Nhân dịp này, chúng ta hãy tìm hiểu về 6 người phụ nữ nổi tiếng thuận tay trái trong lịch sử thế giới.
1. Anh hùng Jeanne d'Arc
Trong lịch sử và văn học Pháp, Jeanne d'Arc được miêu tả mang một thanh kiếm bằng tay trái. Các phân tích chữ viết tay cho thấy, bà có thể là người thuận tay trái dù nhận định này không thể chính xác 100%.
Jeanne d'Arc được suy tôn là nữ anh hùng người Pháp, chiến đấu trong cuộc Chiến tranh trăm năm giữa Pháp và Anh và đã được Giáo hội Công giáo La Mã phong thánh. Jeanne d'Arc chính là một trong chín vị Thánh bảo trợ của nước Pháp.
Trên thế giới, bà còn được nhắc đến rộng rãi trong văn chương, hội họa, điêu khắc và các tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc và trò chơi điện tử.
2. Hoàng hậu Josephine
Josephine de Beauharnais là vợ đầu của hoàng đế Napoleon Bonaparte. Có một điều khá thú vị là không chỉ hoàng hậu Josephine mà hoàng đế Napoleon cũng là người thuận tay trái. Họ có lẽ là cặp đôi vợ chồng thuận tay trái nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới.
Hoàng đế Napoleon rất si mê hoàng hậu Josephine. Thậm chí có một câu nói nổi tiếng cho rằng, nếu chiếc mũi của nàng Josephine "tẹt" đi một chút, thì bản đồ châu Âu có thể đã khác.
Nhiều người cho rằng, vì quá mải mê yêu Josephine mà hoàng đế Napoleon đã thất bại trong trận chiến quyết định Waterloo vào tháng 6/1815 trước Liên minh thứ bảy và giấc mộng bá chủ châu Âu của Napoleon cũng tan thành mây khói.
3. Nữ hoàng Victoria
Nữ hoàng Victoria của Anh là một người thuận tay trái. Bà tên đầy đủ là Alexandrina Victoria, sinh ngày 24/5/1819 và mất ngày 22/1/1901. Bà là Nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland từ ngày 20/6/1837 cho đến khi bà qua đời. Bà cũng nhận thêm danh hiệu Nữ hoàng Ấn Độ vào ngày 1/5/1876.
Triều đại của nữ hoàng Victoria kéo dài 63 năm 7 tháng, dài hơn so với quãng thời gian của bất cứ người tiền nhiệm nào. Vương quốc Anh dưới sự trị vì của bà, rất phát triển về công nghiệp, văn hóa, chính trị, khoa học và quân sự và được đánh dấu bằng một sự mở rộng của Đế quốc Anh.
4. Nhà hoạt động xã hội Helen Adams Keller
Helen Adams Keller sinh ngày 27/6/1880 và mất ngày 1/6/1968. Bà là nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ. Bà cũng là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật.
Ngày 14/9/1964, Tổng thống Lyndon B. Johnson trao tặng nữ văn sĩ thuận tay trái rất nổi tiếng này Huân chương Tự do Tổng thống, một trong hai danh dự dân sự cao nhất của Hoa Kỳ. Năm 1965 bà được bầu chọn vào Sảnh vinh danh Phụ nữ Quốc gia (National Women's Hall of Fame) tại Hội chợ Thế giới New York. Bà Keller còn được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20.
Hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai gây ra đau thương chết chóc và tàn phế cho hàng trăm triệu người. Bà Keller đã tìm đến hơn 70 bệnh viện để an ủi bệnh binh, động viên họ kiên cường chống chọi với số phận, làm cho họ hiểu rằng tàn phế không có nghĩa là hết hy vọng trước cuộc sống.
Bà Keller từng 3 lần sang thăm nước Nhật sau chiến tranh và được người dân Tokyo tiếp đón nồng nhiệt. Bà kể với mọi người rằng mình chỉ là một người không may mắn, nhưng đã dùng ý chí nghị lực để chống trả lại số phận trớ trêu, hoàn thành sự nghiệp khơi gợi tấm lòng nhân hậu của mọi người, nhằm mang lại tình thương cho người khuyết tật.
5. Nhà khoa học Marie Curie
Marie Curie là một trong những nhà khoa học nổi tiếng thuận tay trái trên thế giới. Bà là nhà vật lý và hóa học người Pháp gốc Ba Lan. Marie Curie được coi là người tiên phong trong việc nghiên cứu về tính phóng xạ (bà là người đặt ra thuật ngữ phóng xạ).
Marie Curie còn là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel. Bà cũng là người đầu tiên và là phụ nữ duy nhất vinh dự giành được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau: vật lý và hóa học.
Marie Curie là nữ giảng viên đại học đầu tiên tại Đại học Paris (Sorbonne). Vào năm 1995, tro xương của bà được đưa vào tưởng niệm tại điện Panthéon ở Paris (Pháp) vì những đóng góp to lớn cho nhân loại.
6. Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg
Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg sinh ngày 15/3/1933 tại vùng Flatbush, Brooklyn, New York, Hoa Kỳ. Bà Joan Ruth Bader (tên thời con gái) là con của một gia đình người Do Thái nhập cư. Với sự động viên của mẹ, bà Ruth đã trở thành học sinh xuất sắc của trường Trung học James Madison. Năm 1954, bà tốt nghiệp Đại học Cornell ở New York và kết hôn với ông Marty Ginsburg khi đó cũng làm nghề luật sư, trở thành bà Ruth Bader Ginsburg.
Năm 1999, bà được trao giải thưởng Thurgood Marshall vì những cống hiến cho công cuộc vận động bình đẳng giới, quyền công dân và công bằng xã hội. Thậm chí với những đóng góp của mình, cuộc đời và sự nghiệp của bà còn được các nhà làm phim Hollywood dựng thành phim điện ảnh với vai nữ thẩm phán do diễn viên nổi tiếng Natalie Portman thủ vai.
Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg được ví như biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng của xứ cờ hoa. Bà được người dân Mỹ đặc biệt ngưỡng mộ trong suốt những năm qua nhờ những cống hiến không mệt mỏi của bà.
N.A (Nguồn: Theo bustle.com)