|
|
Chiếc lều con tôi cùng bạn hàng xóm trang trí cho mùa Giáng sinh năm nay. Ảnh Minh Lê |
Đứa trẻ nào cũng thích chơi lều trại vì lều là căn nhà đầu tiên chúng “ra riêng”, là không gian mơ ước của chúng. Con gái tôi cũng vậy.
Tôi nhớ lại mấy lần đi cắm trại hồi nhỏ, chúng tôi phải xin tháo vỏ mền của mẹ để làm mái lều. Có điều, ngày xưa cắm trại trên nền đất, chúng tôi chỉ việc mua đinh vít loại lớn đóng xuống đất rồi cột dây tứ phía cho lều căng ra và vững chãi.
Bây giờ lều dựng trên nền gạch, không thể đóng hay cột vào đâu, vậy làm sao cho lều “đứng”?
Phải thiết kế bộ khung chắc chắn. Nghĩ là làm, tôi lấy giấy ra quẹt chi chít các bản vẽ. Với mái lều, tôi mua tấm vải linen màu cỏ, chỉ cần may thêm viền và luồn cây vào. Nghĩ thì dễ, vẽ cũng dễ, mà khi đụng chuyện thì toát mồ hôi. Các tiệm may, tiệm sửa đồ vào mùa làm hàng tết đều lắc đầu với mớ vải của tôi.
Bộ khung lều cũng trở thành vấn đề nan giải. Tôi tìm mãi mới ra nơi bán cây tre ở chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, TPHCM). May sao, người may rèm ngồi kế bên hào hứng với kế hoạch của tôi nên đồng ý may mái lều.
Vậy nhưng về nhà, tôi không thể luồn que vào viền vải do que tre quá cong. Tôi nhờ chồng ra xưởng mộc đặt làm 10 thanh gỗ tròn, đường kính khoảng 1,5cm. Kết quả, chồng tôi mang về mớ cây dài ngắn lộn xộn, tôi lại phải cưa cắt, tận dụng một số que tre cũ.
Luồn que xong, tôi dựng và cột dây, nhưng lều đổ liểng xiểng, méo mó, dặt dẹo. Cuối cùng, tôi chọn giải pháp dựa một mặt lều vào giường ngủ. Lúc này, lều có điểm tựa nên đứng vững.
Nhìn lều trên mạng đẹp lung linh, tôi hơi buồn vì lều nhà mình quá xấu. Thế nhưng, hai đứa trẻ thì vui bất ngờ. Chúng cứ xốn xang ngắm rồi lăn vào, lăn ra. Cô nhỏ 3 tuổi trải thảm, xếp gối, tìm đồ trang trí rồi kê ghế, ôm sách chui vào lều ngồi vắt chân “đọc”. Cậu anh hì hục vẽ và dán cây cờ “Beast Hunter” (thợ săn quái vật), xin mang mền vào ngủ đêm trong đó. Chàng trai 10 tuổi hỏi tới mấy lần: “Cái lều này nhà mình tự làm trăm phần trăm hả mẹ?”.
|
Chiếc lều “nhà làm” mà tôi thường chui nửa người vào nằm chơi cùng con. Ảnh: Minh Lê |
Từ chiếc lều đầu tiên ấy, tới nay nhà tôi đã trải qua khá nhiều “đời” lều trại. Nào là lều công chúa mua trên mạng tới lều vải dù của dân leo núi và hiện giờ là chiếc lều dù mái vòm, kiểu của người Eskimo.
Mẹ con tôi không cố định địa điểm đặt lều: từ hành lang tới chiếu nghỉ cầu thang hoặc ra ban công. Việc “trang trí nội thất” cũng linh hoạt: ngày tết sẽ khác Giáng sinh, mùa hè sẽ chất đầy truyện và đồ chơi, mùa thi có cả sách vở… Con gái tôi hay mời bạn hàng xóm tới chơi lều.
Những cuộc đấu cờ vua, đại hội gấu bông, bữa ăn mặn, tiệc snack... khiến cái lều nhiều khi bừa bộn hệt cái kho… Đôi khi, tôi cũng ôm máy tính chui vào lều ngồi làm việc.
Thỉnh thoảng ngồi nói chuyện cũ, mẹ con tôi vẫn khẳng định chiếc lều nhà làm “trăm phần trăm” cho chúng tôi nhiều cảm xúc nhất. Đó không chỉ là lần đầu mà còn là “công trình tập thể” cả nhà tôi đã chung sức làm ra.
Theo phụ nữ TPHCM