Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Dấu ấn đối ngoại năm 2018
Tại buổi họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) đã thể hiện chúng ta là thành viên có trách nhiệm của LHQ. Các nước rất kỳ vọng sự tham gia của Việt Nam, nhất là ở khu vực có xung đột hay các vấn đề bất ổn xảy ra. Hình ảnh bộ đội Việt Nam với lịch sử hào hùng luôn luôn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh bộ đội mũ sao vàng Việt Nam ở các nơi cũng là đóng góp, tạo niềm tin cho họ. Sự tham gia của Việt Nam vừa thể hiện trách nhiệm, vừa đáp ứng mong mỏi, yêu cầu của những khu vực đó.

Chúng ta từng bước, từng bước tham gia, từ con số 1-2 người cho đến nay đã có 29 cán bộ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Trong năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam cử bệnh viện dã chiến cấp hai với số lượng 63 quân nhân, trong đó có 10 nữ, một hình ảnh rất đẹp. Cho đến nay, LHQ đánh giá rất cao các hoạt động của chúng ta, nhất là bệnh viện dã chiến cấp hai tại Nam Sudan, một nơi đang diễn ra chiến sự hết sức quyết liệt. Điều này thể hiện quyết định sáng suốt của chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
 
Các ‘bóng hồng’ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

Cũng tại buổi họp, Phó Thủ tướng cho biết, ông rất mê các trận đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam. “Tôi hết sức xúc động, tự hào khi đội tuyển của chúng ta giành thắng lợi. Không chỉ khi chúng ta chiến thắng ở trận chung kết mà ngay cả trong những trận thua trước những đối thủ có đẳng cấp vượt trội cũng đều cho thấy sự vươn lên bền bỉ, đặc biệt là tinh thần không khuất phục của các tuyển thủ quốc gia. Điều đó nói lên tinh thần của người Việt Nam, khát vọng của người Việt Nam, khát vọng giành chiến thắng đã lan tỏa rộng khắp trên đất nước chúng ta”.
 
Theo Phó Thủ tướng, việc đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam giành ngôi Á quân tại vòng chung kết U23 châu Á 2018 “đã tạo sự phấn khởi cho tất cả người dân nói chung cũng như những người làm công tác đối ngoại nói riêng”. Tinh thần thi đấu của các tuyển thủ quốc gia đã thể hiện bản chất, tính kiên cường và khát vọng của người Việt Nam, lan tỏa ra cộng đồng quốc tế.
 
Trong các dấu ấn đối ngoại của Việt Nam năm 2018, Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác bảo hộ công dân là một nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao, đối ngoại, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, nhất là trong tình hình đất nước hội nhập sâu rộng, quan hệ ngày càng rộng mở, nhu cầu đi nước ngoài tăng lên nhanh chóng, không chỉ người lao động. Trong năm 2018, chúng ta đã bảo hộ trên 10.000 công dân (tăng 22% so với năm 2017) từ các thuyền viên đánh bắt cá cho đến người lao động, đi du lịch, học hành…

Nhu cầu người Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng lên nhanh chóng. Không chỉ đi lao động, đi học, số người Việt Nam đi du lịch tăng do kinh tế phát triển. Do đó, công tác bảo hộ công dân càng có vai trò quan trọng bởi vì diễn ra khắp nơi trên thế giới. Tổng đài bảo hộ công dân: +84-981848484 luôn mở 24/24 và các lãnh sự sẵn sàng hỗ trợ đường dây nóng.
 
Mới đây, khi đoàn khách du lịch đi Ai Cập gặp nạn, Đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập đã chủ động bảo hộ công dân một cách nhanh chóng. Các cơ quan đại diện ở nước ngoài thường xuyên quan tâm đến giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động Việt Nam, ngay cả việc đi du lịch bất hợp pháp tại Đài Loan…  Các công dân Việt Nam ra nước ngoài trước tiên cần tôn trọng luật pháp nước sở tại, luôn được hưởng quyền bảo hộ công dân.
 
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công thăm hỏi các du khách gặp nạn cuối tháng 12/2018

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) do Việt Nam tổ chức tháng 9/2018 tại Hà Nội được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử 27 năm qua của diễn đàn này. Các sự kiện đa phương tầm vóc nói trên đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Thành công của những sự kiện đó cho thấy vai trò, vị thế và uy tín của đất nước ta đã tăng đáng kể, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.
 
Bên cạnh các đề xuất và đóng góp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế từ ASEAN đến ASEM, APEC, Liên hợp quốc... luôn được ủng hộ và đánh giá cao, Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế tín nhiệm trao thêm nhiều trọng trách đa phương quan trọng. Tháng 5/2018, Nhóm nước châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức thông qua đề cử Việt Nam là đại diện duy nhất của Nhóm ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
 
Tháng 12/2018, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL), tạo điều kiện cho chúng ta tham gia định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn đầu theo hướng phù hợp với lợi ích của đất nước.
 
Định hướng đối ngoại 2019
Phó Thủ tướng cho biết, năm 2019, chúng ta sẽ triển khai các hoạt động đối ngoại cấp nhà nước đến những nước có vai trò, vị thế quan trọng. Chúng ta tiếp tục có nhiều trọng điểm, làm sâu sắc thêm quan hệ của Việt Nam với một số nước quan trọng trên thế giới.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ với phóng viên

Năm 2019 cũng sẽ có rất nhiều đoàn vào thăm Việt Nam, cho tới thời điểm này, nhiều nước đã đề xuất thăm Việt Nam, số lượng cao hơn năm 2018 khoảng 33 đoàn. Điều đó cho thấy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước sẽ tiếp tục được củng cố. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên chúng ta triển khai chỉ thị của Ban Bí thư nâng tầm đối ngoại đa phương, thể hiện ở chỗ đi sâu, tích cực chủ động để tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương. Nếu vươn lên thì phải có những sáng kiến, đề xuất tại các diễn đàn đa phương.
 
Năm 2018, chúng ta đã có một số sáng kiến ở các diễn đàn đa phương, cho đến nay, sức thu hút rất lớn, ví dụ như diễn đàn liên quan tới cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục phục vụ phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, bảo hộ công dân, ngoại giao văn hóa…

Ngự Bình - Ảnh: Phạm Hải