Các đại biểu tại Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA- 37).

Với tư cách là trưởng đoàn đại biểu của Việt Nam, phát biểu trong phiên họp toàn thể thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam gửi lời chào trân trọng tới ngài Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện nước chủ nhà Myanmar, Chủ tịch AIPA-37 Mahn Win Khaing Than; Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi và các Chủ tịch, Phó Chủ tịch các nghị viện thành viên AIPA, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Tổng Thư ký ASEAN, các vị đại biểu và thông qua các đại biểu chuyển những tình cảm hữu nghị nồng thắm của nhân dân Việt Nam tới Quốc hội và những công dân khác của ASEAN. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điểm lại tình hình thế giới trong năm qua với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình an ninh chính trị bị đe dọa nghiêm trọng bởi chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, tranh chấp lãnh thổ và biên giới, an ninh hàng hải và các mối thách thức an ninh phi truyền thống, tốc độ phát triển kinh tế chậm lại và bất ổn định.

Mặc dù vậy, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia. Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng chứng tỏ là một khu vực quan trọng, duy trì được sự ổn định và tiếp tục là động lực phát triển chính của nền kinh tế thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại châu Á, Cộng đồng ASEAN đã chính thức hình thành, trở thành một nhân tố tích cực định hình cấu trúc khu vực, tăng cường kết nối và gắn kết lợi ích. Trong tiến trình phát triển của mình, đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng, Cộng đồng ASEAN cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, khẳng định vai trò trung tâm trong giải quyết mọi vấn đề khu vực. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Mặc dù chúng ta nhấn mạnh tính đa dạng trong ASEAN, chúng ta cần tôn trọng xu hướng phát triển chung và ý kiến đa số của các thành viên ASEAN, tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và củng cố lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau đồng thời hài hòa với lợi ích chung của ASEAN. Đó là những nguyên tắc then chốt vì hòa bình, thịnh vượng và bền vững".

Phát biểu ghi nhận những thành tựu to lớn của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc giữ vững hòa bình, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những thách thức chung như nạn khủng bố, tình hình ở Biển Đông, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ hoan nghênh kết quả các Hội nghị ASEAN, trong đó có Hội nghị Ngoại trưởng AMM-49, nhấn mạnh các giải pháp hòa bình đối với vấn đề Biển Đông, trong đó tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chung đã được ASEAN và các bên thông qua như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Các đại biểu tại Đại hội đồng AIPA-37

Ngày nay, những công dân ASEAN đang gánh vác một trọng trách là xây dựng một Cộng đồng ASEAN tiến bộ. Một cộng đồng dựa trên luật lệ, lấy người dân làm trung tâm, vận hành trên cơ sở pháp luật, đoàn kết, hợp tác, đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh mới. Một cộng đồng kinh tế đủ thành phần, hội nhập cao, gắn kết, cạnh tranh, toàn diện và năng động; đảm bảo an sinh xã hội, quyền con người, kiên định phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác. Đó là cái đích cuối cùng mà ASEAN đang nỗ lực vươn tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trên chặng đường đó, AIPA, với vai trò là một tổ chức liên nghị viện khu vực sẵn sàng đoàn kết và đồng hành cùng ASEAN. Gần 40 năm kể từ khi chính thức được thành lập, AIPA cũng đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, mở rộng thành viên, củng cố cơ chế hợp tác cũng như ủng hộ sát sao tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn AIPA quan tâm một số vấn đề cụ thể như sau: 

Một là, đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN và việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đoàn kết, thống nhất chung tay gìn giữ hòa bình, an ninh, ngăn ngừa nguy cơ xung đột ở khu vực; tích cực triển khai thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025.

Hai là, phối hợp triển khai Chương trình nghị sự ASEAN về môi trường bền vững và biến đổi khí hậu sau 2015, sớm thông qua và sẵn sàng thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN về hợp tác môi trường giai đoạn 2016-2025. 

Ba là, thúc đẩy Kế hoạch Hành động Chiến lược của ASEAN đối với Sự phát triển của Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đặc biệt thúc đẩy sự phát triển của các SMEs trong việc tham gia và tối ưu hóa chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao năng lực cho các doanh nhân trong việc tiếp cận các nguồn tài chính và thị trường, tiếp cận những công nghệ phù hợp và thân thiện với môi trường. 

Bốn là, tăng cường hợp tác về công nghệ thông tin trong ASEAN, khu vực và toàn cầu, hợp tác với các đối tác đối thoại để tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, tài chính nhằm nâng cao năng lực quốc gia thích ứng với thời đại Khoa học-Công nghệ mới (4.0) và ứng phó với các thách thức an ninh mạng.

Năm là, đẩy mạnh quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của ASEAN và việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; khuyến khích người dân tham gia tiến trình xây dựng bản sắc chung ASEAN và Cộng đồng ASEAN; khuyến khích người dân hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm thành lập AIPA trong năm 2017. 

Sáu là, AIPA nói chung và các Nghị viện thành viên AIPA nói riêng tạo thuận lợi đối với việc thực hiện các thỏa thuận, văn kiện pháp lý của ASEAN, đẩy nhanh phê chuẩn và hỗ trợ thực hiện các văn kiện hợp tác của khu vực và tích cực tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh nội luật phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại AIPA- 37.

* Tối cùng ngày, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi đã chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng Đại hội đồng AIPA-37.

* Trước đó, sáng 30/9, tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) đã diễn ra phiên họp Ban Chấp hành Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Phiên họp đã mở đầu cho các hoạt động của AIPA lần thứ 37 (AIPA-37), do Myanmar đăng cai tổ chức.

Tham dự có 10 đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên AIPA gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn tham dự AIPA-37.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong.

* Chiều 30/9, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA-37), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong.

Tổng thư ký IPU Martin Chungong đánh giá cao sự đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong Tổ chức liên minh nghị viện thế giới với sự tham gia tất cả các kỳ IPU; đặc biệt trong việc đăng cai IPU 132, nhất là Tuyên bố Hà Nội đã thể hiện cam kết của các Nghị viện thành viên thúc đẩy các nước thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Singapore bên lề AIPA- 37

* Bên lề Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA- 37), sáng 30/9, tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Singapore Halimah Yacob.

 Theo TTXVN; quochoi.vn; Ảnh: Trong Đức, Đức Hiếu