Đôi khi nhà của người này chỉ là… nhà trọ của người kia. Đôi khi phòng riêng mới chính là nhà. Cha mẹ của gen Z từ lúc nào đã quen với việc… không thấy con trong bữa ăn gia đình, muốn gọi con ra ăn chung phải nhờ đến… điện thoại. Những cuộc đối thoại cùng nhau thường kéo dài không quá 3 câu hoặc kết thúc khi có ai đó bỏ đi hoặc ngồi lại lầm lì.

Trong một cố gắng cởi mở và đối thoại giữa 2 thế hệ trong nhà, chúng tôi đã thử làm một “ván bài” tố, ai thua phải trả lời bằng cách nói sự thật. Những ván đầu, con chơi chưa quen nên buộc phải trả lời.

Tác giả Trần Lê Sơn Ý và con gái Ban Mai. Ảnh: Luân Trần
Tác giả Trần Lê Sơn Ý và con gái Nguyễn Trần Ban Mai. Ảnh: Luân Trần

 

* Mẹ Trần Lê Sơn Ý: Con có thể cho mẹ biết tại sao cứ về đến nhà là con đóng cửa?

- Con gái Nguyễn Trần Ban Mai: Vì con cảm thấy phòng mới là thế giới riêng của mình. Sau cánh cửa, khi chỉ có một mình, con có thể buông xuống những yêu cầu, kỳ vọng và áp lực để là chính mình. Vì biết không có ai đang chú ý đến mình, con không cần phải cố gắng để giữ hình tượng nữa. Sau một ngày dài ở trường, con không muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Đó là cách để con tạm cách ly khỏi thế giới và nạp lại năng lượng cho bản thân.

* Mẹ Trần Lê Sơn Ý: Nhiều khi mẹ khá… tủi thân. Tại sao con có thể huyên thuyên với bạn hay dì 3-4 tiếng đồng hồ nhưng lại không thể nói chuyện với cha mẹ được vài câu cho đàng hoàng?

- Con gái Nguyễn Trần Ban Mai: Con nghĩ lý do chính là cách cha mẹ phản ứng với câu chuyện của con. Trước kia, con từng rất nhiều lần kể chuyện cho cha mẹ nghe nhưng những lúc đó, cha mẹ lại thể hiện phản ứng tiêu cực. Đó là phản ứng thái quá hay phân tích và phán xét con, thay vì chỉ lắng nghe câu chuyện. Như hôm nay là một ví dụ, trên đường về nhà con đã kể với mẹ câu chuyện đó một cách vui vẻ. Trong giờ toán, tất cả 4 học sinh lớp Mười một đều không nhớ cách vẽ tam giác đều. Thay vì xem đó là một chuyện cười thì mẹ lại nói: “Vẽ tam giác đều đơn giản mà!”. Câu nói ấy khiến con không còn muốn chia sẻ câu chuyện khác với mẹ nữa.

* Con gái Nguyễn Trần Ban Mai: Mẹ nghĩ thế nào về việc tụi con cần nhiều không gian riêng?

- Mẹ Trần Lê Sơn Ý: Mẹ nghĩ đó là nhu cầu chính đáng của con. Có điều, thỉnh thoảng mẹ cao hứng định nói gì với các con hay đơn giản chạy qua chúc ngủ ngon thì bị cái khóa cửa “tát” bốp vào mặt, đành lủi thủi về.

* Con gái Nguyễn Trần Ban Mai: Vậy mẹ mong muốn điều gì ở tụi con trong phạm vi nhà mình?

- Mẹ Trần Lê Sơn Ý: Sự ấm áp, quan tâm, chia sẻ. Mẹ hiểu con là mẫu người thực tiễn, không thích hỏi han kiểu hỏi chỉ để hỏi. Con biết đó, không phải câu chuyện nào cũng cần đi đến cùng hoặc phải ra vấn đề. Đôi khi, ta không cần nói gì, chỉ im lặng cũng là một cách biểu đạt sự quan tâm.

* Con gái Nguyễn Trần Ban Mai: Cũng có khi con hay mẹ quan tâm mà người kia không biết. Như thế nào là thực sự quan tâm và dành đủ thời gian cho gia đình?

- Mẹ Trần Lê Sơn Ý: Tất nhiên cái đủ của con khác cái đủ của mẹ. Bao nhiêu thì đủ tùy cảm nhận và thời gian con có. Mẹ là người của “mùa thu trước” nên mẹ chỉ nói đơn giản: điều gì từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Mẹ tin khi con thực sự quan tâm đến ai đó, con sẽ biết cách làm gì, làm bao nhiêu.

* Con gái Nguyễn Trần Ban Mai: Mẹ cảm thấy trở ngại lớn nhất giữa việc giao tiếp của con với cha mẹ là gì?

- Mẹ Trần Lê Sơn Ý: Giới hạn, theo nhiều nghĩa. Mẹ nên thành thật nhìn nhận giới hạn của mình. Không phải lúc nào cũng đúng để có thể nghe nhiều hơn và đánh giá ít hơn. Mẹ nghĩ ta nên trao đổi thường hơn về chủ đề này. Chẳng hạn điều gì cha mẹ làm các con hài lòng hay gây ra sự khó chịu.

Chúng ta cũng cần định ra một số ranh giới để các con có thể tự do làm điều mình muốn mà không làm phiền người khác…

Mẹ tin những cánh cửa giữa các phòng sẽ được mở thường xuyên hơn. Luồng không khí ấm áp sẽ thường xuyên ra vào và nhà sẽ có cơ hội được là nhà. 

Theo phụ nữ TPHCM