Với tôn chỉ “Công bằng cơ hội cho tất cả mọi người” là nền móng gắn kết, “bộ tứ xinh đẹp” Lê Hồng Nhung (sinh viên Toán và Kinh Tế trường Wellesley), Đỗ Thị Thu Thảo (sinh viên cao học năm hai tại MIT), Vũ Minh Châu (cựu sinh viên MIT) và Nguyễn Thị Trinh (sinh viên năm ba MIT chuyên ngành Sinh học).
Chương trình hoàn toàn miễn phí, và hỗ trợ kinh phí đi lại, sinh hoạt tại Hà Nội trong quá trình tham gia chương trình cho các em ở ngoài khu vực Hà Nội hay có yêu cầu hỗ trợ tài chính.
Là cựu học sinh chuyên Hoá K42, trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội, Lê Hồng Nhung (sinh viên Toán và Kinh tế trường Wellesley) luôn mong muốn có những chương trình như MaSSP cho học sinh cấp ba, nhất là khi các em đang phải chọn hướng đi trước ngưỡng cửa đại học.
Nhung tin rằng, bên cạnh được tiếp cận thông tin từ các trường đại học hay công ty tuyển dụng, các bạn trẻ nên được trải nghiệm thực tế công việc ra sao, những kiến thức mình học có áp dụng thực tế thế nào, và quan trọng hơn là mình có đủ khả năng và đam mê để tự trau dồi kĩ năng và kiến thức để làm việc hiệu quả không.
4 nữ sinh Việt đang học tại các trường về tự nhiên, khoa học hàng đầu tại Mỹ sáng lập nên trại hè Toán – Khoa học MaSSP phi lợi nhuận cho học sinh cấp 3 ở quê hương.
Cũng tin vào giá trị của kinh nghiệm thực tế, và hiểu mong muốn của các em học sinh cấp ba Việt Nam được thử sức và hiểu thêm về công nghệ, Vũ Minh Châu (cựu sinh viên MIT) muốn qua dự án MaSSP chứng minh rằng: học lập trình rất thú vị; chỉ cần dành thời gian, quyết tâm và có người dẫn dắt chỉ đường cho phương pháp phù hợp, các bạn đều có thể tiếp cận công nghệ tin học. Vậy nên, Châu và các bạn sinh viên đại học tại Hà Nội thiết kế các dự án lập trình đơn giản, thu hút và có tính ứng dụng cao để khơi gợi tính tò mò và khả năng sáng tạo của các em học sinh cấp 3.
Khi được hỏi về phần Toán của trại hè MaSSP, Đỗ Thị Thu Thảo (sinh viên cao học năm hai tại MIT) cho biết: hiện nay tuy đã có một số trường hè dành cho các bạn học sinh phổ thông yêu toán, đa số các chương trình này tập trung vào việc rèn luyện kĩ năng giải toán.
“Khi còn là học sinh cấp ba, mình cũng từng dành nhiều thời gian rèn luyện kĩ năng giải toán đề đi thi học sinh giỏi. Tuy nhiên, khi lên đại học mới nhận ra học toán cao cấp khác rất nhiều với việc giải toán đố ở phổ thông. Làm nghiên cứu toán đòi hỏi việc tìm tòi suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề nào đó trong một thời gian dài, thay vì tập trung vào các kĩ năng thủ thuật giải toán. Vì vậy, Thảo hy vọng chương trình MaSSP sẽ là một cơ hội tốt để học sinh cấp ba ở Việt nam được bước đầu trải nghiệm việc làm nghiên cứu toán”, Thu Thảo chia sẻ.
Với Nguyễn Thị Trinh (sinh viên năm ba MIT chuyên ngành Sinh học), MaSSP không chỉ là nơi để các bạn học sinh thử sức mình và say mê nghiên cứu, đó còn là cơ hội để các bạn học cách thuyết trình và giải thích khoa học cho cả những người không học khoa học. Trinh tin tưởng đây là một trong những cách đưa khoa học tới gần hơn với tất cả các đối tượng, và mở thêm nhiều cánh cửa cho các phát minh và ứng dụng công nghệ và khoa học nước nhà.
Dù bốn người, mỗi người một câu chuyện và những động lực để làm MaSSP nhưng họ đều có chung niềm tin vào cơ hội, tri thức của tuổi trẻ Việt. Như cô bạn Hồng Nhung nói: “Tuổi trẻ là tài sản đáng quý của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, và của thế giới. Đó là thời điểm mà nhiệt huyết và sức trẻ, nếu có cơ hội, tri thức, và lòng tin, sẽ tạo nên những bức phá mạnh mẽ.
Năm 17 tuổi, tôi được trao cơ hội đi học tập tại trại trường UWCSEA; sau đó biết bao cánh cửa cơ hội và lòng tin mở ra cho tôi được sáng tạo, học tập và vươn xa hơn. Tôi trân trọng và mong muốn sẽ có nhiều bạn trẻ Việt có những cơ hội để được thử sức mình như tôi trước đây”.
Thông tin chi tiết về chương trình và đơn đăng ký tham gia có tại trang Facebook: https://www.facebook.com/masspvn/?ref=aymt_homepage_panel
Câu hỏi thắc mắc có thể gửi về hòm mail massp.vn@gmail.com
Theo Dân trí