Tương tự như chuyện ai cũng biết Einstein vĩ đại nhưng chẳng mấy ai thực sự hiểu thuyết tương đối có nội dung thế nào, chúng ta hầu hết đều biết Beethoven vĩ đại nhưng không phải ai cũng hiểu âm nhạc của ông vĩ đại ra sao.
Vậy thì rốt cuộc Beethoven có gì vĩ đại, ngoài việc bất cứ ai, kể cả người hoàn toàn thờ ơ với nhạc cổ điển, cũng biết đoạn nhạc kịch tính "păm-păm-păm-pằm" mở đầu bản Giao hưởng số 5?
Lấp đầy khoảng trống giữa những huyền thoại sáng ngời đến lóa mắt và những pho sử liệu cứng nhắc về một thiên tài, cuốn sách Beethoven - Âm nhạc và cuộc đời - chấp bút bởi Lewis Lockwood, tìm ra một góc nhìn trung dung về con người nghệ sĩ và con người đời thường bên trong Beethoven - không chạy theo lối phê bình tiểu sử gượng ép, song cũng không cổ xúy "cái chết của tác giả" theo kiểu Roland Barthes.
Hướng tiếp cận trung dung ấy vô hình trung lại phù hợp với Beethoven - con người của những nhị nguyên, của sự tồn tại song song giữa những điều đối lập và tương phản.
Đó là một nhà soạn nhạc ngăn nắp luôn có ý thức gìn giữ những tài sản trí tuệ của mình, nhưng đồng thời cũng là người sống trong nơi "bừa bộn, bẩn thỉu nhất có thể tưởng tượng".
Đó là cá tính ngạo nghễ trước những nhà quý tộc, ngay cả khi ông mặc chiếc áo lỗi thời thì một nữ bá tước vẫn phải năn nỉ quỳ gối xin ông dạo cho bà nghe một nhạc khúc, nhưng đồng thời cũng là người có những suy tư thực tế về tiền bạc và biết cách lấy lòng những nhà bảo trợ khi cần.
Beethoven, cùng một lúc ông là kẻ ghét đời và tác giả của bản Giao hưởng số 9 thần thánh ngợi ca tình huynh đệ, cùng một lúc ông là kẻ khao khát được yêu và kẻ luôn chối từ một tình yêu nghiêm túc.
Âm nhạc của ông, trong rất nhiều trường hợp, cũng đi theo từng cặp. Nếu như Giao hưởng số 5 đánh thức sự nhìn nhận về "những bóng phủ khổng lồ chao qua đảo lại, tới gần và hủy diệt mọi thứ bên trong ta" thì Giao hưởng số 6 lại ngợi ca vẻ đẹp hân hoan của chốn đồng quê êm ả.
Nếu như bản tứ tấu đô thăng thứ Opus 131 chất chứa những xúc cảm đen tối và u buồn thì bản tứ tấu giọng pha trưởng Opus 135 lại tràn ngập sự dí dỏm, vui tươi và ánh sáng.
Đúng như tên gọi, Beethoven - Âm nhạc và cuộc đời - âm nhạc trước, cuộc đời sau - là một công trình khảo cứu nặng về nhạc lý mà một độc giả không được đào tạo chuyên nghiệp sẽ rất vất vả để đọc.
Nhưng với một thân phận mà Thượng đế giao phó cho những điều kỳ vĩ như Beethoven, người đã tự nhủ một cách chua xót rằng "chỉ trong thế giới lý tưởng ngươi mới có thể tìm thấy bạn bè" và thế giới lý tưởng ấy không gì khác là âm nhạc, thì chính là qua những âm hình, ta sẽ tìm thấy dấu vết rõ ràng nhất về những giằng xé trong hồn ông, cả về quá trình trưởng thành của ông.
Song nếu như ta không thể lĩnh hội hết những ý tưởng âm nhạc trong cuốn sách, không sao cả. Người viết còn nhớ trong bộ phim Dead poets society, có một cảnh phim khi thầy giáo John Keating rủ học trò trong lớp chơi đá bóng và khi một cậu học trò ghi bàn, cả đội bắt đầu công kênh vị thầy giáo tuyệt vời đã dạy chúng thế nào là tự do.
Tất cả cảnh phim rực rỡ ấy diễn ra trên nền nhạc Tụng ca niềm vui của Beethoven, một khúc ca sáng bừng về hi vọng, về nhân loại, và tiếng nhạc ấy thổi bùng tất cả cảm xúc vinh quang nhất, vang lừng nhất, phóng khoáng nhất, khiến cho ta cảm thấy hãnh diện khi được làm người. Và có lẽ chỉ cần như thế đã là đủ để hiểu vì sao Beethoven vĩ đại.
Theo tuoitre