Tối qua (6/3), số đầu tiên của Phụ nữ là để yêu thương mùa 4 đã chính thức lên sóng với câu chuyện của chị Trần Thị Như Hoa. Chị Hoa là người phụ nữ khuyết tật duy nhất đã nhận được giải thưởng xuất sắc khi tham gia Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của Uniliever Việt Nam và nhãn hàng Sunlight. Với nguồn vốn hỗ trợ 100 triệu đồng từ Sunlight, chị Hoa đã có bước đệm vững chắc để khởi nghiệp kinh doanh.

Hiện thực hoá và viết tiếp giấc mơ khởi nghiệp của mình, đến nay, xưởng may cho người khuyết tật của chị Hoa đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ khuyết tật có thu nhập từ 6-8 triệu đồng/1 tháng và có cuộc sống ổn định hơn. Chị Hoa cũng đã dạy nghề miễn phí cho 10 chị em khuyết tật khác sống được với nghề. Bản thân chị cũng được nhãn hàng Sunlight mời đến nhiều tỉnh thành chia sẻ, truyền cảm hứng, động lực cho các chị em phụ nữ, giúp họ tự tin khởi nghiệp và toả sáng.

Xương rồng trên cát - Người phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp với hành trang là đứa con nhỏ và không gì cả - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Như Hoa tại chương trình Phụ nữ là để yêu thương mùa 4, số phát sóng đầu tiên.

Trong bản kế hoạch gửi dự thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020, chị Hoa đã viết về lý do khởi nghiệp của chị như sau: "Tôi là một phụ nữ khuyết tật đơn thân nuôi con từng không có nghề nghiệp. Khi bắt đầu làm mẹ cũng là lúc tôi bắt đầu phải bươn chải, tìm thu nhập để nuôi hai mẹ con. Tôi đã làm một số nghề nghiệp nhưng điều không phù hợp với sức khỏe và điều kiện của hai mẹ con, bất cứ công việc gì kiếm ra tiền để nuôi con tôi đều đã thử như buôn bán trái cây, làm thuê nhưng việc đi lại khó khăn, sức khỏe yếu nên những công việc trên tôi không thể làm tốt được.

_T__8541

Chị Trần Thị Như Hoa trò chuyện tại chương trình Phụ nữ là để yêu thương. Chị là nhân vật trong số đầu tiên của mùa 4.

Rồi cơ duyên nghề may đến với tôi, tôi mày mò tự học cách may đồ đơn giản của chị hàng xóm từ một chiếc máy may gia đình cũ, tôi bắt đầu là một thợ may gia công nhận hàng về nhà làm từ đó. Khi tiếp cận với nghề may tôi nhận thấy nó rất phù hợp với người khuyết tật, đặt biệt là phụ nữ. Trong quá trình làm thợ, tôi nhận thấy mình cũng có chút hoa tay cộng với sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, tôi đã có những tiến bộ, từ đó cũng tăng thêm thu nhập để trang trải cuộc sống cho 2 mẹ con.

Tôi đi làm thợ may được 6 năm, 6 năm vừa đi làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và cả những kỹ năng mà người chủ cửa hàng phải có. Tôi muốn làm chủ bản thân mình, làm chủ cuộc đời mình, tôi còn mong muốn một ngày nào đó mình có thể hỗ trợ, giúp đỡ các bạn khuyết tật trong cộng đồng người khuyết tật của mình. Với ước mơ mạnh mẽ như vậy tôi đã thấy được mục đích, lý do để khởi sự kinh doanh và cả trách nhiệm xã hộ của mình đối với người khuyết tật cùng hoàn cảnh".

HÀNH TRANG LỚN NHẤT LÀ ĐỨA CON VÀ... KHÔNG GÌ CẢ

Trong chương trình Phụ nữ là để yêu thương phát sóng tối 6/3, chị Hoa chia sẻ rằng khi sinh ra, chị bình thường như mọi đứa trẻ khác - xinh xắn, bụ bẫm, là niềm vui của bố mẹ chị. Chị được bố mẹ đặt tên Hoa cũng với một mong ước cuộc đời chị sẽ xinh xắn, đẹp đẽ như một đoá hoa và an lành. Nhưng mong ước ấy đã va phải những trở ngại đầu tiên của cuộc đời. Vào năm chị 5 tuổi, chị đã bị ốm nặng và trận ốm ấy đã khiến chị Hoa bị liệt một chân, trở thành người khuyết tật.

Cuộc sống như thế tưởng như đã quá khắc nghiệt với chị nhưng mọi việc chưa dừng lại. Năm thứ 2 Đại học, chị Hoa có thai với người đàn ông chị yêu và sự xuất hiện bất ngờ của đứa trẻ đã khiến chị dừng chân, bỏ lại giấc mơ Đại học lại phía sau. 

"Lúc đó tâm trạng của tôi rất hoảng loạn. Tôi không biết phải làm thế nào" - chị Hoa nhớ lại khoảnh khắc khi biết mình sắp làm mẹ - "Hành trình trước mắt vừa mới bắt đầu, lại là người khuyết tật, rồi con đường học hành của mình... Năm đấy cũng là năm đầu tiên tôi nhận được học bổng với thành tích học tập của mình và tôi biết rằng tương lai của mình sẽ rất rộng mở".

Sau khi sinh em bé, chị Hoa sống với mẹ đẻ nhưng đến khi đứa trẻ được 6 tháng, chị quyết định thuê nhà trọ và chuyển ra khỏi nhà mẹ. Quyết định tưởng chừng như rất vô lý lúc ấy - thời điểm chị và người yêu còn chưa có một sự gắn kết nào - đã được chị lý giải trong chương trình Phụ nữ là để yêu thương rằng chị mong khi ra ngoài, cả hai sẽ cùng nhau vun vén cho tổ ấm, có trách nhiệm cùng nhau hơn.

Tuy nhiên, dù yêu nhau nhưng những rào cản từ gia đình bạn trai đã khiến chuyện tình của cả hai tan vỡ. Nhìn lại khoảng thời gian khó khăn ấy, chị Hoa nói với đầy sự rộng mở: "Lúc đấy tôi thấy rất buồn và đau lòng. Tôi hiểu người ta không đồng ý mình cũng có lý do của họ và tôi không hờn trách gì".

Khi chỉ còn lại một mình và đứa con nhỏ, đó cũng là lúc chị quyết tâm phải thay đổi cuộc sống của hai mẹ con. Chị muốn lo cho con đầy đủ, muốn trang trải được cho cuộc sống của hai mẹ con... Và với chiếc máy may đi mượn, chị Hoa đã làm quen với công việc mà chị gắn bó, khởi nghiệp nhiều năm sau đó. Cũng với chiếc máy may, chị đã kiếm được những đồng tiền nho nhỏ đầu tiên và từng bước, cuộc sống của 2 mẹ con bớt khó khăn hơn.

LÀM CHỦ BẢN THÂN, HỖ TRỢ NHỮNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT KHÁC

Sau khi giành giải thưởng xuất sắc trong chương trình Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, chị Hoa đã có một số vốn đủ để chị bắt đầu biến những ước mơ của chị thành hiện thực.

"Sau những thành công năm 2020, thì cuộc thi năm 2021, Uniliever cũng đã mời tôi tham gia các chương trình, chia sẻ những cảm xúc, những thành công cũng như những cách mà tôi đã làm để đạt được giải thưởng để truyền cảm hứng cho những chị em khác, đặc biệt là những phụ nữ khuyết tật đang muốn khởi nghiệp để từ đó có cơ hội phát triển" - chị Hoa chia sẻ - "Tôi đã có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ về những thành công cũng như những khó khăn của mình dể các chị em có thể tự tin, quyết tâm khởi nghiệp để thay đổi cuộc sống".

Nói về những yếu tố cần có để phụ nữ khởi nghiệp, chị Hoa cho biết: "Mình phải nhìn nhận được khả năng của mình và tự tin rằng những ý tưởng khởi nghiệp của mình có tính thực tế và tính ứng dụng. Rồi mình từng bước thực hiện nó và phải thực hiện một cách nghiêm túc. Mình làm từng bước, từng bước một cách tốt nhất và mình không ngại hỏi, mình không ngại khó. Mình phải chủ động tìm kiếm những lớp học, những lớp tập huấn qua những lớp tổ chức về phụ nữ khởi nghiệp, từ đó mình có sự chuẩn bị kỹ hơn cho những ý tưởng và kế hoạch thực hiện của mình".

Xương rồng trên cát - Người phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp với hành trang là đứa con nhỏ và không gì cả - Ảnh 8.

Chị Hoa là tấm gương vượt khó đối với nhiều phụ nữ khuyết tật. Chị đã giúp nhiều chị em khuyết tật cởi mở hơn, bước ra khỏi vỏ bọc và sự tự ti của bản thân và biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Theo vtv.vn