Làm cha mẹ ai cũng muốn con mình ngoan ngoãn, hiếu thảo. Tuy nhiên, tâm lý của trẻ không phải lúc nào cũng ổn định. Đến 1 giai đoạn nào đó, nhất là độ tuổi dậy thì, cá tính của con thể hiện rất mạnh. Con dễ trở thành "phản nghịch" trong mắt bố mẹ khi đưa ra những suy nghĩ, quan điểm riêng để chứng minh bản thân mình. Lúc này, cha mẹ sẽ cảm thấy buồn, thất vọng, cho rằng con không ngoan. Thậm chí nhiều người còn mắng nhiếc con những điều thậm tệ.
Tuy nhiên các nhà tâm lý học giáo dục cho rằng, những lúc này cha mẹ cần bình tĩnh đối mặt với chúng. Việc con trẻ cãi lại cha mẹ chưa hẳn là việc xấu. Chúng ta vội vàng phủ nhận suy nghĩ của con, không cho con quyền được nói, được nêu suy nghĩ, vô tình sẽ khiến đứa trẻ đó lớn lên trở thành người nhút nhát, không dám thể hiện mình. Tình huống xấu hơn, con có thể ngày càng xa cách cha mẹ. Chúng sẽ cho rằng người lớn luôn giáo điều, áp đặt và coi thường chúng.
Hiện tượng con cãi trả cha mẹ thực chất là biểu hiện cho thấy trẻ đang dần trở thành một cá thể độc lập. Góc nhìn của chúng so với bố mẹ là hoàn toàn khác. Một nghiên cứu của Đại học Virginia, Mỹ đã tiến hành một cuộc khảo sát với 150 đứa trẻ ở độ tuổi 13. Họ yêu cầu những đứa trẻ này mô tả lại cuộc xung đột với bố mẹ chúng. Dựa trên dữ liệu thu được, họ nhận thấy những đứa trẻ hay cãi lại bố mẹ có thể xử lý những mâu thuẫn bên ngoài tốt hơn những đứa trẻ chỉ biết im lặng hoặc không nói gì.
Các nhà giáo dục học tại Virginia còn phát hiện thêm rằng, những đứa trẻ hay cãi lại bố mẹ thường ít có hành vi xấu ở độ tuổi vị thành niên so với những đứa trẻ ngoan ngoãn. Ví dụ như uống rượu, hút thuốc... Nguyên nhân là do khi nói ra được ý kiến của mình, chúng có xu hướng nhận biết đúng sai. Đồng thời con giải tỏa được ức chế so với việc chỉ giữ suy nghĩ ở trong lòng. Ngoài ra, những đứa trẻ phản kháng mạnh, chúng còn có thể sớm tự lập, không dựa dẫm vào người khác.
Vì vậy thay vì mắng mỏ, đánh con, cha mẹ cần có cách "dẹp loạn" thông minh và đúng đắn hơn.
5 việc phụ huynh nên làm khi trẻ nổi loạn, cãi lại cha mẹ
1. Học cách cảm thông và nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của trẻ
Cha mẹ luôn cho rằng mình là người lớn nên có nhiều kinh nghiệm sống hơn, trẻ con không biết gì nên phải nghe lời. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Phụ huynh không phải lúc nào cũng đúng, và con trẻ không phải lúc nào cũng sai. Có thể 1 vấn đề chỉ do góc nhìn của 2 thế hệ khác nhau mà thôi. Việc ép con phải nghe theo mình chỉ khiến trẻ có xu hướng phản kháng nhiều hơn. Khi dạy dỗ con cái, bố mẹ nên học cách thông cảm, lắng nghe và suy nghĩ từ quan điểm của trẻ. Có như vậy con mới cảm nhận được bố mẹ yêu thương và đang cố gắng thấu hiểu, muốn giúp đỡ mình.
2. Tránh phản ứng lại trẻ với cùng tông giọng mà trẻ đã nói với mình
Khi giận dữ cha mẹ thường lớn tiếng mắng con. Lúc này đứa trẻ cũng gồng lên phản kháng mạnh mẽ. Điều đó làm cho cuộc cãi vã càng trở nên gay gắt, khó giải quyết. Vì vậy la hét, chửi mắng hay dùng những từ ngữ tiêu cực sẽ không được khuyến khích trong những tình huống này. Cha mẹ nên dùng những lời nói nhỏ nhẹ, có thể hạ thấp bản thân xuống ngang bằng tầm mắt của con để nói chuyện. Như vậy con sẽ cảm nhận được mình đang được tôn trọng.
3. Bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm đối với trẻ
Các nhà tâm lý học gợi ý cha mẹ nên sử dụng những câu như: "Con nói với mẹ như vậy thì chắc chắn là con đang rất buồn rồi", "Mẹ muốn nghe kỹ hơn về chuyện này, nhưng mẹ không thể nghe được điều gì khi con đang mất bình tĩnh",... Khi con cảm nhận được tình thương của cha mẹ, chúng sẽ suy nghĩ lại hành động của mình. Hãy để cho con có khoảng không gian để suy nghĩ về hành động của mình. Con cãi lại cha mẹ nhưng bản thân chúng cũng đang rất buồn. Cho nên, cha mẹ nên nói với con cái rằng "ba mẹ rất yêu thương con" để trẻ biết rằng chúng được yêu thương.
4. Cho trẻ thấy hậu quả của hành vi và mong đợi sự tôn trọng
Khi con bình tĩnh hơn, hãy phân tích cho chúng hành vi cãi trả của của con sai ở điểm nào, đúng ở điểm nào. Nếu con có suy nghĩ đúng, cha mẹ hãy mạnh dạn thừa nhận.
Ai cũng thích cảm giác được đánh giá cao và trẻ cũng không phải là ngoại lệ. Nếu bạn thấy con bắt đầu ngừng lại và thể hiện sự hối lỗi, hãy ôm con. Đó là cách "dẹp yên" con nổi loạn hiệu quả nhất.
5. Khi con phản kháng đến đỉnh điểm, hãy chuyển hướng sự chú ý của trẻ
Nếu trẻ vẫn nhất quyết tranh cãi với cha mẹ đến cùng, phụ huynh có thể dùng những cách khác để chuyển hướng sự chú ý của trẻ vào vấn đề đang xảy ra.
Có thể rời đi để con bình tĩnh hơn, hoặc đánh lạc hướng con bằng những cách tinh tế như hỏi "con tối nay muốn ăn gì?", "con muốn làm gì vào cuối tuần",... Bằng cách này, cha mẹ đang đánh lạc hướng một cách tinh tế cảm xúc tiêu cực của trẻ thay vào đó con sẽ sớm bình tĩnh để suy nghĩ lại hành vi của mình.
Hướng Dương HT