Nguyễn Ngọc Ánh là người sáng lập một cộng đồng phi lợi nhuận mang tên Cộng đồng Xanh Việt Nam hoạt động về bảo vệ môi trường và các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Cô cũng tham gia nhiều hoạt động với các chiến dịch dọn rác lớn, nhỏ trên khắp cả nước.

Chia sẻ về việc gắn bó với công tác bảo vệ môi trường, Ngọc Ánh kể một câu chuyện khiến nhiều người trăn trở: "Năm 2019, trong một lần đi du lịch một mình tại Vũng Tàu, 4h sáng hôm đó, tôi dậy chạy bộ ra biển và đi kéo lưới cùng ngư dân. Sau đó, từ xa tôi thấy các bạn nhỏ đang xây lâu đài cát, cũng tò mò nên tôi chạy lại gần và muốn chơi cùng các bạn ấy. Nhưng khi tới nơi, tôi rất bất ngờ vì thay vì xây lâu đài bằng cát, các em nhỏ lại xây lâu đài bằng rác, bởi rác rất nhiều ngập khắp bờ biển.

Tôi thắc mắc và hỏi: "Sao các em không xây lâu đài bằng cát mà lại xây lâu đài bằng rác?". Lũ trẻ trả lời bằng ánh ngây thơ: "Em thấy cái gì thì em chơi cái đó thôi". Nghe xong tụi nhỏ nói, tự dưng tôi bỗng thấy nghẹn lòng. Trong đầu tôi chợt hiện lên những câu hỏi cho bản thân mình: Tại sao người lớn được ngắm, được vui chơi và khám phá những bãi biển đẹp, những cảnh đẹp mà sau này gánh nặng lại để lên vai các em nhỏ? Nếu như bây giờ mình không hành động thì bao giờ? Nếu không phải là mình, thì là ai đây?". Những trăn trở đó thôi thúc bản thân mình phải thay đổi, phải hành động từ những điều nhỏ nhất".

Xây “lâu đài cát”, không xây “lâu đài rác” - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên tham gia hoạt động bảo vệ môi trường

Hàng trăm bãi rác tự phát đã "biến mất"

Với vai trò là người sáng lập, Ngọc Ánh đã tổ chức các hoạt động mạnh mẽ tại 63 tỉnh/thành trong cả nước với 20 nghìn tình nguyện viên và hàng trăm cuộc ra quân hành động vì môi trường. Hàng trăm bãi rác tự phát đã "biến mất", hàng chục nghìn bao rác được thu gom…

Để cộng đồng hiểu rõ hơn về bảo vệ môi trường, Ngọc Ánh cùng nhóm đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, thuyết giảng về bảo vệ môi trường trước hơn 10 nghìn học sinh, sinh viên trên khắp cả nước.

Các chiến dịch mà Ngọc Ánh cùng nhóm tổ chức và tham gia như các chiến dịch nhặt rác trên khắp 63 tỉnh/thành và quốc tế, đổi rác lấy quà, tái chế rác thải nhựa, làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa và xây trường học cho trẻ em nghèo, làm cá bống ăn rác nhựa. Ngoài ra, các chương trình thiện nguyện như cứu trợ miền Trung, Tết yêu thương, Trung thu cho bé, Noel cho bé, tặng quà cho trẻ em nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn...

Hoạt động mà cô gái trẻ này cảm thấy ấn tượng nhất khi tổ chức và tham gia đó là chiến dịch nhặt rác Clean up Việt Nam lần thứ 3 vào ngày 5/6 vừa qua.

Xây “lâu đài cát”, không xây “lâu đài rác” - Ảnh 2.

"Chiến dịch đã lan tỏa mạnh mẽ được nhiều thông điệp tích cực đến cộng đồng và đạt những thành quả ấn tượng như: Trong cùng 1 ngày có 8.002 tình nguyện viên tham gia với 82 điểm cầu trên cả nước và 2 điểm cầu quốc tế tại Nhật Bản, Malaysia, 7.223 bao rác được thu gom với 108 tấn rác. Tinh thần yêu môi trường không chỉ gói gọn ở Việt Nam mà lan tỏa ra một số quốc gia khác, tạo tiền đề để chiến dịch sau có nhiều điểm cầu quốc tế hơn", Ngọc Ánh hạnh phúc chia sẻ.

Theo Ngọc Ánh, phương thức mà cộng đồng và các tổ chức hiện nay đang thực hiện để bảo vệ môi trường rất tốt. Họ đã và đang kết hợp cùng chính quyền địa phương, các CLB đội nhóm, doanh nghiệp, đơn vị truyền thông để lan tỏa. Tuy nhiên, cần kết nối nhiều hơn nữa để công tác bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới giới trẻ, đặc biệt là học đường.

 "Trong thời gian tới, tôi sẽ cùng nhóm tổ chức các chiến dịch nhặt rác lớn nhỏ, cùng chiến dịch toàn quốc lần thứ 4 dự kiến có hàng chục nghìn người cùng ra quân và lan tỏa tới trên 20 quốc gia", Ngọc Ánh cho biết.

Cô gái trẻ cũng bày tỏ khát vọng góp phần đưa Việt Nam từ top 4 quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới, đến năm 2025 Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 4 sạch đẹp nhất Đông Nam Á.

An Khê