Alexa Mohsenzadeh phân loại các sản phẩm quyên góp được
Hai cô gái ấy là Alexa Mohsenzadeh, sinh viên Đại học Emory và Jenica Baron, sinh viên khoa Sức khỏe cộng đồng của Đại học Tulan. “Khi nói về chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, chúng tôi thường nghe những câu chuyện các nữ sinh phải xoay xở để tìm cách vệ sinh, thậm chí các em phải dùng cả những chiếc túi nhựa thay vì băng vệ sinh hoặc không tìm được nguồn nước sạch để giặt đồ lót. Và chúng tôi thật sự trăn trở về vấn đề này”, Baron chia sẻ.
Vài năm trước đây, tại Mỹ đã từng có một cuộc khảo sát mang tên “Thực trạng trong chu kỳ kinh nguyệt” (State of the Period) với kết quả cho thấy có đến 1/5 nữ sinh trung học ở nước này gặp khó khăn trong việc trang bị cho mình đầy đủ các sản phẩm vệ sinh trong thời kỳ “đèn đỏ” hoặc không thể mua các mặt hàng này. Gần đây nhất, năm 2019, một nghiên cứu về phụ nữ có thu nhập thấp ở Mỹ cũng cho biết 2/3 phụ nữ ở nước này gặp khó khăn trong việc mua các sản phẩm vệ sinh cho chu kỳ kinh nguyệt và họ thường phải dùng khăn giấy, tã, thậm chí giẻ lau để thay thế.
“Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, chúng tôi nhận thấy nhu cầu các sản phẩm vệ sinh phụ nữ lại càng cấp thiết đối với các cộng đồng có thu nhập thấp. Đây cũng không phải là vấn đề mới. Nhiều tổ chức đã thực hiện một số hoạt động để hỗ trợ cộng đồng này. Nhưng điều khác biệt trong chương trình Her Drive là chúng tôi nhắm đến sự đóng góp của giới trẻ”, Mohsenzadeh chia sẻ.
Là người khá am hiểu về truyền thông xã hội, Mohsenzadeh đã tổ chức đợt vận động đầu tiên tại trung tâm thành phố Chicago vào tháng 7 năm ngoái bằng cách làm một đoạn video TikTok vui nhộn với nhạc nền là bản remix bài hát “Put Your Records On” của ca sĩ Ritt Momney. Trong đoạn video này, hai cô gái trẻ đã kêu gọi những người theo dõi (followers) quyên góp áo ngực không dùng đến. Đến nay, đoạn video đã thu hút 353.000 lượt xem và 31.500 người theo dõi.
Mohsenzadeh cho biết, sau đó họ cũng làm nhiều đoạn video khác với mục đích vận động quyên góp sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ và những đoạn phim này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất tốt. “Chúng tôi giành được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Nhiều người theo dõi đã chia sẻ các đoạn video của chúng tôi cho bạn bè, và bạn bè của họ lại tiếp tục chia sẻ”, Mohsenzadeh cho biết.
“Chúng tôi cũng cung cấp tem giao hàng miễn phí cho người quyên góp và bắt đầu nhận được rất nhiều hàng từ nhiều nơi. Nhưng chi phí giao hàng ngày càng nhiều, đến nỗi chúng tôi không đủ tiền túi để trang trải”, Mohsenzadeh chia sẻ.
Jenica Baron - đồng sáng lập Her Drive
Trong đợt vận động vào tháng 7/2020, hai cô gái trẻ đã huy động được 1.300 USD cho quỹ Brave Space Alliance Trans Relief Fund và thu thập được hàng trăm chiếc áo ngực và hàng ngàn mặt hàng vệ sinh phụ nữ mà sau đó họ đã tặng lại cho các tổ chức như Deborah’s Place, Oglala Sioux Tribe và Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp cho người bị tác động bởi COVID-19 của quốc gia.
Với sự tiếp sức của truyền thông xã hội, Mohsenzadeh và Baron đã thu hút được một cộng đồng mạng gồm nhiều bạn trẻ có quan tâm đến việc giúp đỡ phụ nữ khó khăn trong lúc “đến kỳ” hàng tháng. Her Drive hiện đã có quy mô như một tổ chức phi lợi nhuận, trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và sẵn sàng kết nạp hội viên mới. Hai cô gái đồng sáng lập chương trình này sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên mới tổ chức việc vận động, quyên góp.
Từ khi thành lập đến nay, Her Drive đã có 347 hội viên thuộc nhiều bang khác nhau trên toàn nước Mỹ, thu thập được 7.000 chiếc áo ngực, 96.000 sản phẩm cho chu kỳ kinh nguyệt và hơn 50.000 món đồ vệ sinh khác. Những sản phẩm này được tặng cho các nhà mở dành cho người vô gia cư, các tổ chức hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và nhiều tổ chức, cộng đồng khác.
Mohsenzadeh cho biết về lâu dài tổ chức của cô sẽ mở rộng việc phục vụ các sản phẩm vệ sinh cho bất cứ ai khó khăn và có nhu cầu. “Her Drive sẽ vận động đóng góp nhiều sản phẩm khác từ dầu gội, dầu xả, sữa tắm, xà phòng, chất khử mùi, thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng thể, sản phẩm chăm sóc răng miệng đến dụng cụ trang điểm, tã trẻ em, dụng cụ thử thai, khẩu trang, nước rửa tay… để tặng cho những người cần. Chúng tôi không phân biệt giới tính trong hoạt động phục vụ của tổ chức mình”, Mohsenzadeh chia sẻ.
Theo phunuonline