Tại các kỳ Olympic, tiêu chuẩn để đánh giá một bài thi thành công thường rất gắt gao. Không chỉ đúng kỹ thuật, động tác thực hiện còn cần đẹp mắt và có độ khó cao nữa. Chính vì vậy, giành được huy chương tại các kỳ Olympic luôn là một mục tiêu rất khó chinh phục của các VĐV. Môn thể thao hấp dẫn này bắt đầu được đưa vào một kỳ Thế vận hội là tại Olympic Amsterdam (Hà Lan) 1928. Chúng ta hay đến với 8 khoảnh khắc lịch sử của các nữ VĐV thể dục dụng cụ tại các kỳ Thế vận hội trong quá khứ.
Hoa Kỳ giành HCĐ nội dung đồng đội nữ tại Olympic London 1948
Olympic London 1948 đánh dấu sự trở lại của Thế vận hội sau Thế chiến thứ hai và sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên đội thể dục dụng cụ nữ Hoa Kỳ giành được huy chương ở nội dung đồng đội. Đội Hoa Kỳ nhận HCĐ, Hungary giành HCB và Tiệp Khắc giành HCV.
Đội trường của đội Hoa Kỳ, Clara Schroth Lomady, 27 tuổi, khi ấy đã lập kỷ lục giành 6 danh hiệu vô địch toàn năng tại Giải vô địch thể dục dụng cụ Hoa Kỳ. Lomady vẫn là người phụ nữ duy nhất giành được nhiều danh hiệu như vậy cho đến khi vận động viên Simone Biles quân bình kỷ lục của Lomady vào năm 2019 và phá vỡ kỷ lục này vào năm 2021.
Olga Korbut với động tác lộn nhào nổi tiếng của mình
Một trong những nhân vật được yêu thích nhất tại Olympic Munich (Đức) 1972 là Olga Korbut, VĐV thể dục dụng cụ 17 tuổi đến từ Liên Xô. Tại kỳ Thế vận hội này, Korbut đã giành được 3 HCV và khiến khán giả thán phục với những pha biểu diễn nguy hiểm đầy táo bạo của mình.
Korbut là VĐV thể dục dụng cụ Olympic đầu tiên thực hiện động tác lộn nhào độc đáo trên hai xà ngang, được gọi theo tên bà là "Korbut Flip" và hiện nay vẫn cấm thực hành vì được xem là quá nguy hiểm.
Nadia Comaneci giành được điểm 10 hoàn hảo đầu tiên
Năm 1976, Nadia Comaneci, 14 tuổi, trở thành VĐV thể dục dụng cụ đầu tiên đạt điểm 10 hoàn hảo trong một sự kiện Olympic. VĐV người Romania đã giành được điểm tuyệt đối cho màn trình diễn của cô ấy trên xà lệch tại Olympic Montreal (Canada) 1976. Sau bài thi của Nadia Comaneci, đã có một sự cố nho nhỏ xảy đến với bảng điện tử, nhưng nhờ đó mà công chúng đã thấy được sự vĩ đại mà Comaneci đã làm được.
Chuyện là vài tuần trước khi Thế vận hội Montreal diễn ra, hãng đồng hồ Omega, đơn vị tài trợ cho sự kiện, đã tới hỏi BTC họ cần bảng điện tử môn thể dục dụng cụ có thể hiển thị bao nhiêu con số. Cho rằng điểm 10.00 là bất khả thi, BTC chỉ yêu cầu hãng Omega cung cấp những bảng điện tử hiện thị tối đa 3 con số.
Sau khi Comaneci hoàn thành xong bài thi, các giám khảo nhất trí chấm cô điểm 10 tuyệt đối. Nhưng do hạn chế trong việc hiển thị chữ số, bảng điện tử chỉ hiện thị điểm... 1.00. Điều này khiến Comaneci và khán giả sững sờ trong giây lát, trước khi vỡ òa vì hiểu ra mọi chuyện. Sau tấm HCV lịch sử đó, Comaneci còn tiếp tục có thêm 6 lần khác được chấm điểm 10 tuyệt đối, tất cả đều ở kỳ Olympic diễn ra tại thành phố Montreal.
Mary Lou Retton bừng sáng tại Olympic Los Angeles (Hoa Kỳ) 1984
Năm 1984, Mary Lou Retton, 16 tuổi, trở thành nữ VĐV thể dục dụng cụ đầu tiên bên ngoài Đông Âu giành HCV toàn năng cá nhân. Retton được truyền cảm hứng để trở thành một vận động viên thể dục nhờ màn trình diễn lịch sử của Comaneci tại Thế vận hội năm 1976.
Retton đã giành được hai điểm 10 hoàn hảo tại Olympic Los Angeles 1984. Tư thế chiến thắng của Retton sau đó được xuất hiện trên trang bìa của Sports Illustrated. Năm 1984, Retton cũng được Associated Press trao danh hiệu nhân vật thể thao của năm.
Dominique Dawes trở thành VĐV thể dục dụng cụ da đen đầu tiên của Mỹ giành huy chương Olympic
Olympic Atlanta 1996 là sự kiện quan trọng đối với đội thể dục dụng cụ nữ Hoa Kỳ. Đội Hoa Kỳ, được ca ngợi là "Số bảy tuyệt vời", đã giành được HCV đầu tiên ở nội dung đồng đội nữ.
Sau đó, thành viên Kerri Strug của đội bị thương ở mắt cá chân, Dominique Dawes, 19 tuổi, đã thay thế vị trí của Strug trong phần thi cá nhân. Dawes đã giành được HCĐ trong nội dung này và trở thành người Mỹ da đen đầu tiên giành huy chương Olympic ở môn thể dục dụng cụ.
Tinh thần chiến đấu của Kerri Strug
Một trong những ngôi sao của Olympic Atlanta (Hoa Kỳ) 1996 là Kerri Strug, 18 tuổi. Ở lần biểu diễn đầu tiên khi thi đấu, Strug tiếp đất một cách vụng về và cô bị đứt dây chằng ở mắt cá chân.
Huấn luyện viên Bela Karolyi - cũng chính là người đã huấn luyện các VĐVComaneci và Retton - đã gây áp lực buộc Strug phải thực hiện động tác thứ hai thay vì đầu hàng. Strug chạy đà, quăng người, lộn, và… cô đứng thẳng khi tiếp đất. Điều tuyệt vời hơn cả là Strug tiếp đất thành công chỉ trên một chân và đội Mỹ đã giành HCV.
Gabby Douglas giành HCV toàn năng cá nhân và đồng đội
Tại Olympic London (Anh) 2012, Gabby Douglas, 16 tuổi, đã trở thành người Mỹ da đen đầu tiên giành huy chương vàng ở nội dung toàn năng cá nhân.
Sau đó, Douglas và đội "Fierce Five" của mình, cũng đã giành được huy chương vàng ở nội dung toàn năng đồng đội, trở thành đội thứ hai của Hoa Kỳ làm được điều này sau đội "Magnificent Seven" vào năm 1996. Với những chiến thắng này, Douglas trở thành người đầu tiên Mỹ giành HCV đồng đội và toàn năng cá nhân.
Đẳng cấp của Simone Arianne Biles
Simone Arianne Biles là nữ VĐV thể dục dụng cụ người Mỹ, từng đoạt 4 HCV tại Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016 ở các nội dung toàn năng, ngựa gỗ, tự do và đồng đội; huy chương đồng ở nội dung cầu thăng bằng. Biles đã trở thành VĐV thể dục dụng cụ đoạt nhiều HCV nhất cho Hoa Kỳ chỉ trong một kỳ Thế vận hội.
Là người giành được 30 huy chương Olympic và Giải vô địch thế giới đồng thời là người phụ nữ duy nhất nắm giữ 7 danh hiệu vô địch toàn Hoa Kỳ, Biles hiện là VĐV thể dục dụng cụ tài năng nhất của Hoa Kỳ và được kỳ vọng là một trong những VĐV thành công nhất tại Olympic Tokyo 2020.
N.A (Theo history.com)