Niềm đam mê khoa học của Phương được bồi đắp bởi các giảng viên ngành hóa học và môi trường.
Nguyễn Thị Phương sinh năm 1999 tại Bắc Ninh. Trong khi nhiều bạn bè mong muốn học ngành sư phạm, kinh tế.., thì Phương lại chọn ngành môi trường. Lý giải về lựa chọn này, cô cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng thôn quê ở Bắc Ninh đang được quy hoạch, xây dựng khá nhiều khu công nghiệp. Điều đó thôi thúc tôi phải ý thức được về các mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Làm gì để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống trước những nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn. Gia đình tôi có truyền thống làm nghề mộc nhưng kiến thức về ô nhiễm môi trường khu công nghiệp của mọi người vẫn còn hạn chế".
Mang theo những trăn trở ấy, Phương đã đến với một buổi tư vấn tuyển sinh. Khi tìm hiểu về ngành kỹ thuật môi trường của ĐH Thủy lợi, Phương càng khẳng định rõ quyết tâm của mình, đăng ký thi vào ngành môi trường với nhiều dự định cho tương lai.
Niềm đam mê khoa học của Phương được bồi đắp bởi các giảng viên ngành hóa học và môi trường. Họ là những nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đã truyền lửa cũng như động lực cho Phương.
"Ngay từ năm thứ 2, tôi đã được thầy cô tạo cơ hội tiếp xúc với các tài liệu chuyên ngành cũng như phòng thí nghiệm để tôi được mở mang kiến thức. Khi bắt đầu học các môn chuyên ngành, hiểu rõ các quy tắc phòng thí nghiệm, dưới sự dẫn dắt của các thầy cô khoa Hóa và Môi trường, tôi mới dần dần nghiên cứu nhiều hơn về các đề tài liên quan đến môi trường", Phương cho biết.
Làm dày thêm bảng thành tích
Khi là sinh viên năm thứ 2, tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ 32 của ĐH Thủy lợi, Nguyễn Thị Phương đã tham gia với đề tài "Nghiên cứu xử lý chất kháng sinh Ciprofloxacxin trong nước bằng Biochar/Chitosan", nghiên cứu này phần nào sẽ giúp cho nguồn nước được đảm bảo.
Nguyễn Thị Phương (bìa trái) và nhóm nghiên cứu thực hiện thí nghiệm
Với ý nghĩa thiết thực, đề tài đã đạt giải Khuyến khích cấp Khoa. Tuy giải thưởng còn khiêm tốn nhưng đó là nguồn động viên khích lệ, là viên gạch đầu tiên làm nền móng cho cô tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học.
Sang năm thứ 3, Phương thực hiện đề tài khoa học "Nghiên cứu vật liệu rẻ tiền, thân thiện với môi trường từ phế phẩm nông nghiệp vào xử lý các chất ô nhiễm trong nước". Đề tài nghiên cứu vật liệu sinh học thân thiện với môi trường được tái chế từ trấu, vỏ tôm và hạt chùm ngây để xử lý các chất ô nhiễm. Ứng dụng thực tiễn của đề tài là xử lý nước nhiễm kháng sinh thú y: nước thải thủy sản, nước thải chăn nuôi.
Đề tài đã được công nhận và được đăng tải trên tạp chí Khoa học Quốc tế Environmental technology & innovation, được báo cáo tại Hội thảo quốc tế International Forum on Green Technology and Management năm 2020. Phương và nhóm nghiên cứu mong muốn đưa những vật liệu rẻ tiền, thân thiện với môi trường từ phế phẩm nông nghiệp vào xử lý các chất ô nhiễm trong nước.
Phương bày tỏ, sau khi ra trường, cô mong muốn sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu về ngành Kỹ thuật Môi trường và mong nhận được học bổng từ một trường quốc tế nào đó để có thể theo đuổi đam mê, phù hợp với bản thân, ngành nghề và phù hợp với kinh tế gia đình. Cô cũng ấp ủ ước mơ trở thành giảng viên khoa học để truyền đam mê của mình tới những bạn trẻ yêu môi trường.
Để đạt được ước mơ đó, là một đảng viên ngay từ khi còn là sinh viên, Phương không ngừng trau dồi bản thân bằng cách học tập chăm chỉ, tham gia các hoạt động ngoại khóa để tăng kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm cũng như khả năng lãnh đạo. Cô đã được nhận bằng khen, giấy khen từ các hoạt động Đoàn, Hội: Sinh viên 5 Tốt cấp Thành phố 2 năm học liên tiếp, giải Khuyến khích cuộc thi Chung kết "Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019", giải Nhì Olympic Toán học cấp trường.
Hoàng Duy