Giai đoạn 1930 - 1945

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra một bước ngoặt quyết định cho phong trào phụ nữ Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một chính Đảng thấu hiểu sâu sắc tình hình, đặc điểm của phụ nữ Việt Nam và đề xuất những chủ trương đúng đắn với lực lượng phụ nữ và vấn đề giải phóng phụ nữ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức phụ nữ  tiền thân và Hội LHPN Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử đều có nhiều hoạt động để vận động, tổ chức cho phụ nữ tham gia các phong trào cách mạng của đất nước.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống lại các lực lượng thù địch ngày càng diễn ra khốc liệt, nhiều tổ chức phụ nữ được hình thành và  phát triển tại các địa phương với tên gọi “Hội Phụ nữ Giải phóng” (1930-1935), “Hội Phụ nữ Dân chủ” (1936-1938), …“Hội Phụ nữ phản đế Đông Dương” (1939), “Đoàn Phụ nữ cứu quốc”(1941)… đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp phụ nữ. Trong thực tiễn đấu tranh đã  hình thành nên những đội ngũ cán bộ phụ nữ có kinh nghiệm tổ chức vận động quần chúng, xây dựng cơ sở bí mật và lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp. Tiêu biểu là các chị: Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Thị Quế, Nguyễn Thị Thập…

Đặc biệt, trong cao trào Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945, cùng với nhân dân cả nước, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã đứng lên đánh đổ thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa phụ nữ Việt Nam từ vị trí người nô lệ, làm thuê trở thành người làm chủ đất nước, xã hội.

Giai đoạn 1945-1954 (thời kỳ đấu tranh bảo vệ chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp)

 

Đội nữ du kích Hoàng Ngân, Hưng Yên, năm 1954.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, theo lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ cả nước đã hăng hái tham gia phục kháng chiến. Bằng việc tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào “tăng gia và tiết kiệm”, “Ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu quốc”, “tuần lễ vàng”, “bình dân học vụ”, ủng hộ Nam Bộ kháng chiến…  phụ nữ góp phần quan trọng, quyết định trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc oanh liệt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

 

Nữ du kích Nam bộ.

Ngày 20/10/1946, tại Quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), Hội Phụ nữ cứu quốc Thành Hoàng (Hà Nội), thay mặt phụ nữ cả nước đã tổ chức lễ ra mắt chính thức tổ chức Hội LHPN Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Hội Phụ nữ giải phóng, Hội phụ nữ Dân chủ, Hội Phụ nữ Phản đế.... Sau đó không lâu, năm 1948, Hội LHPN Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế.

 

Sự ra đời của tổ chức Hội LHPN Việt Nam đã khích lệ, động viên các tầng lớp phụ nữ trước trách nhiệm đối với dân tộc, với phụ nữ Việt Nam và vì sự hòa bình, phát triển, tiến bộ của phụ nữ trên toàn thế giới.

Giai đoạn 1954-1975 (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước)

 

Đảm đang "tay cày tay súng".

Trong suốt 21 năm chiến đấu chống Mỹ đầy gian khổ, phụ nữ cùng nhân dân cả nước đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm.

 

Vấn đề đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước thời kỳ này luôn được Hội đặt lên hàng đầu và xuyên suốt trong quá trình hoạt động. Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần II (1956) đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội LHPN Việt Nam thời kỳ này là “ Đoàn kết phụ nữ cả nước để cùng toàn dân phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Tiếp đó, tại Đại hội III, Hội cũng xác định nhiệm vụ: “Kiên quyết tham gia đẩy mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà”. Nhiệm vụ này cũng được chỉ rất rõ trong Đại hội IV: “ Làm tròn nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt, cùng các tầng lớp nhân dân ra sức đấu tranh giữ gìn hòa bình, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”…

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cữu nước, có sự đóng góp to lớn của phụ nữ hai miền Nam Bắc. Những tấm gương tiêu biểu trong cuộc đấu tranh này mãi là những liệt nữ mà lịch sử ngàn đời ghi tên: anh hùng LLVT Hoàng Ngân, Mạc Thị Bưởi, Ngô Thị Chiên, Nữ tướng Nguyễn Thị Định…

Giai đoạn 1975-1985 (thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước)

 

Các công nhân trong một nhà máy ở miền Nam bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, ngày 25/4/1976.

Từ sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phụ nữ Việt Nam đã cùng chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng đất nước. Thời kỳ này, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “ Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với 4 nội dung: “Thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, chấp hành chính sách của Đảng, Nhà nước; sẵn sàng phục vụ chiến đấu và chiến đấu tốt, động viên con, em đi chiến đấu, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con theo 5 điều Bác Hồ dạy; đoàn kết, tương trợ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Hàng triệu phụ nữ đã đạt danh hiệu “Người phụ nữ mới xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc”. 

 

Giai đoạn từ năm 1986-nay (thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (diễn ra tại Hà Nội, ngày 12-14/3/2012) bức trướng với dòng chữ: "Phụ nữ Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển".

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, bám sát nhiệm vụ chính trị của dất nước, nhu cầu nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã năng động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức sản xuất, hài hòa giữa công tác vận động với chăm lo lợi ích thiết thực của phụ nữ. Hội đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái, tiềm năng dồi dào của các tầng lớp phụ nữ.

Các phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, “Giúp nhau phát triển kinh tế”, đặc biệt phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH – HĐH đất nước với tiêu chí đạo đức “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” được đông đảo phụ nữ mọi vùng miền tham gia, đã có sức sức lan tỏa trở thành phong trào hành động cách mạng lớn của phụ nữ.

Hình thức giúp phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu đa dạng đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung của công cuộc xóa đói giảm nghèo. Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” đã phát triển ở quy mô lớn và đa dạng hơn nhằm thực hiện tiêu chí “Không đói nghèo” của Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, giúp hội viên phụ nữ nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và những vấn đề liên quan đến phụ nữ được thực hiện bài bản và hiệu quả. Tổ chức Hội ngày càng được kiện toàn, củng cố, phát triển, phấn đấu là chỗ dựa tin cậy của các tầng lớp phụ nữ. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế ngày càng được tăng cường nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ rộng rãi của bạn bè quốc tế trong công cuộc đổi mới đất nước và sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ.

Tiếp nói truyền thống của chặng đường 85 năm vinh quang, Hội LHPN tiếp tục phấn đấu làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đoàn kết, tập hợp, vận động phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội tiếp tục làm tốt nhiệm vụ đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách, pháp luật về phụ nữ; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang; tiếp tục thực hiện thắng lợi cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tổ chức Hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình tập hợp phụ nữ, thực hiện phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội”./.

Ban Tuyên giáo TƯ Hội LHPN Việt Nam