leftcenterrightdel

Ấn Độ tăng cường giáo dục kỹ năng cho thanh thiếu niên. 

Bộ Tài chính Ấn Độ mới đây công bố kế hoạch chi tiêu dành cho giáo dục năm 2024 - 2025, trong đó, tăng đầu tư vào giáo dục kỹ năng nhưng giảm đầu tư cho các trường đại học.

Cụ thể, năm học 2024 - 2025, các trường đại học Ấn Độ được phân bổ 400 tỷ rupee, ít hơn so với mức 520 tỷ rupee trong năm 2023 - 2024. Trong khoản tiền này, các trường đại học, cao đẳng không thuộc trung ương bị cắt giảm khoảng 61% tiền trợ cấp ngân sách.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman, cho biết ngân sách sẽ tập trung giải quyết tình trạng thất nghiệp cao trên cả nước. Theo đó, chính phủ sẽ đầu tư 1,48 nghìn tỷ rupee để giáo dục việc làm và đào tạo kỹ năng cho thanh niên. Dự án bao gồm mở rộng chương trình thực tập, đầu tư cho các Viện đào tạo công nghiệp (ITI), trường nghề.

Chính phủ cũng giảm lãi suất khoản vay sinh viên xuống còn 3% một năm thay vì 11% như trước đây. Điều này nhằm khuyến khích nhiều thanh thiếu niên học đại học.

PGS Narender Thakur, chuyên gia kinh tế tại Đại học Delhi, cho biết: “Sinh viên Ấn Độ và gia đình phải đối mặt với gánh nặng học phí và sau đó là khủng hoảng thất nghiệp. Cần xoá bỏ gánh nặng cho sinh viên và gia đình thông qua các khoản vay giáo dục đại học”.

Ông Ramgopal Rao, cựu Giám đốc Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) tại Delhi, hoan nghênh các chính sách đầu tư cho giáo dục kỹ năng, khoản vay mới cho sinh viên. Nhưng ông bày tỏ thất vọng với tình trạng các cơ sở giáo dục đại học bị cắt giảm trợ cấp.

Theo giaoducthoidai