|
|
Ai Cập dự kiến bỏ môn Triết học, Tiếng Đức, Tiếng Pháp. |
Thông báo trên nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ giới chuyên gia và phụ huynh học sinh.
Hệ thống giáo dục Ai Cập đang đối mặt với nhiều thách thức. Với hơn 106 triệu dân, quốc gia này phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt giáo viên và cơ sở vật chất. Nhiều gia đình chi nhiều tiền cho các lớp học tư nhân để bổ sung sự thiếu hụt từ giáo dục công lập, gây ra gánh nặng tài chính khổng lồ.
Ngoài ra, các lớp học tư nhân ra đời trong bối cảnh hàng triệu học sinh phải cạnh tranh khốc liệt để giành suất vào đại học. Giáo viên nhờ đó có thêm công việc để tăng thu nhập.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Ai Cập dự kiến cắt giảm một số môn học, môn thi như Triết học, Tiếng Pháp, Tiếng Đức.
Bộ trưởng Giáo dục Ai Cập, ông Mohamed Abdel Latif, nhấn mạnh mục đích của việc giảm môn học nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho phụ huynh khi phải trả tiền dạy thêm. Nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo đây chỉ là biện pháp cắt giảm ngân sách từ chính phủ thay vì giải quyết toàn diện vấn đề chất lượng giáo dục.
Việc cắt giảm chương trình bắt buộc sẽ khiến hệ thống học tập tại Ai Cập thay đổi, kèm theo đó là nhiều giáo viên thất nghiệp. Ngoài ra, nó có thể giới hạn kiến thức của học sinh, làm giảm khả năng cạnh tranh của các em khi vào đại học.
Ông Mohamed Ade, giáo viên môn Triết học cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục giảng dạy tại trường công lập ở Cairo. Tuy nhiên, việc mất thu nhập từ lớp dạy thêm khiến tôi phải mau chóng tìm công việc thứ hai. Điều tôi muốn là chính phủ bảo vệ và đáp ứng nhu cầu cơ bản của giáo viên”.
Một số học sinh hoan nghênh việc cắt giảm môn học để có thời gian tập trung vào các môn học chính như Hóa học và Sinh học. Bên cạnh đó, các em cũng được cải thiện sức khỏe tinh thần vì giảm áp lực cạnh tranh vào đại học.
Tuy nhiên, nhiều học sinh khác cảm thấy lo lắng việc ít môn học sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số tổng thể của các em. Salma Nagy, học sinh trung học ở Cairo, chia sẻ: “Lúc đầu, em rất vui vì sẽ có ít môn học hơn, nhưng đồng thời, em không biết điều này có thực sự tốt cho điểm số của mình hay không. Đa số các môn bị loại bỏ đều dễ đạt điểm cao hơn, giúp tăng điểm trung bình học tập”.
Quyết định trên không chỉ ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên mà còn đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tương lai của nền giáo dục Ai Cập. Nếu không có những cải cách thực sự hiệu quả, cũng như đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, cơ hội phát triển tối đa khả năng của thế hệ trẻ sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng giáo dục của Ai Cập hiện nay là lời cảnh tỉnh cho các quốc gia khác về trách nhiệm đầu tư giáo dục. Một thế hệ học sinh được giáo dục tốt không chỉ là nguồn nhân lực cho nền kinh tế mà còn là những công dân có trách nhiệm và sáng tạo trong tương lai.
|
Theo giaoducthoidai