Theo truyền thông đưa tin, một người mẹ ở Trung Quốc đã đề nghị cậu con trai 7 tuổi ký hiệp ước "đừng hỏi mẹ" để hạn chế cậu bé làm phiền vì những điều rất bình thường. Thông tin nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm sau khi xuất hiện trên mạng.
Nhiều cư dân mạng cho biết câu chuyện khiến họ chú ý vì những lời phàn nàn về việc trẻ em quá phụ thuộc vào cha mẹ là điều phổ biến trong nhiều gia đình ở nước này.
Ký hiệp ước vì con hay làm phiền
Theo ứng dụng tin tức Red Star News đưa tin, người mẹ trong câu chuyện sống ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Khác với những bậc cha mẹ khác, cô thường làm việc tại nhà.
Người mẹ giấu tên cho biết cô quá ngao ngán khi con trai liên tục đòi hỏi và làm phiền trong thời gian cậu bé về quê nghỉ hè.
Cô nói rằng con trai 7 tuổi thường xuyên nhờ cô giúp đỡ những việc quá đỗi bình thường đến nỗi cô "thậm chí không có cơ hội sử dụng máy tính".
"Thằng nhóc dường như gọi cho tôi bất cứ lúc nào. Tôi không thể tập trung vào công việc của mình", người mẹ nói với Red Star News. "Sự kiên nhẫn của tôi sắp cạn kiệt. Mới chỉ là tuần đầu tiên của kỳ nghỉ hè, nhưng tôi cảm thấy mình gần như nghẹt thở".
Lấy cảm hứng từ một bài báo về giáo dục trẻ em, người mẹ đã đưa ra hiệp ước vào tuần trước, hy vọng cậu bé có thể tự lập, thay vì dựa vào mẹ để giải quyết mọi vấn đề.
Tuy nhiên điều không thể ngờ là cậu bé đã ký tên một cách không do dự trước sự ngạc nhiên của người mẹ.
Hiệp ước điều chỉnh các khía cạnh trong việc học tập và cuộc sống hàng ngày của cậu bé. Ví dụ có một số điều như: khi con không biết viết chữ Hán, hãy tra từ điển thay vì hỏi mẹ; khi con đọc sách, hãy tập trung đọc nó và đừng hỏi mẹ khi nào thì dừng đọc; kiểm tra bài tập toán của con cẩn thận, không hỏi mẹ; khi gặp những bài toán khó, hãy độc lập suy nghĩ chứ đừng nên hỏi mẹ.
Ngoài ra, hiệp ước còn nêu rõ rằng cậu bé nên tự tìm quần áo để mặc, tự chuẩn bị bình nước uống và mang theo kem chống muỗi, thay vì gọi điện cho mẹ và yêu cầu mẹ mang đồ cho mình.
"Khi đứng trước khó khăn, hãy tự mình giải quyết trước. Con đã không còn là một đứa trẻ ba tuổi nữa", dòng chữ ở cuối hiệp ước viết.
Một điều khoản trên hiệp ước nêu: "Đối với những vấn đề con thấy quá khó giải quyết, hãy hỏi cha của con khi ông ấy trở về nhà".
Người mẹ cho biết bản hiệp ước này thật sự có tác dụng vì sau đó cậu bé rất ít khi nhờ cô giúp đỡ.
Vấn đề con cái quá phụ thuộc vào cha mẹ
Wang Hongcai, giáo sư Viện giáo dục Đại học Hạ Môn cho biết việc trẻ em quá phụ thuộc vào cha mẹ cho thấy các gia đình đang ưu tiên điểm số học tập của con cái mà ít chú ý đến các khía cạnh khác trong việc nuôi dạy trẻ.
Ông nói với tờ South China Morning Post: "Trẻ em sau đó sẽ hình thành thói quen dựa dẫm vào cha mẹ để giải quyết các vấn đề của chúng, dù lớn hay nhỏ. Thói quen này sẽ không thay đổi khi trẻ lên vì chúng cảm thấy thoải mái trong môi trường như vậy và sẽ không chủ động thay đổi cũng như bước ra khỏi vùng an toàn của minh", ông nói.
"Chế độ nuôi dạy con mà cha mẹ làm tất cả mọi thứ cho con cái không giúp ích gì cho việc phát triển tính độc lập của bọn trẻ. Đối với một quốc gia, đó sẽ là thảm họa", ông Wang nói.
Ngoài ra, nhiều người cũng đồng cảm với sự bức xúc của người mẹ "Cùng một thế giới, cùng một kiểu trẻ em", một người viết trên Weibo.
"Con gái tôi vẫn sẽ gọi tôi giúp ngay cả khi bố nó ở bên cạnh", một người dùng khác bình luận.
"Đây là một phương pháp tốt. Nó có thể rèn luyện tính độc lập của trẻ cũng như tạo môi trường yên tĩnh cho người mẹ làm việc", một người bình luận.
Kim Ngọc (Theo SCMP)