leftcenterrightdel
 Viện Công nghệ Ấn Độ Bombay đứng thứ 40 trong danh sách các trường đại học châu Á QS 2024.

Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) mới đây đã công bố Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2024. Trong đó, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc về số lượng trường đại học góp mặt trong danh sách.

Cụ thể, trong 856 trường đại học châu Á được liệt kê, Ấn Độ có 148 trường, theo sau là Trung Quốc với 133 trường và Nhật Bản với 96 trường. Kết quả này khiến Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á có số lượng trường đại học đông nhất bảng xếp hạng.

Năm 2024, số lượng trường đại học Ấn Độ mới tham gia bảng xếp hạng tăng 37 trường trong khi Trung Quốc có thêm 7 trường. Ấn Độ có 7 trường trong tốp 100.

Ông Ben Sowter, Phó Chủ tịch cấp cao của QS, nhìn nhận: “Số lượng trường đại học Ấn Độ góp mặt trong bảng xếp hạng của QS ngày càng đông, phản ánh khả năng mở rộng, tính năng động của lĩnh vực giáo dục đại học Ấn Độ”.

Chuyên gia này đồng thời ghi nhận mức độ tăng trưởng về số lượng của các tổ chức giáo dục đại học Ấn Độ và đóng góp của các trường trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Điều này không chỉ củng cố vị thế giáo dục của khu vực châu Á mà còn cho thấy tiềm năng của Ấn Độ trong việc nâng cao vị thế học thuật toàn cầu.

Dù số lượng trường đông, thứ hạng của các trường Ấn Độ so với Trung Quốc có nhiều khác biệt. Đơn cử, Viện Công nghệ Ấn Độ Bombay (IIT Bombay) là trường được xếp thứ hạng cao nhất trong các trường của Ấn Độ và đứng vị trí 40 trong bảng xếp hạng. Theo sau lần lượt là Viện Công nghệ Delhi (IIT Delhi) ở vị trí 46 và Viện Công nghệ Madars (IIT Madras) ở vị trí 53.

Trong khi đó, trường giữ vị trí số một trong bảng xếp hạng là Đại học Bắc Kinh, một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Vị trí thứ 2 thuộc về Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), trường đại học lâu đời nhất Hồng Kông, còn vị trí thứ 3 thuộc về Đại học Quốc gia Singapore (Singapore).

Một điểm đáng chú ý là Đại học Hồng Kông tăng hai bậc so với năm 2022 và đứng thứ 2 trong danh sách. Còn Đại học Quốc gia Singapore (NUS) từ vị trí thứ 2 tụt xuống thứ 3. Từ năm 2019 đến năm 2022, NUS được xếp hạng là trường đại học hàng đầu châu Á theo QS và đứng thứ 2 vào năm 2023.

Cùng ở vị trí thứ 4 là Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Vị trí thứ 6 thuộc về Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) còn vị trí thứ 7 là Đại học Phục Đán (Trung Quốc). Vị trí thứ 8 và 9 lần lượt thuộc về hai đại diện Hàn Quốc là Đại học Yonsei và Đại học Korea. Xếp vị trí thứ 10 là Đại học Trung Văn Hồng Kông (Trung Quốc).

Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á QS 2024 là bảng xếp hạng lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục đại học khu vực châu Á với 856 trường, tăng so với 760 trường theo bảng xếp hạng một năm trước.

Các trường được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như tính học thuật, khả năng sử dụng lao động, chất lượng và khối lượng nghiên cứu, nguồn lực giảng dạy, tỷ lệ giảng viên, tỷ lệ sinh viên quốc tế...

“Với những nỗ lực không ngừng hướng tới quốc tế hoá, kết quả nghiên cứu và sự công nhận về mặt học thuật, các trường đại học Ấn Độ đang sẵn sàng cho sự phát triển và thành công hơn nữa trong thời gian tới”, báo cáo của QS phân tích.

Theo giaoducthoidai