Theo các số liệu của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc) mới được công bố trực tuyến, châu Phi cận Sahara vẫn là khu vực có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên không được đến trường nhất, với tổng số 98 triệu.

leftcenterrightdel
 UNESCO kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng của mọi trẻ em trên thế giới

Đây cũng là khu vực duy nhất mà con số này đang tăng lên (số trẻ em trong độ tuổi đi học tăng lên nhưng số được đến trường lại giảm).

Đứng thứ 2 về tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học không được đến trường là Trung và Nam Á, với 85 triệu trẻ.

Tổng giám đốc Audrey Azoulay của UNESCO kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng của mọi trẻ em trên thế giới. Bà cũng sẽ tiếp tục đưa ra lời kêu gọi này tại Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 19/9. Sự kiện do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc triệu tập này sẽ quy tụ các nguyên thủ quốc gia và chính phủ.

UNESCO cũng đưa ra các số liệu, xác nhận rằng khoảng cách giữa tỷ lệ trẻ em gái và trẻ em trai không đi học đã được xóa bỏ trên toàn thế giới. Vào năm 2000, khoảng cách này là 2,5 % ở nhóm trẻ trong độ tuổi tiểu học, và 3,9 % ở nhóm tuổi trung học phổ thông. Những con số này hiện đã giảm xuống 0. Tuy nhiên, chênh lệch giữa các khu vực vẫn còn.

Ngoài ra, UNESCO cũng cảnh báo việc một số quốc gia không có đầy đủ số liệu chính thức về số trẻ em không được đi học. Chẳng hạn như Nigeria, quốc gia ước tính có khoảng 20,2 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không được đến trường, con số tương tự ở Ethiopia là 10,5 triệu, Cộng hòa Dân chủ Congo 5,9 triệu và Kenya 1,8 triệu.

Với sự giúp đỡ của UNESCO, 90% các nước trên thế giới hiện đã đặt ra các tiêu chuẩn quốc gia để đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng một nền giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người từ nay đến năm 2030, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em không được đến trường.

Theo phụ nữ TPHCM