Học sinh tiểu học ở Mỹ. Ảnh: Shutterstock.
Chị Ellie Phuong D. Nguyen, giáo sư bậc 1 khoa Sinh hóa và Sinh học phân tử Đại học bang Oklahoma, Mỹ (Oklahoma State University, Stillwater) có con đang học tại trường tiểu học Westwood Elementary School (WES).
Từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, chị nhận thấy những điểm khác biệt giữa hai nền giáo dục khi quan sát việc học của con tại WES. Thực tế ở các trường khác của Mỹ có thể còn nhiều khác biệt nữa và không thể kể hết, nhưng đây là những điểm chung dễ thấy nhất.
Khác biệt không hẳn là tốt hay dở hơn, vì còn tùy vào quan điểm mỗi người, nhưng nó thể hiện rất sớm từ những năm đầu tiểu học (4 đến 10 tuổi).
1. Cách quản lý và tổ chức chung: Học trường công ở Mỹ từ 4 hoặc 5 tuổi (tùy bang) đến hết lớp 12 là miễn phí phần học phí chính, một số nơi phụ huynh có thể đóng cho trường một ít tiền sách vở, dụng cụ học tập, chi phí dao động từ vài chục đến vài trăm đôla tùy trường. Giờ học cấp 1 thường bắt đầu vào 8h và kết thúc tầm 2h50 chiều, không có ngủ trưa.
Mỗi trường thường có giáo trình khác nhau ngay cả trong cùng một thành phố, nhưng theo một chuẩn chung của bang để đánh giá và thiết kế giáo trình. Xếp hạng các trường cũng khác nhau trên thang điểm 10 (tham khảo thông tin xếp hạng các trường tại website) nên phụ huynh thường chọn mua/thuê nhà trong khu có trường điểm cao, giá nhà thường sẽ cao hơn, nhưng đầu tư xứng đáng.
2. Hệ thống trường chuyên, lớp chọn (Gifted Programs): Ở nhiều thành phố vừa và lớn còn có thêm hệ thống trường công đặc biệt (Magnet School, Charter School...) dành cho trẻ có năng khiếu hoặc khả năng tư duy nổi trội về một hay nhiều mặt. Các trường này miễn phí, nhưng không phân theo khu nhà mà các bé phải đăng ký thi đầu vào từ lúc 4-5 tuổi trở đi. Có nơi không tổ chức thi vào mà tham gia bốc thăm ngẫu nhiên, hoặc có các hình thức tuyển chọn khác.
Còn lại hầu hết trường công phân theo tuyến nhà đều có chương trình năng khiếu (Gifted Programs) dành cho trẻ có năng lực học thuật thuộc hàng top. Cô giáo sẽ để ý và chọn ra các bé đó để cho làm bài kiểm tra năng lực về nhiều mặt, hoặc phụ huynh có thể chủ động yêu cầu nhà trường cho con mình làm gifted test vào đầu năm học. Nếu được chọn, thông thường các bé sẽ vẫn học tại lớp cũ nhưng sẽ được tách riêng học thêm vài tiết nâng cao vào một số buổi trong tuần và được giao bài tập khó hơn chứ cũng không học nặng lắm.
Nếu muốn con học nhảy lớp cũng không khó, nhưng nhà trường thường không khuyến khích vì có thể ảnh hưởng tâm lý và khác biệt về thể trạng. Muốn nhảy lớp, phụ huynh chỉ cần đăng ký cho con tham gia kỳ thi kiểm tra kiến thức toàn diện của cấp lớp mà con muốn bỏ qua trước khi vào năm học mới. Đề thi toàn bộ trên máy tính bao gồm tất cả môn học của cấp lớp đó, thi liên tục từ 4 đến 8 tiếng tùy cấp lớp (có thể nghỉ ăn trưa giữa chừng rồi quay lại thi tiếp). Nếu kết quả từng môn đều trên 90% (một môn 89% thôi cũng không được), bé sẽ được nhảy lớp, ví dụ nhảy từ lớp 3 lên lớp 5 luôn vì đạt trên 90% tất cả môn thi của lớp 4.
3. Điểm số học thuật: Trẻ tiểu học ở Mỹ chỉ thực sự được đánh giá trình độ qua điểm số từ lớp 3 để xếp hạng ranking của trường so với trường khác. Ở mẫu giáo và lớp 1, các bé cũng làm bài kiểm tra ngắn trên máy tính để cô biết trình độ và xếp vào nhóm từ thấp đến cao, từ đó điều chỉnh tốc độ học nhanh, chậm và mức độ khó, dễ ở mỗi nhóm, giúp bé học nhanh không bị chán và bé học chậm không bị đuối. Do vậy việc trang bị kiến thức toán và đọc hiểu trước khi vào lớp 3 ở Mỹ đa số là làng nhàng so với Việt Nam, học như chơi, nhưng cũng có một số nơi học nặng hơn tùy theo giáo trình của từng trường.
4. Việc dạy kiến thức khoa học xã hội và khoa học tự nhiên rất được chú trọng từ sớm ở các năm đầu tiểu học. Từ mẫu giáo, về khoa học xã hội các bé đã phân biệt cái mình muốn và cái mình cần (What you need & What you want), cách sử dụng và lưu hành tiền trong xã hội, thế nào là một công dân tốt, các ngành nghề phục vụ xã hội như thế nào, cách làm việc nhóm ra sao...
Học về khoa học tự nhiên, các bé ra vườn bắt sâu vào ngắm nghía, gieo hạt vào đất xem cây mọc thế nào, nhặt lá để xem mùa thay đổi, thỉnh thoảng lên xe đến các trang trại, bảo tàng, vuốt ve làm bạn với thỏ, rùa, chó, mèo, bò sát được các tổ chức khoa học mang đến từng lớp.
5. Trẻ được trao quyền lựa chọn rất lớn và tôn trọng tự do cá nhân trong khuôn khổ cho phép. Điều này được thể hiện qua nhiều mặt, như ở đa số trường công của Mỹ, các bé được tự do chọn quần áo đi học vì trường không bắt mặc đồng phục, miễn là sạch sẽ, lịch sự. Nhiều trường cũng bán áo gắn logo và màu sắc đặc trưng của trường để các bé và phụ huynh mặc lúc sinh hoạt chung, nhưng ai thích thì mua chứ phần lớn cũng không bắt buộc.
Lớp học ở tiểu học bàn ghế chỉ chiếm 1/4 diện tích lớp, còn lại là chỗ để nằm, ngồi, chạy chơi. Vào giờ đọc sách và ngay cả giờ làm bài tập, trẻ thích ngồi, thích nằm gì cũng được, miễn là trật tự nghe cô nói và làm xong bài trong thời gian quy định. Nếu không thích tham gia, trẻ ra một góc riêng ngồi đó để không làm phiền ai và góc đó được trang trí rất đẹp, thoải mái.
Giờ ăn trưa, trẻ muốn ăn ở trường hay mang hộp cơm ở nhà ra ăn đều được, miễn là ngồi yên một chỗ ăn trong 20 phút, phụ huynh nếu thích có thể đến trường lúc đó để ngồi ăn trưa cùng con bất kỳ ngày nào trong tuần. Buổi sáng đến trường, trẻ sẽ được ăn sáng miễn phí, ai thích ăn thì đến sớm, không thích ăn thì ra xếp hàng chờ vào lớp. Con tôi rất thích ăn sáng ở trường nên sáng nào cũng dậy sớm lên xe bus đến trường, chiều xe bus đưa về nhà nếu bố mẹ không muốn đến đón, tránh kẹt xe.
Mỗi ngày trẻ đều có giờ sinh hoạt tự do trong lớp theo chủ đề tự chọn, khoảng 2-3 bạn chọn một góc để tự đọc sách, tự vẽ, tự xếp lego, mô hình xây dựng bằng nam châm lắp ráp, hay đơn giản là đến ngồi nói chuyện tâm sự với cô vì cô rất gần gũi với học sinh. Nói chung trẻ chọn ngồi đâu cũng được, miễn là làm việc hiệu quả và không làm phiền bạn khác.
6. Tập kỹ năng nói trước lớp thường xuyên: Ở mẫu giáo, thứ sáu hàng tuần sẽ có tiết mục tự kể chuyện "Show and tell" tức là mỗi bạn sẽ mang một món đồ yêu thích, hoặc mang theo chủ đề (màu sắc gì, bắt đầu bằng chữ cái nào) đến để đứng trước lớp giới thiệu với cô và cả lớp về món đồ của mình. Có hôm chủ đề về chữ "C", một bạn còn xách con mèo (cat) cho vào lồng mang đến lớp.
Lên lớp 1, cô cho mỗi bạn tự chọn một ngày trong tuần để nói về chủ đề bất kỳ, có thể gửi cô hình minh họa và nói trong bao lâu cũng được. Và điều quan trọng nữa là quyền tự do quyết định, muốn thì lên nói, còn bữa đó không hứng hoặc không có gì để nói thì không lên cũng không sao. Trẻ con thường bắt chước nhau nên dần dần những bạn ít nói cũng xung phong lên nói.
7. Ở lớp cô không so sánh các bé với nhau: Bài tập làm xong ở lớp cô chỉ ghi "great job" (giỏi lắm), hoặc vẽ mặt cười hay hình ngôi sao chứ không có điểm số hay sửa lỗi nên bé nào cũng tự tin mình giỏi. Chỉ khi trẻ làm kiểm tra đọc hiểu trên máy tính 4 lần một năm học thì mới có điểm số gửi về cho bố mẹ tham khảo.
Họp phụ huynh cô cũng họp riêng với từng người và không bao giờ so sánh con bạn với bé nào khác trong lớp. Bạn hỏi cô cũng chả nói cụ thể vì đó là thông tin cá nhân (confidential information). Vì vậy lòng tự tôn của các bé không bị xâm phạm, bên cạnh sự tự tin thường xuyên được củng cố.
Điều này cũng giúp mình lý giải phần nào về sự tự tin của sinh viên trong các lớp mình dạy. Em học giỏi hay học dở đều có một phong thái tự tin nhất định, nhìn bên ngoài hay cách nói chuyện khó đoán được bạn này điểm cao hay thấp. Và ngay cả bậc đại học, phụ huynh cũng không được quyền gọi đến trường hỏi điểm học của con trừ khi sinh viên đó cho phép và ký vào hồ sơ nộp cho trường.
Khi mình đến lớp con học, bọn trẻ trong lớp ùa ra chào, hỏi han đủ thứ một cách lịch sự và tự nhiên, như cô đến từ nước nào, cô mặc áo giống một cô hay đến nhà cháu chơi, sao cô biết tên cháu là Emily, cháu là Johnton hôm nọ đến nhà cô chơi đó (do cuối tuần con hay rủ bạn ở lớp đến nhà chơi).
8. Tinh thần khám phá không ngại lỗi sai: Trẻ tiểu học ở trường con mình thường xuyên được quán triệt tinh thần không ngại mắc lỗi để học hay khám phá cái mới, đúng kiểu tinh thần khai phóng của người Mỹ. Họ luôn muốn tìm tòi phát minh mới, sẵn sàng thử và sai cho đến khi tìm ra cách tối ưu, như tấm gương tiêu biểu của nhà khoa học người Mỹ Thomas Edison với những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
Cách làm của trường là vào sáng thứ sáu hàng tuần vào giờ sinh hoạt chung toàn trường mà các bé rất mong đợi (phụ huynh cũng được khuyến khích tham gia) thì ngoài tiết mục vui từ khách mời đặc biệt, trò chơi tập thể, thông báo các sự kiện mới, thầy hiệu trưởng lại nhắc các em "If you don't make mistake, you can't learn anything!" (Nếu bạn không sẵn sàng mắc lỗi sai thì bạn không thể học được gì!).
Bé nhà mình thuộc nằm lòng nên hay thích khám phá cái mới và nếu có mắc lỗi khi làm thử cũng thản nhiên bảo "that's how we learn" (đó là một cách để học mà mẹ). Do vậy mình phải dạy thêm cho con một bài học bổ sung nữa là "Learn from others' mistakes to save your time" (Học cách rút kinh nghiệm từ sai lầm của người khác để đỡ mất thời gian của mình).
9. Ý thức phân công và hợp tác nhóm rất cao: Bé trai nhà mình kể khi vào thư viện mượn sách, cả lớp phải trật tự, chỉ cần một bạn không ngoan thì cả lớp hôm đó không được mượn sách. Các hoạt động khác trong lớp cũng vậy nên tụi trẻ phải nhắc nhau cùng trật tự.
Khác với Việt Nam, lớp không có phân lớp trưởng lớp phó mà hàng tuần mỗi bạn sẽ thay phiên đảm nhận một vai trò: door helper (giữ cửa cho các bạn khác lúc xếp hàng đi ra sân chơi), cleaner (nhặt rác trong lớp và dọn dẹp đồ chơi còn rơi trên sàn), line leader (đi đầu hàng dẫn lớp), smartboard helper (điều khiển máy tính giúp cô), weather forecast (thông báo thời tiết đầu ngày cho cả lớp).
10. Tinh thần tình nguyện giúp đỡ cộng đồng và hướng dẫn các bạn nhỏ hơn: Hàng tuần, nhà trường sẽ có một buổi các bạn lớp lớn 3, 4, 5 đem sách mình chọn đến lớp nhỏ hơn để đọc cho các em nhỏ nghe, dạng một kèm một, gọi là reading buddy. Vào các dịp tổ chức tiệc Halloween, Thanksgiving, Noel, Valentine ở mỗi lớp phụ huynh sẽ cùng nhau đóng góp đồ ăn, thức uống cho buổi tiệc của các con và có thể đến tham dự.
Trước các dịp lễ, trường đề ra mục tiên sẽ cung cấp thức ăn đủ cho 600 gia đình trong thành phố có hoàn cảnh khó khăn để ăn mừng Thanksgiving và khuyến khích học sinh mang đồ hộp đến đóng góp bỏ vào thùng dựng dọc hành lang. Đến ngày cuối cùng của đợt vận động, các thùng quyên góp đã đầy tràn cả ra ngoài và vượt chỉ tiêu đủ cho cả hơn 750 gia đình.
Ở đâu cũng có điểm hay, dở của nó, chỉ là mình tận dụng những điểm mạnh và khắc phục cái chưa hay (theo quan điểm của từng gia đình) được đến đâu, chứ chẳng đâu là hoàn hảo. Như mục 3, 5, 7 có người sẽ cho là học như vậy nhẹ quá, học sinh tự do quá, tính cạnh tranh không cao..., nhưng giáo dục những năm đầu cấp 1 ở Mỹ không chú trọng kiến thức học thuật lắm và dễ làm nản lòng các bố mẹ châu Á từng trải qua môi trường học hoàn toàn khác, nặng thành tích hơn nhiều.
Nhưng kiến thức đó có cả đời để học, chỉ cần có kỹ năng tự học tốt. Mình đánh giá cao những bài học từ sớm về tôn trọng tự do bình đẳng, ý thức về quyền tự do lựa chọn, tự tin vào bản thân, không so sánh điểm số với bạn, không ngần ngại thể hiện ý kiến của mình, tự tin và tự nhiên khi nói trước đông người, không ngại lỗi sai khi khám phá cái mới, ý thức về sức mạnh hợp tác của tập thể. Những điều này có lẽ học càng sớm càng dễ lĩnh hội, và càng lớn càng khó sửa đổi.
Thành công lớn nhất sau 2 năm là bạn nhỏ nhà mình rất thích đi học, cuối tuần nào nếu không đi chơi xa thì đều mong đến thứ hai để được đến trường, vì đi học đúng là vui như đi chơi.
Hy vọng chia sẻ này sẽ giới thiệu phần nào góc nhìn mới về giáo dục tiểu học, không chỉ nằm ở chỗ học cái gì mà còn là học như thế nào.
Theo vnexpress