|
|
Một nhà tuyển dụng giải thích trách nhiệm công việc cho ứng viên tại hội chợ tuyển dụng ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc, vào ngày 28/2/2024 - Ảnh: Global Times/ VCG |
Thường được biết đến với tên gọi “Tháng Ba Vàng” và “Tháng Tư Bạc”, những tháng sau Tết Nguyên đán là mùa tuyển dụng cao điểm ở Trung Quốc.
Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, thị trường việc làm đã có khởi đầu tốt trong năm nay, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn.
Cho đến nay, khoảng 32.000 hội chợ việc làm đã được tổ chức kể từ tháng 1/2024 – tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, qua đó kết nối nhà tuyển dụng với người tìm việc.
Dù vậy những nỗ lực trên dường như là chưa đủ để làm an lòng 11,7 triệu sinh viên đại học chuẩn bị tốt nghiệp trong những tháng tới.
Bộ trưởng Nhân sự và An sinh xã hội Trung Quốc Vương Hiểu Bình đã cam kết tăng cường các chính sách cải thiện việc làm cho thanh niên và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
Bà cho biết: “Chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội để tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tuyển dụng hơn nhắm vào các nhóm khác nhau và các khoảng thời gian khác nhau nhằm duy trì độ nóng của thị trường lao động.
Chúng tôi sẽ hỗ trợ sử dụng dữ liệu lớn, thiết lập các trạm dịch vụ việc làm lân cận và cung cấp các dịch vụ việc làm hiệu quả, thuận tiện và có mục tiêu cho các doanh nghiệp cũng như người lao động”.
Trong báo cáo công việc mới nhất của chính phủ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi một cách tiếp cận đa hướng để ổn định thị trường việc làm, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp lên tới 5,2% vào năm 2023.
Đáng chú ý trong đó là tình trạng thất nghiệp ở thanh niên. Vào tháng 12/2023, số liệu chính thức cho thấy 14,9% những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 không có việc làm.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính phủ vào năm 2024 được đặt ở mức mở rộng khoảng 5%. Quốc gia đặt mục tiêu tạo ra hơn 12 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm 2024 và giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức khoảng 5,5%.
Chính phủ đang chịu áp lực phải tạo thêm việc làm, nhưng những người tìm việc lại lo lắng về cơ hội việc làm ngày càng thu hẹp khi nền kinh tế trở nên trì trệ tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Một sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp sớm chai sẻ: “Dù có bao nhiêu vị trí trống trên thị trường tuyển dụng thì số người nộp đơn ứng tuyển vẫn nhiều hơn. Nhiều người cuối cùng phải cạnh tranh cho cùng một công việc, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự đào thải gay gắt".
Trong nước, nhiều lĩnh vực vẫn đang chịu áp lực từ sự suy giảm mạnh của thị trường bất động sản. Bên cạnh nền kinh tế trì trệ, các chính sách theo đuổi động lực tăng trưởng mới như số hóa và tự động hóa đã khiến một số người lao động rơi vào cảnh dễ bị tổn thương.
Một báo cáo năm 2018 của công ty tư vấn PwC cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ liên quan có thể thay thế khoảng 26% công việc hiện có ở Trung Quốc trong vòng 2 thập kỷ tới.
Theo phụ nữ TPHCM