởng thành hơn nhiều, có nhân viên, bạn bè ở Phú Quốc, xây dựng được cuộc sống tự do, có thời gian đi kết nối thêm để tìm cơ hội mới. Nhìn thấy những sự thay đổi tích cực từng ngày của khu Xóm Chài và sự yêu thích của mọi người dành cho Chill House, cô tìm thấy sự lạc quan và có nhiều động lực để phát triển hơn nữa.
"Những gì Trang làm, nếu bạn thực sự có đam mê, kiên trì, chịu khó, và một chút chiến thuật, thì bạn cũng sẽ làm được. Ai cũng sẽ có một ngách công việc mình giỏi và thực sự yêu thích, Trang may mắn tìm ra sớm và biết nắm bắt được cơ hội. Rất khó khăn, vất vả đấy, nhưng mình phải chịu thôi. Khi còn trẻ bản thân mình muốn độc lập, cũng chưa thể có nhiều vốn để mở lớn, mình sẽ phải lựa chọn một ngách nhỏ với chi phí thấp hơn để khởi nghiệp rồi đi dần lên, đương nhiên kết hợp cả yếu tố tiềm năng và tình cảm cho mảnh đất này để mình bỏ công sức tạo dựng", Trang đưa ra lời khuyên.
Theo toquoc.vn