leftcenterrightdel
 Thí sinh thi vào lớp 10 tại TPHCM - Ảnh: Trang Thư

Mẹ đi làm về, tâm trạng không tốt, vừa bước vào nhà, bố ngó thấy sắc mặt của mẹ nhắc khẽ: "Đừng có động gì đến hàng dễ vỡ đấy!".

“Hàng dễ vỡ” là cách bố gọi đùa 2 con: cô chị chuẩn bị thi đại học và cậu em thi vào lớp Mười.

Cô chị từ trước giờ vẫn nung nấu quyết tâm phải đậu vào trường top đầu. Bố mẹ không muốn con căng thẳng nên lựa lời khuyên:

- Bây giờ vào đại học có rất nhiều sự lựa chọn, con đừng áp lực quá.

Tưởng sẽ giải tỏa được phần nào áp lực cho con, nào ngờ con khẳng khái:

- Con phải vào được trường con thích, chứ trường làng nhàng thì nói làm gì!

Mẹ đành lặng thinh vì biết giải thích hay tranh luận với con lúc nào là châm lửa vào thuốc nổ.

Gần đến ngày thi, con ăn ngủ thất thường, hơi một tý là cáu gắt. Tóc và móng tay dài cũng không chịu cắt để chờ thi xong. Có ngày, mẹ không nhắc thì quên tắm. Lựa con đã đành, bố mẹ còn phải quan sát sắc thái, tâm trạng của con để điều chỉnh hành vi, cảm xúc của mình. Hôm thi thử, kết quả không như mong muốn, con ở lì trong phòng không chịu ra ăn cơm. Mẹ lo nên đẩy cửa vào thì con lớn giọng: "Mẹ đi ra đi!".

Mẹ đành khép cửa rồi giục bố đi mua gà rán, trà sữa về dụ con ăn.

Con đi chụp kỷ yếu mặc cái váy không vừa mắt mẹ, nhưng mẹ cũng gật: Con thích là được. Đi làm về, mẹ lại sấp ngửa vào bếp nhanh chóng nấu nướng cho kịp giờ con ăn. Được hôm con nghỉ học, ở nhà cắm cơm thì quên bấm nút nấu, đến giờ ăn mẹ phải đi nấu mì.

Con đi học về, dừng xe trước cửa, chìa khóa không rút, bố ra thấy lại lẳng lặng khóa xe không dám trách mắng nửa lời. Bận công việc thì thôi, rảnh ra lúc nào là cha mẹ cũng thay nhau đưa đón con. Quần áo con thay ra mẹ cũng tự lấy đem đi giặt để con có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Vậy mà có nhiều lúc, con cáu gắt vô cớ. Mẹ bực dọc trong người, nhưng lại nhớ lời dặn "Đừng động vào hàng dễ vỡ" nên lại tự mình tìm cách giải tỏa.

Cuộc đua vào lớp Mười của cậu em xem ra còn khốc liệt hơn nhiều. Nhưng đó là việc của thiên hạ, còn con thì thản nhiên như không. Tối thấy cũng giở sách vở ra học, nhưng được một lúc thì lăn quay ra ngủ, không thì chơi game, xem ti vi.

Vài ngày, mẹ lại nhận tin nhắn của cô giáo phê bình con không hoàn thành bài hoặc mất trật tự trong lớp. Mọi lời nhắc nhở hay hình phạt đều không có tác dụng. Đầu tháng làm gãy kính cận, giữa tháng đánh rơi điện thoại, cuối tháng làm mất xe… bố cũng chỉ biết cười trấn an: "Tháng hạn của con, coi như của đi thay người".

Mẹ dự tính thư thư mua lại điện thoại cho con thì con lý sự: "Thầy cô giao bài trên nhóm, con không có điện thoại thì cập nhật kiểu gì?". Bố tặc lưỡi: "Thôi thì mua cho con".

leftcenterrightdel
 Các con sắp thi, chẳng mẹ nào dám động đến "hàng dễ vỡ" (ảnh minh họa)

Cả năm học hành láng cháng, gần đến ngày thi con bắt đầu biết sợ, biết lo nhưng học thì tùy hứng. Lắm lúc máu dồn lên não nhưng bố mẹ phải nhịn, phải lựa. Có hôm, mẹ lỡ lời khen chị học chăm ngay lập tức bị con “phản pháo”: "Con không chăm chỉ nhưng con thuộc diện sáng dạ, thông minh".

Nhà có 2 đứa con cuối cấp, làm gì bố mẹ cũng phải “rén”. Thường thì những khi có bóng đá, bố sẽ gọi bác Tú sang xem cùng, nhưng tối qua bố "tá túc" sang nhà bác xem bóng đá. Còn mẹ gần như từ chối mọi cuộc vui, tối rảnh muốn nghe nhạc cũng phải đi tìm đôi tai nghe đeo vào. Đang ở nhà mà bạn gọi điện đến “tám chuyện” mẹ cũng phải "vặn nhỏ volume".

Trong bữa cơm tối gần ngày thi, cu em hùng hồn tuyên bố: “Con đã sẵn sàng xung trận”. Cô chị dường như nụ cười đi vắng bấy lâu nay đã trở về qua câu đùa: "Có chắc còn đủ tứ chi an toàn không đó? Cần “xin vía” không chị cho!".

Cậu em vênh mặt tự đắc: "Em tin vào chính mình".

Bố pha trò khiến cả nhà cười vang. Mẹ nhận ra giữa những bộn bề lo toan và căng thẳng trong mùa thi có được một bữa cơm đông đủ cả nhà, có được nụ cười giãn nở cơ mặt của các con cũng thật quý giá.

Ngày con trai thi, bố đi công tác xa vẫn không quên gọi điện về động viên. Chị gái bí mật vẽ mấy tấm sticker ngộ nghĩnh chúc em thi tốt, nửa đêm lẻn xuống dán trước cửa phòng em. Mẹ dậy sớm nấu cho con tô phở con thích rồi chở con đến trường, chưa kịp dặn vài câu con đã chạy tót vào trong rồi đột nhiên quay lại đan tay thành hình trái tim chào mẹ.

Lòng mẹ yên tâm hơn và tự nhủ: Cho dù kết quả thế nào chúng ta cũng hài lòng vì đã cùng nhau cố gắng, phía trước vẫn còn những sự lựa chọn khác. Ngay cả trong đường hầm tối tăm vẫn có lối thoát hiểm cơ mà. Đi qua những tháng ngày "dễ vỡ" cùng các con, dẫu nhiều căng thẳng, nhẫn nhịn, nhưng mẹ cũng rèn luyện mình, thu nhận được nhiều điều bổ ích và thấy cuộc sống thật ý nghĩa.

Theo phụ nữ TPHCM