Không thể phủ nhận bộ não là bộ phận kỳ diệu nhất, phức tạp nhất của cơ thể con người. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bẫy tư duy khiến chúng ta nhận thức về thực tế khác với sự thật. Những sai lầm này ảnh hưởng đến khả năng thành công, con đường đạt được mục tiêu, hạnh phúc và sức khỏe của mỗi người. Người thành công luôn tìm cách để tránh mắc phải 5 bẫy tư duy này.
1. Lý giải theo cảm xúc
Lý giải theo cảm xúc (emotional reasoning) có thể khiến ta đưa ra những lựa chọn sai lầm. Nhầm lẫn giữa cảm xúc của bản thân và bằng chứng thực tế là một trong những bẫy tư duy phổ biến mà chúng ta thường mắc phải.
Ví dụ bạn tham gia một cuộc họp và không dám nói ra ý tưởng của mình vì nghĩ rằng "chúng thật vô giá trị, mình sẽ bị cười nếu nói ra".
Để tránh việc cảm xúc chiếm mất lý trí, bạn nên tự hỏi mình "Có cơ sở, bằng chứng nào chứng minh những quyết định dựa trên cảm xúc của mình không?" hay "Liệu quyết định của mình có đang bị cảm xúc chi phối và mình nên xem xét lại sự việc không".
Khi không còn nhầm lẫn cảm xúc của bản thân thành sự thật, chúng ta sẽ có được tư duy logic hơn, rõ ràng hơn và đưa ra được những quyết định thông thái hơn.
2. Đổ lỗi
Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều từng trải qua hay chứng kiến việc đổ lỗi. Đổ lỗi là khi ta là bắt người khác, việc khác chịu trách nhiệm cho hành động và cảm xúc của mình. Đó có thể là một hôm đi làm trễ lại gặp chút tắc đường, bạn sẽ đổ lỗi rằng tất cả việc hôm nay chậm trễ hay xui xẻo đều do buổi sáng gặp tắc đường mà ra. Sự thật thì hoàn toàn không phải như vậy.
Theo Susan Whitbourne, Giáo sư danh dự về Khoa học Tâm lý và Não bộ của ĐH Massachusetts Amherst, khi đổ lỗi cho người khác, chúng ta cảm thấy mình giữ được lòng tự trọng bằng cách né tránh những sai lầm, thất bại của mình. Song chính điều này khiến ta không học hỏi được từ những sai lầm và đó chính là điều ngăn cản bạn đến với thành công.
"Việc đổ lỗi thực sự là một trò phi lí và xúc phạm những người khác", Gustavo Razzetti, tác giả cuốn "Stretch Your Mind" chia sẻ. Theo ông, khi chúng ta biết đồng cảm hơn, thói đổ lỗi sẽ dần được hạn chế. Bởi khi đó ta biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, không còn nỗi lo sợ bản thân gặp sai lầm.
3. Bi kịch hóa vấn đề
Quan trọng hoá, bi kịch hóa vấn đề là tư duy sai lầm mà rất nhiều người trong chúng ta mắc phải. Khi đứng trước một vấn đề, ta dễ rơi vào suy nghĩ miên man đến những điều tiêu cực, tương lai xấu nhất.
Ví dụ như khi thời sự tối qua đưa tin về một cơn bão, bạn có thể sẽ bắt đầu tưởng tượng về những điều tồi tệ nhất có thể xảy đến. Liệu có xảy ra mưa đá không? Đường phố có ngập lụt khiến cây đổ, mình không thể đi làm không và thậm chí nhỡ đâu đi đường có thể gặp tai nạn do cây đổ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nỗi sợ hãi, nhất là những nỗi sợ hãi không có căn cứ, là một phần của sự bi kịch hóa. Việc luôn dự đoán về những điều xấu nhất có thể xảy ra không hoàn toàn là xấu song về lâu về dài, nó có thể khiến bạn rơi vào trạng thái lo âu hay thậm chí trầm cảm.
Chuyên gia tâm lý học Judith Beth đưa ra lời khuyên rằng chúng ta nên liệt kê ra những điều tốt đẹp có thể đến bên cạnh những điều không hay có thể xảy ra. Khi đó, ta sẽ thấy bình tĩnh hơn, bớt lo âu và tư duy một cách rõ ràng hơn.
4. Ngụy biện về sự công bằng
Nhiều người cho rằng tất cả mọi việc đều phải được phán xử một cách công bằng. Tuy nhiên thực tế là không phải lúc nào cuộc đời này cũng công bằng và chúng ta không nên hiểu sự công bằng một cách cứng nhắc.
Khi chứng kiến đồng nghiệp được thăng chức trong khi mình vẫn chỉ là một nhân viên quèn, bạn nghĩ rằng điều này thật bất công. Cô ấy thậm chí còn đi muộn về sớm trong khi bản thân mình thì rất chăm chỉ.
Khi mắc phải cái bẫy ngụy biện về sự công bằng, chúng ta dễ rơi vào cảm xúc tức giận, bất mãn, thất vọng với cuộc đời. Điều này hoàn toàn là không tốt.
Hãy tự nhủ với bản thân rằng bản thân mình cũng hoàn toàn có thể được cất nhắc nếu năng lực của mình tốt. Đừng ngần ngại trò chuyện với cấp trên và đề nghị được thăng chức, tăng lương nếu điều đó là xứng đáng với những đóng góp của bạn. Cay cú chỉ khiến bạn bị lùi về phía sau trên con đường thành công mà thôi.
5. Cá nhân hóa
Đó là khi bất kỳ điều gì xảy ra, bạn cũng gán tội cho chính bản thân mình dù rằng không có lý do nào hợp lý. Việc cá nhân hóa có thể khiến bạn sống trong cảm giác thất bại, có lỗi, xấu hổ và thấy mình không xứng.
Hôm nay con bạn cầm về một bài kiểm tra bị điểm kém và ngay lập tức bạn nghĩ rằng kết quả đó là do sai lầm của mình. Lẽ ra bạn phải dành thời gian cho con nhiều hơn.
Để tránh tư duy sai lầm này, hãy cân nhắc xem phần mình đóng góp trong tình huống đó và liệu kết quả có phải hoàn toàn do ta hay không. Nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn, ta sẽ thấy có nhiều yếu tố tác động và không phải hoàn toàn do lỗi của ta.
Bảo Anh (Theo CNBC)