|
|
Bạn hãy loại bỏ những câu nói "độc hại" này để tự tin và thành công. Ảnh:Pexels. |
Là giảng viên tại Đại học Yale (Mỹ), TS Emma Seppälä có cơ hội dạy dỗ hàng trăm sinh viên mỗi năm. Bà nhận thấy tất cả sinh viên đều có những phẩm chất tuyệt vời, nhưng chỉ một số ít trong số họ thực sự sống một cuộc sống thành công rực rỡ.
"Điều gì làm nên sự khác biệt của họ? Đó là bởi họ có mối quan hệ lành mạnh với chính bản thân. Trong khi đó, hầu hết sinh viên khác lại ngược lại, họ có mối quan hệ 'độc hại' với chính mình, thường xuyên tự chỉ trích bản thân", TS Seppälä nói với CNBC Make It.
Nếu thấy mình thường xuyên nói hoặc suy nghĩ theo 5 cụm từ này, rất có thể bạn đang tự kìm hãm bản thân.
"Tôi không đủ giỏi"
Đây dường như là một "chương trình mặc định" chạy ngầm trong suy nghĩ của nhiều người. Theo TS Seppälä, bộ não của chúng ta có xu hướng tập trung nhiều hơn vào những điều tiêu cực hơn là tích cực.
Thiên kiến tiêu cực này thể hiện qua việc bạn nhận được 9 lời khen ngợi và một lời chỉ trích, tuy nhiên, bạn sẽ tập trung vào lời chỉ trích, khiến tinh thần sa sút.
"Tương tự, suy nghĩ 'tôi không đủ giỏi' có thể hủy hoại bản thân, khiến bạn cảm thấy lo lắng và chán nản", TS Seppälä nói.
Thay vào đó, bạn hãy tự hỏi "Điều gì tốt cho tôi ngay lúc này?". Có lẽ bạn cần nghỉ ngơi, ăn uống hoặc đi bộ ngoài trời, bất cứ điều gì giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Sau đó, bạn sẽ quay trở lại với tinh thần mạnh mẽ và lạc quan hơn.
Nghiên cứu cho thấy, lòng tự thương giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng, sống động và lạc quan hơn.
"Tôi sẽ không bao giờ học được cái này. Thôi kệ đi!"
Câu nói này không chỉ làm nản chí mà còn sai về mặt khoa học. Bộ não của con người có khả năng linh hoạt, có thể tiếp tục thay đổi và phát triển cho đến khi về già - hiện tượng này được các nhà khoa học thần kinh gọi là cơ chế thần kinh mềm dẻo (neuroplasticity).
"Bạn có thể đổi nghề ở tuổi 50 và bắt đầu học piano ở tuổi 80. Bạn có thể học hỏi những điều mới mẻ ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời và thông qua thực hành, bạn có thể cải thiện hầu hết mọi thứ", TS Seppälä nhận định.
Chính vì vậy, bạn hãy tự nói với bản thân rằng "Tôi cần tập luyện nhiều hơn". Bạn hãy nghĩ về một việc bạn thường xuyên làm một cách dễ dàng, cho dù đó là điều hành cuộc họp nhóm tại cơ quan, nấu ăn tối hay đọc sách. Sau đó, hãy nhớ lại lần đầu tiên bạn cố gắng làm điều đó.
Bạn thấy mình đã tiến bộ như thế nào? Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với việc bạn bắt đầu thử một thứ mới, nếu bạn tiếp tục kiên trì, bạn sẽ thành công.
"Tôi là một kẻ thất bại"
Đây là một niềm tin khác hủy hoại bản thân và khiến bạn kiệt quệ. Bạn biến "Tôi đã thất bại trong việc X" thành "Tôi là kẻ thất bại", đánh đồng một trải nghiệm nhất thời với bản chất con người của bạn.
Suy nghĩ này hoàn toàn không đúng sự thật. Ngay cả khi bạn chưa đạt được mục tiêu cụ thể trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống, điều đó không có nghĩa là bạn đã thất bại trong mọi thứ. Nó cũng không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ thất bại trong tương lai, hoặc bản thân bạn là một kẻ thất bại.
Thông thường, thất bại là cơ hội để phát triển và là bước đệm cần thiết trên con đường thành công của bạn.
Thay vì nói "Tôi là kẻ thất bại", bạn hãy tự nhủ "Tôi đã học được rất nhiều điều". Và đúng là như vậy, trải nghiệm sau những lần thất bại đã khiến bạn khôn ngoan và sáng suốt hơn.
|
|
Thay vì nói "Tôi là kẻ thất bại", bạn hãy tự nhủ "Tôi đã học được rất nhiều điều". Ảnh minh họa:Pexels. |
"Tôi không thể tin được là mình lại làm vậy, thật ngu ngốc"
Bạn chắc chắn sẽ tổn thương khi người khác nói những lời trên, nhưng khi chính bạn nói với bản thân mình như vậy thì càng tồi tệ hơn. Nó khiến bạn kiệt quệ, mất giá trị và có thể khiến bạn ngừng cố gắng.
Quan trọng hơn, điều đó cũng không đúng. Bất kỳ ai, kể là thiên tài, cách duy nhất để học hỏi là tự cho phép mình thử nghiệm và mắc sai lầm. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mọi người không đánh giá bạn quá khắc nghiệt như bạn nghĩ khi bạn mắc phải sai lầm ngốc nghếch.
Vì vậy, hãy tự đối xử với bản thân bằng sự khoan dung và khuyến khích khi bạn đang suy nghĩ về điều gì đó không diễn ra hoàn hảo. Không có ai hoàn hảo và ai cũng có thể mắc sai lầm là những sự thật hiển nhiên. Bằng cách nhắc nhở bản thân về những điều đó, bạn có thể thư giãn, hít thở sâu và bước tiếp.
"Tôi không giỏi bằng họ"
So sánh bản thân với người khác sẽ dễ khiến bạn cảm thấy mình thua kém. TS Seppälä cho rằng sự thật là bạn không giỏi bằng họ và chẳng ai giỏi bằng ai, bởi mỗi người đều là một cá thể độc đáo.
Thay vì tập trung vào việc bạn không xinh đẹp, hài hước hay sáng tạo bằng người khác, bạn hãy chú ý đến những điểm mạnh của mình. Đôi khi, câu chuyện cười của bạn không vui, nhưng bạn lại là người ấm áp và khiến mọi người cảm thấy thoải mái khi ở gần. Bạn có thể không nói được 5 ngôn ngữ, nhưng kỹ năng lập bảng tính Excel của bạn lại không ai sánh bằng.
"Trong các lớp học dành cho CEO, tôi cho họ thực hiện bài tập có tên 'Bản ngã phản chiếu tốt nhất'. Trong bài tập này, bạn sẽ hỏi bạn bè và đồng nghiệp điều gì họ trân trọng nhất ở bạn. Rất có thể, họ sẽ đưa ra những câu trả lời tương tự nhau", TS Seppälä chia sẻ.
Nghiên cứu cho thấy bài tập này giúp bạn tăng cường khả năng phục hồi và niềm tin vào bản thân và năng lực. Các câu trả lời có thể giúp bạn mở rộng tầm nhìn về những đóng góp của mình cho những người xung quanh.
Theo lifestyle.znews