Trẻ em quan tâm và lo lắng về vấn đề học tập quá khó khan - ẢNH HÀ THU
Đây là kết quả kết quả khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em thực hiện được chia sẻ tại buổi đối thoại về “Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em” diễn ra ngày 10.11 tại Hà Nội.
Trẻ em có nhiều mối lo
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, khảo sát được thực hiện từ tháng 9.2019 - 5.2020 với sự tham gia của 1.740 trẻ em ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Kết quả cho thấy, trẻ em có nhiều mối lo lắng trong học tập và trong cuộc sống. Hơn 70% trẻ em tham gia khảo sát có ít nhất một nỗi lo lắng. Vấn đề trẻ em đang đi học lo lắng nhất là việc học tập quá khó khăn (chiếm 49%), tỷ lệ nam là (50,6%) lo lắng nhiều hơn so với tỷ lệ trẻ em nữ là (47,2%). Có 22,5% trẻ em lo lắng bị bắt nạt và 19,2% trẻ em lo lắng bị phân biệt đối xử.
Ngoài lo lắng về học tập, trẻ em còn lo lắng về gia đình không đủ tiền trang trải cuộc sống, bị phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, trẻ có giới tính khác lo lắng nhiều hơn trẻ em nữ và trẻ em nam về việc là nạn nhân của các hành vi bạo lực do người lớn hoặc trẻ em khác gây ra, không được tự quyết định việc hôn nhân và có hành vi tự làm hại bản thân.
Mặc dù ở Việt Nam, luật Giáo dục 2005 nghiêm cấm các hành vi trừng phạt thân thể trong trường học nhưng trên thực tế vẫn tồn tại vấn đề này. Theo kết quả khảo sát, cứ 5 trẻ em trong trường học có 1 trẻ em đã chứng kiến các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần tại trường. Khi gặp các vấn đề này trẻ thường có xu hướng tìm đến sự trợ giúp của bố mẹ, bạn bè, công an mà ít tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý ngay khả khi gặp các vấn đề về tinh thần.
Bà Phương Linh chia sẻ: “Tình yêu hay giáo dục không bao giờ đồng hành cùng đòn roi và mắng mỏ, hay nước mắt, cũng như trẻ em phải học để lớn lên và trưởng thành, đôi khi qua những va vấp, là những bậc cha mẹ, thầy cô - những người mang sứ mệnh nuôi dưỡng thế hệ tiếp sau, chúng ta cũng cần học và thay đổi".
Thúc đẩy thi hành các điều luật về cấm trừng phạt trong trường học
Theo bà Phương Linh, những kết quả của khảo sát sẽ được sử dụng để cung cấp thông tin cho các cơ quan thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam và là nguồn dẫn chứng cho báo cáo bổ sung gửi Ủy ban về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc vào năm 2020. Để bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em một cách toàn diện, tiếng nói trẻ em phải được lắng nghe, thấu hiểu là điều đặc biệt quan trọng.
Anh Lê Hải Long, Phó trưởng Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, bày tỏ: “Là tổ chức đại diện và tiếng nói và nguyện vọng của trẻ em Việt Nam, chúng tôi đang và sẽ không ngừng nỗ lực trong việc tạo ra những cơ hội để trẻ em được trao đổi thẳng thắn những suy nghĩ và đề xuất những sáng kiến của mình. Chúng tôi mong muốn có được sự đồng hành của các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường và đặc biệt là trẻ em để công tác này được thực hiện toàn diện và hiệu quả.”
Để chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em khuyến nghị, cần ban hành các chính sách và hướng dẫn nhằm ngăn chặn các hành vi trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em ở nhà trường, trong cộng đồng và trong gia đình, đặc biệt là các hành vi như đánh, mắng, phạt không cho ăn, bắt quỳ, sỉ nhục, so sánh...
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc thi hành các điều luật hiện hành về cấm trừng phạt thể chất và tinh thần tại không gian trường học.
Theo thanhnien