9 gợi ý mà bạn có thể áp dụng ngay hôm nay. 

Đề cập vấn đề bình tĩnh

Thay vì lập tức cau mày quát tháo khi thấy con làm sai, bạn có thể nhẹ nhàng bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những câu như “Mẹ biết con không cố ý…”. Điều này cho trẻ thấy bố mẹ hiểu mình và không vội vàng kết tội.

Sau đó, bạn mới thêm từ “”nhưng” và giải thích tác động của hành vi không đúng đó. Mục đích không phải để nhấn mạnh rằng con là người xấu, mà để khuyến khích con suy nghĩ cẩn thận hơn về hậu quả hành vi của mình trong tương lai. 

Không chì chiết chuyện cũ

Nhắc đi nhắc lại một chuyện đã xảy ra không mang lại nhiều lợi ích, bởi kết quả vẫn không thay đổi. Hơn nữa, việc liên tục chì tiết còn có thể khiến trẻ cảm thấy tồi tệ về bản thân. 

Gợi ý giải pháp

Hãy cải thiện tình hình bằng cách đưa ra kế hoạch cụ thể để sữa chữa sai lầm, chẳng hạn: “Con có thể làm gì để giúp bạn bớt buồn?” Khi đề xuất các gợi ý khác nhau, bạn đang giúp trẻ mở rộng tư duy và đưa ra lựa chọn phù hợp. 

Tránh “dán nhãn” trẻ

Nói với con những câu như “Đúng là đồ phá hoại” hoặc nhận xét về con với người khác rằng “Nó lười như hủi” có thể khiến trẻ bị đóng khung suy nghĩ. Một hành vi xấu cần được tách biệt với bản chất của một con người. Bạn có thể nhắc trẻ rằng “Ngay cả những đứa trẻ ngoan cũng có thể mắc lỗi”.  

Lắng nghe giải thích

Hãy để trẻ được quyền giải thích những gì đã xảy ra. Hãy thực sự chú ý và quan tâm đến lời giải thích đó. Điều đó sẽ tạo cơ hội để thảo luận về cảm xúc và cách đối phó với cảm xúc, giúp trẻ dần hoàn thiện hành vi khi xảy ra tình huống tương tự. 

Tập trung vào bài học thay vì hình phạt

Đừng để con bị ám ảnh bởi sự trừng phạt khi làm sai. Bạn có thể giúp con có được bài học đáng nhớ về cách cư xử, đồng thời cho con có niềm tin rằng bản thân có thể làm tốt hơn trong tương lai.

Ngoài ra, khi khó xác định ai là người mắc lỗi, người lớn có thể kiểm điểm tất cả những đứa trẻ  liên quan, tránh trường hợp chỉ trách mắng một đứa trẻ và khiến chúng cảm thấy như mình là nạn nhân. 

Không dùng lời lẽ khó nghe

Nghiên cứu cho thấy việc la hét khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và bất an, tệ hơn là có thể dẫn đến các biểu hiện hung hăng ở trẻ. Xúc phạm một đứa trẻ cũng gây ra những ảnh hưởng lâu dài do trẻ cảm thấy bị hạ thấp lòng tự trọng.

Nếu bố mẹ giữ được bình tĩnh, con sẽ cảm thấy được yêu thương và chấp nhận, ngay cả khi chúng cư xử không tốt. 

9 cách kỷ luật con mà không gây phản ứng ngược - 1

Nhẹ nhàng khuyên nhủ sẽ giúp trẻ tiếp thu nhiều hơn.

Tránh kỷ luật trẻ nơi công cộng

Hãy cố gắng hạn chế tối đa việc làm con xấu hổ giữa nơi đông người, bởi điều này có thể tác động xấu đến kỹ năng xã hội của trẻ và khiến trẻ oán hận bố mẹ. 

Ghi nhận sự tiến bộ của trẻ

Dù sai lầm trẻ mắc phải lớn đến đâu, điều quan trọng là phụ huynh nên tiếp tục đặt niềm tin vào trẻ và khích lệ trẻ cố gắng sửa đổi trong thời gian tới. Nếu trẻ chịu khó tiếp thu, đưa ra lựa chọn đúng và cải thiện được hành vi của mình, bạn đừng quên đưa ra lời khen đúng lúc. 

Theo vtc.vn