Đã thành lệ, mỗi ngày trước khi rời khỏi nhà, Đỗ Tây Hà thường trang điểm. Cô nhìn ngắm mình trong gương, cười mãn nguyện vì không cần phải đội tóc giả như trước. Nhìn Hà nữ tính, người đối diện không còn nhận ra nét đàn ông. Nếu không kể, ít ai biết cô gái mang giới tính nam, tên khai sinh Đỗ Minh Tiến.
Cô gái 1,75 m đang chuẩn bị để tham gia cuộc thi Hoa hậu chuyển giới tại Thái Lan vào tháng 3 năm sau. Hà cho biết đây không phải lần đầu tham gia cuộc thi sắc đẹp, nhưng ở cuộc thi lớn, cô chịu nhiều áp lực tâm lý hơn.
Tây Hà nhận thức về giới tính của mình từ năm 15 tuổi, thích làm điệu, trang điểm, hay bị trêu chọc là ẻo lả. Gia đình Hà khi đó hướng cô chơi các môn thể thao hay học võ để nam tính hơn. Hà chấp nhận để bố mẹ không phiền lòng.
"Chỉ cần bản thân tôi hiểu mình là con gái thì mọi lời dị nghị đều trở thành vô nghĩa", Hà chia sẻ.
Tây Hà trước khi chuyển giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp
19 tuổi, Hà rời quê Tây Ninh lên Sài Gòn học đại học ngành quản trị kinh doanh. Ở môi trường mới, Hà bắt đầu tập tành làm con gái, đội tóc giả, mặc váy, tô son, đánh phấn, độn ngực. Giai đoạn nuôi tóc dài cũng đầy thử thách. Hà học cách chăm sóc tóc bằng dầu xả, dầu ủ và chải đầu nhiều hơn để tóc được mượt mà.
Sau đó, Hà dùng hormone để cơ thể thêm mềm mại, cải thiện giọng nói. Song, chỉ sửa bên ngoài thì không thay đổi được nhiều. Hà quyết tích góp tiền để phẫu thuật chuyển đổi ngoại hình.
Thông thường, người chuyển giới từ nam sang nữ sẽ trải qua ít nhất hai ca đại phẫu, bao gồm nâng ngực và tạo hình cơ quan sinh dục nữ. Ngoài ra, họ phẫu thuật thẩm mỹ như bơm môi, cắt mí, độn cằm, hạ xương gò má... để có vẻ ngoài nữ.
Năm 2017, Hà thi "Hoa hậu chuyển giới Miss Venus", giành ngôi vị Á hậu, giải thưởng là một gói phẫu thuật thẩm mỹ giúp Hà hiện thực ước mơ của mình.
Ngày vào phòng mổ can thiệp ngực, Hà có chút lo sợ. Sau cô tự trấn an, an toàn trải qua ca mổ. Giải tỏa tâm lý giúp Hà có động lực tiến hành đại phẫu cơ quan sinh dục.
"Sau hai cuộc đại phẫu, tôi mừng vì vẫn còn sống", Hà nhớ lại.
Cuộc đời cô bước sang trang mới. Song, Hà chia sẻ: "Thế nhưng không phải cứ chuyển giới thành công là cuộc sống sẽ trở nên màu hồng".
Sau chuyển giới, Hà làm mẫu ảnh cho nhiều shop thời trang, thêm thu nhập. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hà cho biết, người chuyển giới rất khó xin việc vì giấy tờ và hình dáng bên ngoài khác biệt. Nhiều người chấp nhận làm công việc nặng nhọc để mưu sinh, như Hà vẫn phải nghe lời kỳ thị từ người khác. Vì vậy, cùng một mục tiêu, song Hà phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần người khác mới đạt được.
Tình yêu của người chuyển giới cũng gặp nhiều trắc trở hơn khi định kiến xã hội vẫn còn. "Người ta nói chúng tôi chỉ là cô gái nhân tạo, không thể sinh con cũng như mang lại một gia đình trọn vẹn", Hà bộc bạch.
Để vượt qua những rào cản xã hội, cô gái nỗ lực học hết đại học, học thêm tiếng Anh để tự mở thêm cơ hội cho mình.
"Tôi muốn dùng kiến thức của mình để người thân, bạn bè và cả cộng đồng hiểu người chuyển giới không hề mắc căn bệnh gì về giới tính. Họ là những người rất bình thường, có nhiều người có năng lực, có ý chí và sẽ có tương lai nếu cố gắng", Hà nói.
Hà tham gia tổ chức bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT, hỗ trợ cộng đồng người chuyển giới hiểu về bản thân. Quen biết nhiều người hơn, Hà không cảm thấy lạc lõng vì nghĩ mình khác biệt.
Tây Hà đang tích cực tập luyện để dự thi cuộc thi Hoa hậu chuyển giới tại Thái Lan vào tháng 3/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau phẫu thuật chuyển giới, Hà mới về thăm quê. Cả gia đình và người quen đều ngỡ ngàng vì không nhận ra Đỗ Minh Tiến đen nhẻm trước đó. "Có người chấp nhận, người không, còn mẹ khóc nhiều lắm", Hà nhớ lại. Cô khẳng định với người thân rằng dù ở hình hài nam hay nữ cũng sẽ sống tốt và sống có ích.
Với Hà, cuộc thi Hoa hậu chuyển giới sắp tới là cơ hội, cũng là cách cô muốn tiếp thêm động lực cho những người đang loay hoay tìm cách sống thật với chính mình.
"Nếu vương miện gọi tên Tây Hà thì hạnh phúc, nếu không, tôi cũng mãn nguyện bởi chưa từ bỏ cơ hội nào để được khẳng định chính mình", Hà nói.
Theo vnexpress