Cô gái khiếm thị vươn lên tìm ánh sáng cho cuộc đời mình

Đó là câu chuyện của Vũ Thị Hải Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình nghèo, bị khiếm thị bẩm sinh nên Hải Anh trải qua tuổi thơ vô vàn khó khăn.

“Có những thời điểm mẹ mình phải vay từng bữa ăn để nuôi cả gia đình. Vì hoàn cảnh khó khăn và không có trường nào nhận học sinh khiếm thị, tuổi thơ của mình bị giới hạn trong bốn bức tường của ngôi nhà. Mình không thể đi học như những đứa trẻ khác nên ở nhà giúp bố mẹ bằng những việc nhỏ như: nấu cơm, xách nước, làm vườn. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng mình luôn tin rằng chính những trải nghiệm khắc nghiệt ấy đã rèn luyện cho bản thân ý chí mạnh mẽ. Qua đó, giúp mình nhận ra rằng, chỉ có tự đứng lên và nỗ lực thì cuộc sống mới thay đổi được”, Hải Anh chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Hải Anh đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội
Thay vì tự ti hay cảm thấy thiệt thòi, Hải Anh chọn cách nhìn vào những điều mình có thể làm và phát huy. Nhờ niềm tin vào bản thân cùng sự ủng hộ từ gia đình đã giúp Hải Anh vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Đặc biệt, mẹ là nguồn động lực và người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời cô gái. Hải Anh tâm sự: “Mẹ là người đã giúp mình mở ra cánh cửa tri thức. Mẹ đã dạy mình chữ nổi Braille khi 8 tuổi. Những lời động viên của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh để mình không ngừng phấn đấu và nỗ lực. Ngoài ra, ước mơ trở thành nhà báo cũng là nguồn động lực mạnh mẽ để mình vươn lên”.

Cô nàng cho biết 13 tuổi mới bắt đầu được đến trường và khoảng thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn. "Khi lần đầu tiên ra Hà Nội học tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, mình rất ngơ ngác trước cuộc sống nơi thành phố. Những ngày tháng học ở bậc THCS, THPT là khoảng thời gian đầy thử thách với mình vì vừa phải bươn chải với cuộc sống và cố gắng theo kịp việc học. Ban ngày, mình lên lớp học, tối về thì làm nhiều công việc khác nhau để tự trang trải cuộc sống, từ việc xoa bóp bấm huyệt đến gỡ băng cho các trung tâm nghiên cứu”, Hải Anh kể lại.

leftcenterrightdel
 Hải Anh trong một lần tham gia hoạt động chạy bộ

Khoảng thời gian đó là một quá trình đầy gian nan, nhưng Hải Anh biết rằng nếu muốn thay đổi số phận thì mình phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần so với người bình thường. Mọi sự kiên trì và quyết tâm đã giúp cô nàng bước chân vào giảng đường đại học. Hiện tại, Hải Anh đang là sinh viên ngành quan hệ công chúng, Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.

“Với ước mơ trở thành một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phát triển cộng đồng, mình luôn khao khát được kể những câu chuyện ý nghĩa, góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về người khuyết tật, giúp họ hiểu rằng chúng mình cũng có thể đóng góp và sống một cuộc đời tự lập. Cuộc sống có thể không dễ dàng, nhưng niềm tin vào tương lai và những người mình yêu thương đã giúp bản thân không ngừng bước đi trên hành trình đã chọn, dù cho hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu”, Hải Anh bày tỏ.

Góp mặt trong nhiều dự án giúp đỡ người khuyết tật

Hải Anh đang là Phó chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam (VBSN). Trong vai trò đó, Hải Anh luôn cố gắng không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình mà còn truyền cảm hứng và động lực cho những bạn trẻ cùng hoàn cảnh. Cô nàng chia sẻ: “Mình thường chia sẻ những trải nghiệm cá nhân về hành trình tự lập và nỗ lực của bản thân để các bạn thấy rằng, nếu mình làm được thì họ cũng có thể làm được với những cách riêng phù hợp. Bên cạnh đó, mình còn tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để tạo môi trường cho các bạn có cơ hội giao lưu, học hỏi và phát triển các kỹ năng”.

leftcenterrightdel
 Câu chuyện về nghị lực vươn lên của Hải Anh đã truyền cảm hứng cho nhiều người

Các năm qua, Hải Anh đã tham gia và tổ chức nhiều dự án nhằm hỗ trợ và phát triển cộng đồng người khiếm thị trên cả nước. Một trong những dự án đáng chú ý là The Eyes Project. “Đó là nơi chúng mình tạo ra cơ hội giao lưu, chia sẻ giữa người khiếm thị và người không khiếm thị. Mục tiêu của dự án này là thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai cộng đồng, giúp người không khiếm thị có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và khó khăn của người khiếm thị. Bên cạnh đó, mình cũng cùng một người bạn sáng lập Dự án đào tạo kỹ năng nấu ăn cho người khiếm thị giúp họ tự lập, tự tin hơn trong cuộc sống", Hải Anh cho biết.

Ngoài ra, Hải Anh còn là người đồng sáng lập và đang giữ vai trò quản lý điều phối của Dự án hành chính công trực tuyến. “Dự án ra đời với mục tiêu giúp người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến một cách thuận tiện, độc lập. Dự án này không chỉ đóng góp vào việc cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật mà còn nhằm hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030. Bằng cách giúp họ tự tin sử dụng các dịch vụ hành chính trực tuyến, chúng mình hướng đến việc thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và xã hội, giúp họ hòa nhập một cách toàn diện hơn trong kỷ nguyên số”, Hải Anh chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Hải Anh nhận được giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2024

Với những đóng góp và câu chuyện vươn lên đầy nghị lực, Hải Anh là một trong những cá nhân nhận được giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2024. “Mình cảm thấy vô cùng xúc động và biết ơn. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực và cố gắng của bản thân, mà còn là động lực lớn để mình tiếp tục cống hiến, lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng. Giải thưởng này không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là niềm tin mạnh mẽ rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta kiên trì, không từ bỏ, thì đều có thể vượt qua và làm nên điều kỳ diệu”, Hải Anh bày tỏ.

Theo Thanh niên