Công việc không có giờ giấc cố định, đôi khi bữa ăn cũng trái giờ nhưng suốt 5 năm tôi sinh con, có một thứ mà bằng mọi giá chưa bao giờ tôi thay đổi: 30 phút dành trọn cho con trước khi con ngủ. 

Đó là 30 phút tôi đọc sách cho con dù đôi lúc thằng bé không hứng thú, thích chơi với cuốn sách hơn là nghe câu chuyện từ đó.

Khi con vào nhà trẻ, 30 phút đó đặc biệt đến mức có hôm vì trực đêm, tôi chưa kịp vào phòng khi con đã đến giờ lên giường, thằng bé vẫn nằng nặc: “Con đợi mẹ làm xong được mà”.

30 phút đó là hàng tỉ câu chuyện trong thế giới của con mỗi ngày, con kể bằng giọng ngọng líu ngọng lịu mà đôi khi mẹ cố lắm mới hiểu: “Bạn Na nói chuyện nhiều quá, cô phạt Na đứng ngoài cửa”; “Bạn Bo quậy lắm mẹ, Bo làm bạn Bi đau”; “Con hát hay lắm mẹ, để con hát mẹ nghe, trái đứt (đất) này là của chún mìn (chúng mình)…”.

Có hôm cao hứng, cu cậu ngồi bật dậy, dũng mãnh đứng tấn, ra đòn chân… khi kể về tiết học võ ban sáng. Nhưng đó chỉ là một phần của “30 phút yêu thương” - tôi đặt như thế. Mỗi câu chuyện con kể, nếu được mẹ khen, con sẽ nhận được một cái hôn vào má.

Có hôm kể xong, cu cậu tự phán: “Con giỏi phải hông (không) mẹ, mẹ hun (hôn) con đi”. Và hình phạt cho mỗi tình tiết chưa tốt là 10 cái hôn khắp mặt. 

30 phút bên con mỗi tối giúp tác giả không bỏ lỡ những vui buồn trong ngày của con
30 phút bên con mỗi tối giúp tác giả không bỏ lỡ những vui buồn trong ngày của con (ảnh tác giả cung cấp)

 

Cứ thế, đêm nào hai mẹ con tôi cũng “lăn lộn” trên giường, cu cậu cười nắc nẻ, lúc thì “mẹ hun (hôn) con đi”, lúc thì “ui tui bị 10 cái hun (hôn) dồi (rồi)”… rồi cười hắc hắc trong thì thầm khi nghe tiếng gõ cửa và càm ràm của bà ngoại, rằng đến giờ ngủ rồi, hai mẹ con cười nhỏ thôi.

5 năm sinh con, tôi hầu như không bao giờ về nhà khi đã quá giờ ngủ của con dù con có bà ngoại chăm sóc khi mẹ vắng. Tôi cũng hạn chế tối đa những chuyến công tác xa nhà. Mãi đến khi con được 4 tuổi, tôi mới tham gia trở lại chuyến nghỉ dưỡng của cơ quan. Đêm trước khi đi, tôi ôm con giải thích việc ngày mai mình sẽ vắng nhà và con sẽ ngủ với ngoại.

Tôi giải thích đến khi con nói “ok mẹ” - như cách con đồng ý điều gì đó mỗi khi mẹ đề nghị. Vào những ngày phải trực đêm, dù nhờ bà ngoại trông con ngủ, tôi cũng tranh thủ buông máy ít nhất 30 phút, là 30 phút của yêu thương. 

Nhiều người nói tôi tự rước nhọc vào mình, rằng với cuộc sống hiện đại, ai cũng cố gắng tập cho con ngủ một mình khi con bắt đầu lên 3 vì điều đó giúp con tự lập, giúp mẹ không bị “vướng” con để có thể ra ngoài hoặc tranh thủ làm gì đó. Thế nhưng, từ vùng quê nghèo khó miền Trung, tôi từng là đứa trẻ lớn lên như cây con tự mọc vì mẹ tôi bận túi bụi để kiếm đủ chén cơm cho bầy con 9 đứa. Ngay cả đến giấc ngủ đầy, mẹ tôi cũng không có. Tôi không biết mẹ tôi có lần nào ước ao một lần cuộn con trong lòng mà ngủ hồn nhiên nhưng tôi biết, dù có ước, mẹ cũng không làm được.

Cả mẹ lẫn tôi, đôi khi có những khát khao về cảm giác chăm sóc và được chăm sóc mà vì mưu sinh, mãi không thể thực hiện. Đến giờ đã 40 năm trôi qua, tôi vẫn không sao quên được ước muốn ôm mẹ ngủ ngày nào. Giờ tôi ôm con ngủ mỗi đêm, tự trong tiềm thức, cũng là vỗ về chính mình, vỗ về những khát khao ấy.

Mà thực ra, 30 phút đó nào chỉ giải quyết cảm xúc của mẹ. Tôi nhận diện khá rõ tâm tư của cậu bé sắp 5 tuổi. “30 phút yêu thương” ấy dường như trung hòa được những điều bất ý của con trong ngày.

Càng ngày, con càng kể chuyện nhiều hơn, thường xuyên “lố giờ” và dường như cảm xúc của con ổn định hơn, mỗi ngày mỗi thấu hiểu hơn, tỏ ý chăm sóc mẹ và bày tỏ yêu thương nhiều hơn.

Cuộc sống càng hiện đại, công việc giờ giấc càng linh hoạt lại càng khiến con người khó sắp xếp và hoạch định. Bỗng dưng tôi thấy mình may mắn khi đến giờ vẫn không cưỡng lại được “sức hút” từ thói quen ôm con kể chuyện đông chuyện tây trước khi ngủ, hôn con khắp mặt, vừa hôn vừa đếm 1, 2, 3…

30 phút trước khi con ngủ neo tôi lại giữa vòng xoáy vội vã của ngày, giúp tôi tìm được sự cân bằng giữa mọi sự xáo trộn và cảm thấy thật bình an. 

Theo phụ nữ TPHCM