Hoàng Anh luôn lạc quan trong những ngày tham gia chống dịch.(Ảnh: NVCC)
Sau khi tình hình dịch covid-19 ở tỉnh Bắc Giang cơ bản được khống chế, không phát sinh thêm ca mắc mới trong cộng đồng trong thời gian dài, chiều ngày 18/6, đoàn chi viện gồm 81 giảng viên, sinh viên trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã được lệnh trở về địa phương.
23 ngày đáng nhớ nhất cuộc đời
"Có lẽ đây sẽ là những tháng ngày đáng nhớ nhất trong quãng đời sinh viên và cũng có thể là trong cả cuộc đời của mình. Những tháng ngày đầy vất vả nhưng cũng đáng để tự hào, góp một chút công sức nhỏ bé giúp đất nước đẩy lùi dịch bệnh", chia sẻ đầy cảm xúc của Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
Nói về quyết định tham gia chống dịch, Hoàng Anh cho biết tham gia vì công việc này cũng là một phần trong ngành học của mình, thêm nữa là mọi người làm được thì mình cũng làm được.
"Mình cũng rất sợ điều không may xảy ra là bản thân bị nhiễm bệnh nhưng với những kĩ năng đã được học, công tác phòng hộ tốt và ý thức được xung quanh mình luôn là F0 thì cũng không còn sợ nữa. Bởi vậy mình đã quyết tâm sẽ tham gia chi viện lần này.
Không những thế mình còn được bố mẹ ủng hộ, động viên cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mình biết bố mẹ cũng rất lo nhưng mà bố mẹ không nói ra chỉ dặn dò đủ thứ như một cách để động viên tinh thần cho mình. Sau khi trở về và thực hiện xong cách ly mình sẽ ngay lập tức trở về với gia đình, mình cũng đang nhớ họ, thèm ăn cơm mẹ nấu nữa" - Hoàng Anh nói.
Hoàng Anh kể lại rằng, ngày đến Bắc Giang bạn rất bất ngờ về sự chu đáo của tỉnh dành cho đoàn chi viện: "Được tỉnh Bắc Giang bố trí ở khách sạn gần nhà khách thuận tiện cho đoàn di chuyển đến khu vực lấy mẫu xét nghiệm. Không những thế mọi sinh hoạt khác cũng được phục vụ chu đáo, thức ăn đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng.
Lần đầu tạm gác việc học tập để đi hỗ trợ phòng chống covid thì có chút bỡ ngỡ, lo lắng nhưng sau khi được tập huấn mình đã tự tin hơn rất nhiều".
Chia sẻ về công việc, Hoàng Anh cho biết sau khi được tập huấn thì bắt đầu ra thực địa lấy mẫu, công việc là rà soát, truy vết các F. Cụ thể công việc trong đó là chia các nhóm nhỏ đi đến các điểm lấy mẫu, công việc của một người cũng không hẳn cố định, mọi người giúp đỡ nhau cùng làm: gọi, check thông tin, lấy mẫu, thực hiện test nhanh, báo cáo bàn giao cho CDC- cán bộ của trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
Khó khăn nhưng đầy niềm vui và tự hào
Nhớ lại ngày đầu xuất phát đến tâm dịch, Hoàng Anh vẫn không khỏi bồi bồi, xúc động: "Ngày đi mình cũng chưa hình dung được những khó khăn đang chờ phía trước, chỉ được nghe các anh chị đi trước dặn dò rằng sẽ phải thật cẩn thận và tự chăm sóc tốt cho bản thân có như thế mới giúp được người khác".
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, Hoàng Anh cho hay: "Đợt dịch này khó khăn hơn gấp bội những lần trước, không chỉ bởi các ổ dịch mở rộng hơn mà cộng với đó thời tiết lần này cũng là một thử thách với các đoàn chi viện. Miền Bắc những hôm đó trời như đổ lửa, nắng nóng có hôm lên đến 40 độ C. Để đảm bảo an toàn thì trong suốt thời gian bắt đầu di chuyển đến nơi lấy mẫu và bàn giao mẫu xong không được cởi bỏ đồ bảo hộ cấp 6, cùng với đó là đeo khẩu trang N95 khó thở, mất nước rất nhiều… Thời gian làm việc kéo dài cộng với thời tiết khắc nghiệt khiến đoàn chúng mình nhiều lúc kiệt sức.
Không những thế địa hình của một số nơi cũng gây khó khăn cho việc di chuyển của đoàn. Nhiều hôm để nhanh chóng lấy được các mẫu xét nghiệm, chúng mình đã phải làm việc xuyên đêm, những đêm không ngủ ấy thực sự rất khó quên".
Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
"Những lúc tưởng chừng như muốn ngất đi vì quá mệt thì lại nhận được những lời động viên đầy yêu thương của bà con nơi đây, chúng mình như được tiếp thêm 100% sức mạnh" - Hoàng Anh nói.
Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
Cô bạn chia sẻ rằng xúc động nhất là một hôm có một bác gửi cho đoàn một bức thư viết tay khá dài: "Trong thư bác không chỉ cảm ơn những chiến sĩ áo trắng tụi mình mà còn cảm ơn cả ba mẹ đã sinh ra và nuôi lớn chúng mình nữa, đọc lá thư mà chúng mình xúc động vô cùng. Công sức bỏ ra được mọi người trân trọng, chúng mình rất vui mừng và cũng biết ơn nữa".
Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
Nói về những ngày đi thực hiện nhiệm vụ Hoàng Anh cho biết tuy vất vả nhưng chúng mình vẫn luôn lạc quan, yêu đời, lấy công việc làm niềm vui, niềm tự hào. Bên cạnh đó bạn cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người dân Bắc Giang đã giúp đỡ để đoàn nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.
"Ngày nào khi đến thôn, xã lấy mẫu cũng được di chuyển đến các điểm lấy mẫu trong thôn bằng "xe mui trần" công nông, xe ba gác... Một trải nghiệm cũng rất thú vị. Để chúng mình bớt phần công việc, người dân đã rất nhiệt tình hỗ trợ chuẩn bị bàn ghế phục vụ cho công tác lấy mẫu, chỉ dẫn giúp các nhóm trong đoàn di chuyển đến các điểm lấy mẫu trong thôn, xã một cách nhanh chóng. Nhờ đó mà công việc được tiến hành thuận lợi hơn".
Ngày trở về đong đầy cảm xúc
Kết thúc hành trình 23 ngày chống dịch, Hoàng Anh xúc động chia sẻ: "Khi nhận được tin đã hoàn thành nhiệm vụ và chuẩn bị rời khỏi Bắc Giang mình có chút vừa vui vừa buồn. Vui vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, sắp được trở về với gia đình sau nhiều ngày xa cách. Nhưng buồn vì sắp phải xa Bắc Giang, nhớ cái cảm giác đi lấy mẫu vừa mệt mà vừa vui, nhớ những con người thân thiện và tấm lòng yêu thương của người dân nơi đây nữa…
"Mình mong rằng cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng sẽ sớm đẩy lùi được hoàn toàn dịch bệnh. Hẹn gặp lại Bắc Giang vào một ngày không xa, không còn phải gặp nhau với bộ đồ bảo hộ nữa nha" - Hoàng Anh nhắn nhủ.
Hoàng Anh - nữ sinh Đại học Y dược Hải Phòng.
Cô bạn cũng cho hay sau chuyến đi này đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm cả về kinh nghiệm chuyên môn đến kinh nghiệm cuộc sống - đây là chuyến đi đáng nhớ nhất cuộc đời. "Bây giờ đi vào tâm dịch nguy hiểm như thế mình còn dám thì mấy nữa ra trường đi làm có khó khăn nữa cũng không thành vấn đề" - Hoàng Anh nói.
Theo vietnamnet