1. Giúp con phát triển tính tự lập
Cha mẹ đừng làm mọi thứ thay con. Các bé cần học cách tự mặc quần áo, thắt dây giày, đeo balô tới trường. Tất nhiên, cha mẹ có thể làm điều đó cho con nhanh và khéo hơn. Tuy vậy, cha mẹ nên kiên nhẫn và để trẻ tự làm. Bởi vì không phải lúc nào bạn cũng có thể ở bên để giúp đỡ con, hãy hướng dẫn con làm để con biết có thể tự dựa vào chính mình.
2. Cho con quyền lựa chọn
Cha mẹ không nên chọn quần áo, đồ chơi hay sở thích cho trẻ, không áp đặt những gì con phải thích hoặc không thích. Bạn có thể tư vấn, thảo luận về các lựa chọn mà con đưa ra. Nhưng không ai hiểu rõ thứ con muốn hơn chính bản thân chúng. Là cha mẹ, bạn cần tạo cho con cơ hội để đạt được thứ chúng muốn.
3. Để con đi một mình
Cha mẹ không nhất thiết phải theo sát con mọi lúc mọi nơi. Khi con lớn hơn, cha mẹ có thể để con tới trường một mình hoặc đi xe bus của trường. Tất nhiên, nếu bạn tự đưa đón con, bạn sẽ thấy yên tâm hơn. Nhưng khi con đã ở độ tuổi có ý thức, có hiểu biết về các quy tắc an toàn, hiểu cách ứng xử trên đường phố, cha mẹ nên để con học cách tự đi học một mình. Ngoài ra, nếu con có bạn bè, hãy thảo luận để những đứa trẻ có thể đi học cùng nhau, thảo luận về bài tập về nhà, các sở thích trên đường đi học.
4. Dạy con tự chủ, kiểm soát cảm xúc
Trẻ con chưa biết kiềm chế cảm xúc của bản thân. Chúng có thể vui sướng hoặc khóc to trên phố. Khi gặp bất đồng, con có thể nổi cơn thịnh nộ, vì thế, cha mẹ cần hướng dẫn con kiểm soát cảm xúc của mình. Đứa trẻ cần học cách nhạy bén với chuyện đang diễn ra xung quanh. Nếu bạn để mặc con la hét, chúng có thể quen với cách làm này và khó lòng uốn nắn khi trẻ lớn.
5. Dạy con tự giác
Đứa trẻ cần học cách kỷ luật bản thân, làm những việc cần thiết. Ví dụ trẻ cần đánh răng trước khi đi ngủ, biết cất đồ chơi sau khi dùng xong, làm bài tập về nhà. Đây đều là những việc không thể thiếu trong thói quen hàng ngày. Bạn không cần kiểm soát con mà hãy để con tự giác làm bài, chỉ nhắc nhở về việc con vệ sinh răng miệng.
6. Để con được trả lời
Bạn cần để cho con có cơ hội được nói, được trả lời mọi người. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ, cải thiện kỹ năng giao tiếp. Trẻ không nên sợ hãi khi ai đó hỏi chúng điều gì đó. Chúng nên học cách tự trả lời câu hỏi, phát triển phản ứng một cách tự nhiên. Nếu không, con cái sẽ trở nên nhút nhát, xa cách với mọi người.
7. Giải thích về kết quả của hành động
Bạn cần giải thích về hành động của mình cho trẻ. Nếu bạn mắng con, hãy nhớ nói lý dó vì sao, cho trẻ biết con phạm sai lầm nào. Điều quan trọng là con nhận ra lỗi của mình và rút ra kết luận. Trẻ cần hiểu rằng hành động của mình có thể dẫn tới các kết quả nhất định. Cha mẹ cần giữ bình tĩnh khi giải thích cho con về cách cư xử chưa đúng, hướng dẫn con cách làm đúng đắn và lý do.
8. Để con được phạm lỗi
Tất nhiên, bạn cần nêu ra những điều có thể gây nguy hiểm tính mạng cho con. Nhưng bạn cần để con có không gian tự do khi con thực hiện các việc khác. Điều này cho phép con học hỏi từ sai lầm, tích luỹ kinh nghiệm hữu ích cho tương lai. Hãy nhớ rằng sai lầm, vấp ngã và thất vọng đều là một phần tất yếu của cuộc sống.
9. Giúp con hình thành ý kiến riêng của con
Cha mẹ đóng vai trò hướng dẫn, giúp con rèn khả năng phản xạ, nhìn nhận vấn đề, tình huống và bày tỏ ý kiến cá nhân của mình. Như vậy, con sẽ không phải chịu đựng trò đùa của bạn bè, hành động theo cách tồi tệ chỉ để chứng minh điều gì đó cho người khác. Trong tương lai, con sẽ duy trì được vị thế của mình, không dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.
10. Không đối xử với con như một đứa trẻ mọi lúc
Khi con 3 tuổi, bạn có thể từ từ cho bé làm quen với việc thực hiện một số việc nho nhỏ. Ví dụ như sắp xếp đồ chơi vào vị trí cũ. Khi con lớn hơn, mở rộng danh sách các công việc gia đình cho chúng. Điều này góp ích cho sự phát triển lâu dài của con, rèn luyện tính siêng năng, kỷ luật. Nhờ đó, con được học cách giúp đỡ người khác, tôn trọng công việc của mọi người.
Theo ngoisao