Học sinh phía Nam trong ngày phỏng vấn tuyển sinh
của Trường ĐH Fulbright Việt Nam


56 tân sinh viên đầu tiên của FUV tuyển sinh đến từ 18 tỉnh, thành. Trong đó 20% đến từ miền Bắc, 25% từ miền Trung, và 55% từ miền Nam. Sinh viên nữ chiếm 68% và nam  32%.

Trong nhóm sinh viên sắp nhập học FUV, có người đã chế tạo máy phục hồi chức năng cho những người bị đột quỵ, có người đang đấu tranh cho quyền LGBT ở Việt Nam, có sinh viên đang thực hiện các hoạt động bảo tồn văn hóa H’Mông. Một sinh viên đã biến bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu thành một bài nhạc rap,  sinh viên sử dụng bồ công anh để chữa trị cho bệnh nhân bị nấm lang ben... Trong 56 sinh viên, cũng có nhiều người nhận học bổng từ nhiều trường ĐH trong nước và nước ngoài

Đặc biệt, có 6 sinh viên nhận hỗ trợ tài chính toàn phần 100%. Bên cạnh đó, 64% trong tổng số sinh viên được nhận các hình thức hỗ trợ tài chính của trường, 5 sinh viên nhận hỗ trợ tài chính 95%. Hỗ trợ tài chính của FUV là hình thức hỗ trợ dựa trên hoàn cảnh kinh tế gia đình. Các sinh viên đủ điều kiện nhập học nhưng gia đình không có khả năng chi trả đầy đủ tài chính cho toàn bộ 4 năm học sẽ nhận được cam kết của trường với các mức độ hỗ trợ khác nhau.

Thí sinh trong ngày phỏng vấn tuyển sinh

Quá trình tuyển sinh những sinh viên đầu tiên bắt đầu từ tháng 12.2017.  

Không giống như cách thức tuyển sinh truyền thống dựa trên điểm số kỳ thi và học bạ, FUV chú trọng vào việc tìm kiếm những học sinh có các phẩm chất cá nhân như tinh thần khát khao học hỏi, ưa thử thách, bản lĩnh, kiên trì, chăm chỉ và hướng tới cộng đồng. Các ứng viên nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến, bao gồm các bài luận, một tác phẩm do bản thân sáng tác và một video thuyết trình về một chủ đề mở. Từ đây, FUV tuyển chọn những học sinh có hồ sơ nổi bật để tham gia vòng phỏng vấn nhóm dưới sự quan sát trực tiếp của các giảng viên. Vòng phỏng vấn nhóm đã được tiến hành tại Hà Nội và TP.HCM, với các ứng viên tham dự theo vùng địa lý Bắc-Trung – Nam.

Trước đó, trao đổi với Báo Thanh niên, tiến sĩ Ryan Derby-Talbot, Giám đốc học thuật FUV, cho biết trong chương trình cử nhân của FUV có một năm học gọi là “Năm học đồng kiến tạo”. Hầu hết các trường ĐH khi mới thành lập sẽ mời các giảng viên nhóm họp trong các phòng kín, thảo luận các ý tưởng và cuối cùng đưa ra một chương trình giảng dạy theo suy nghĩ chủ quan của họ. Nhưng FUV sẽ kiến tạo một chương trình dành cho sinh viên. Điều quan trọng là chương trình đó không chỉ thiết kế cho sinh viên mà còn cùng sinh viên. Nói cách khác, “Năm học đồng kiến tạo” không chỉ đơn thuần là năm mà các giảng viên và đội ngũ quản lý cùng nhau thiết kế chương trình giảng dạy mà sinh viên sẽ tham gia vào trải nghiệm giáo dục này ngay từ những ngày đầu tiên để cùng giảng viên hoàn thiện chương trình, cùng nhau kiến tạo văn hóa FUV và cùng nhau quyết định những vấn đề trọng đại khác.

Năm học Đồng kiến tạo sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm nay. Một số sinh viên sẽ tham gia chương trình Cầu nối Đại học (College Bridge) để bồi dưỡng thêm tiếng Anh vào tháng 7.

Theo Thanh niên